Những vắc xin cần tiêm trước khi mang thai

Trong thời gian mang thai, phụ nữ rất dễ bị bệnh vì hàng rào đề kháng hoạt động khá yếu ớt. Chúng dễ dàng lây nhiễm sang thai nhi, khiến thai nhi bị dị tật, chết lưu hoặc sinh non. Ngay cả khi được can thiệp bằng các biện pháp y tế, sức khỏe của mẹ và bé cũng cũng có thể đối diện với những rủi ro. Vì vậy, để chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh, tất cả các bà mẹ nên tiêm vắc xin trước khi mang thai.

Việc tiêm phòng trước mang thai không chỉ bảo vệ sức khỏe người mẹ mà còn cung cấp cho trẻ sơ sinh một lượng kháng thể (miễn dịch) ngắn hạn để bảo vệ bé trong những năm tháng đầu đời, khi bé chưa đủ tuổi để có thể chủng ngừa vắc xin.

tiem-phong-uon-van-cho-ba-bau-nhung-luu-y-khi-tiem-phong-uong-van-cho-ba-bau-1

Ảnh minh họa

Những loại vắc xin phụ nữ nên tiêm phòng trước khi mang thai

Theo ThS. BS Phan Chí Thành – Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo – Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cùng với chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, việc tiêm các loại vắc xin trước khi mang thai được khuyến cáo giữ vai trò như một lá chắn bảo vệ bà bầu và thai nhi trước các bệnh nguy hiểm.

Trước khi mang thai

– Thứ nhất, vaccine 3 trong 1 (Sởi – Quai bị – Rubella): Đây đều là những căn bệnh rất dễ lây nhiễm qua đường hô hấp nếu chưa được tiêm phòng vaccine. Các bệnh này nếu nhiễm trong giai đoạn mang thai sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng như sảy thai, thai dị dạng, chết lưu, đẻ non hoặc trẻ bị nhẹ cân, chậm phát triển,…

– Thứ 2, vắc xin dự phòng chống cúm: Đây là bệnh viêm nhiễm cấp tính đường hô hấp gây nên bởi virus cúm, dễ lây truyền thành dịch. Virus cúm không chỉ khiến thai nhi có nguy cơ bị dị tật (nhất là khi mẹ bị cúm trong vòng 13 tuần đầu của thai kỳ), có thể gây sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non. Thông thường phụ nữ mang thai khi bệnh cúm sẽ nặng hơn và thời gian bị bệnh cũng sẽ kéo dài hơn người bình thường.

– Thứ 3, vaccine dự phòng chống thủy đậu: Nhiễm thủy đậu khi mang thai có thể nguy cơ cho thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh (0,4% nếu nhiễm trong 3 tháng đầu thai kỳ, 2% nếu nhiễm ở 3 tháng giữa sẽ gặp các vấn đề như sẹo ở da, tật đầu nhỏ, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, ngắn chi, chậm phát triển). Nếu mẹ bầu bị nhiễm trong vòng 5 ngày trước sinh, bé sơ sinh có thể bị nhiễm bệnh thủy đậu lan tỏa, tỷ lệ tử vong lên đến 20-30%.

“Từ khi tiêm vaccine đến khi mang thai, cần cách nhau tối thiểu từ 1 – 3 tháng để đạt hiệu quả và đảm bảo quá trình mang thai tiếp theo”, bác sĩ Thành nhấn mạnh.

tiem-vacxin-cho-ba-bau-2

Tiêm phòng đầy đủ cho mẹ bầu, chuẩn bị sức khỏe tốt nhất để chào đón bé yêu (Ảnh minh họa)

Trong thời gian mang thai: Nếu mang thai lần đầu và chưa tiêm uốn ván trong vòng 5 năm gần nhất, mẹ bầu cần tiêm mũi đầu tiên ở tuần thứ 28, sau đó 1 tháng tiêm mũi thứ 2 nhắc lại để cơ thể sản sinh sức đề kháng mạnh nhất chống được uốn ván.

Nếu mang thai lần 2 hoặc những lần sau mà trong vòng 5 năm chưa tiêm nhắc lại vắc xin uốn ván thì chỉ cần tiêm 1 mũi và không cần tiêm mũi thứ 2 sau 1 tháng.

Ngoài ra, nếu vào mùa cúm, dù ở bất kỳ tuần thai nào mẹ bầu cũng nên tiêm lại vắc xin phòng cúm.

Việc tiêm phòng trước khi mang thai là không bắt buộc. Tuy nhiên, nếu không được tiêm phòng, thai phụ khi mắc các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm kể trên thì bé sinh ra có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh hoặc lây bệnh từ mẹ, thậm chí mẹ bị sảy thai, sinh non.

Vì thế, trước khi có ý định mang thai, bác sĩ Thành khuyến cáo chị em nên có kế hoạch chích ngừa vắc xin đầy đủ.

“Tiêm vắc xin trước khi mang thai là một việc làm quan trọng đòi hỏi người thực hiện phải có chuyên môn, do đó người mẹ không thể tự mua thuốc về tiêm, cũng không thể tiêm tại các hiệu thuốc hoặc đơn vị y tế nhỏ lẻ không có giấy phép hoạt động.

Do vậy, chị em nên đến các bệnh viện và cơ sở uy tín để được tư vấn về việc tiêm vắc xin trước khi mang thai”, bác sĩ Thành nhắn nhủ.

Phương Anh/TH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM