4 bí quyết nuôi dạy con ở tuổi dậy thì cha mẹ nào cũng cần biết

Tuổi dậy thì là thời điểm đánh dấu sự chuyển giao từ trẻ con sang người lớn với những thay đổi rõ rệt về sinh lý và tâm lý, là thời kỳ cơ thể phát triển nhanh về thể lực, hệ thần kinh và nội tiết.
Vì vậy, tuổi dậy thì đòi hỏi một sự quan tâm sâu sắc về tinh thần và một chế độ chăm sóc chu đáo về dinh dưỡng để các em có thể phát triển toàn diện.
Đặc điểm của tuổi dậy thì thể hiện ở sự thay đổi “siêu tốc” do tác động của tuyến yên, tuyến dưới đồi và tuyến sinh dục được thể hiện như sau:
Sự thay đổi về thể chất
tuoi day thi 1
Tuổi dậy thì thể hiện qua sự thay đổi về thể chất (Ảnh minh họa)
Các em lớn nhanh cả về cân nặng và chiều cao, lớp mỡ dưới da của phầ lớn các em nam và một số em nữ tiêu hao khá nhiều tạo ra sự thay đổi về hình dáng này. Có em mới trước đó còn thấp bé bỗng cao to như có phép lạ. Các em nam thì cao lên, vai rộng ra, các em gái thì đường nét rõ ràng, eo thon, ngực và hông nở, xương chậu rộng ra. Sự phát triển của bộ phận sinh dục ngoài ngày càng rõ nét.
Nam dậy thì bằng dấu hiệu mọc lông vùng kín và một vài tháng sau thì dương vật to lên, khoảng hai năm sau thì mọc râu; đồng thời, các bộ phận bên trong cũng bắt đầu phát triển, đặc biệt là túi tinh trùng. Tuổi dậy thì ở nam được đánh dấu bằng lần xuất tinh không chủ định đầu tiên. Nữ thấy vú to lên, lông mọc nhanh, một hai năm sau thì mọc lông vùng bẹn và nách; đi kèm với bậc của cơ quan sinh dục bên trong (âm đạo, tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng). Tuổi dậy thì ở nữ được đánh dấu bằng lần có kinh đầu tiên. Khi còn là trẻ con thì giọng nam và giọng nữ rất khó phân biệt nhưng đến tuổi dậy thì sẽ có sự khác nhau giữa giọng nam và giọng nữ. Nam giọng ồm hay còn gọi là vỡ giọng, nữ giọng trong và thanh hơn.
Sự thay đổi về tâm lý
Do chất adrenalin trong cơ thể tăng lên dưới sự chỉ huy của các tuyến nội tiết làm tim đập nhanh nên các em hay cáu gắt, dễ xúc động. Tuổi dậy thì thích tự mình quyết định mọi việc mà không muốn bị coi là trẻ con; hay mơ mộng, làm dáng, chú ý chăm lo hình thức bên ngoài; dễ bị tổn thương khi bị xa lánh, coi thường, chê bai. Các em bắt đầu quan tâm đến bạn khác giới và có những rung động tình cảm phức tạp đôi khi ảnh hưởng lớn đến học hành. Các em rất nhạy cảm, dễ có những hành động dại dột như trốn học, bỏ nhà đi khi thất vọng một điều gì đó dù chỉ là rất nhỏ, thậm chí còn có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.
Chăm sóc về tinh thần
Empty
Hãy chăm sóc tinh thần cho các trẻ ở tuổi dậy thì (Ảnh minh họa)
Cha mẹ cần dành nhiều thời gian cho con hơn, nhẹ nhàng uốn nắn cho con để các em có một tâm hồn trong sáng, biết cách ứng xử, biết nhận thức và có lối sống lành mạnh. Đừng chú tâm vào đáp ứng mọi yêu cầu của con mà hãy trang bị cho con những kỹ năng sống cần thiết để các em không bị lệ thuộc vào cha mẹ mà có khả năng tự lập, tự đối phó với các tình huống phức tạp trong cuộc sống trong đó có khả năng từ chối trước những cám dỗ ngoài xã hội. Không nên dạy bảo con theo kiểu bề trên, nói toàn những điều to lớn mà hãy coi các em như những người bạn để chia sẻ, tâm sự; điều đó sẽ tạo cho các em sự gần gũi, dễ giãi bày. Cha mẹ luôn đặt mình vào vị trí của con thì mới hiểu con và giúp con giải quyết vấn đề.
Hãy trao cho các em quyền được đặt ra mục tiêu, kế hoạch cho hoạt động học tập, sinh hoạt; cha mẹ chỉ là người gợi mở, dẫn dắt cho các em đi đúng hướng. Quan tâm đến các mối quan hệ của con nhưng không dò hỏi và tham gia quá sâu vào các mối quan hệ đó. Thường xuyên liên lạc với thầy cô giáo, bạn bè, cha mẹ của bạn bè con để nắm bắt được tâm lý của con và cùng phối hợp giáo dục con đúng cách.
Chăm sóc về dinh dưỡng
Giai đoạn này các em không chỉ phát triển cân nặng, chiều cao mà còn tham gia rất nhiều vào các hoạt động học tập và vui chơi nên cần có một chế độ dinh dưỡng tốt để có vóc dáng đẹp, sức khỏe dồi dào. Năng lượng cần cho các em vào khoảng 2.200 đến 2.500 kcal mỗi ngày. Số bữa ăn tối thiểu là 3 bữa (sáng, trưa, tối), nếu các em phải học khuya thì cần được ăn thêm bữa phụ.
Bữa sáng được đặc biệt chú ý vì nó cung cấp năng lượng cho trẻ hoạt động với cường độ cao và thời gian hoạt động buổi sáng thường dài. Bữa ăn của các em cần có đủ các chất nằm trong ô vuông thức ăn nói chung (chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng) theo tỷ lệ  thích hợp.
Cần lưu ý một số thành phần sau đây: Lượng chất đạm từ 50 – 60g/24 giờ chiếm khoảng 15% tổng lượng thức ăn. Chất đạm rất cần thiết đối với lứa tuổi này để xây dựng cấu trúc tế bào, đảm bảo tốt cho sự tăng trưởng. Chất đạm còn là thành phần chủ yếu để tạo ra các nội tiết tố sinh dục và tham gia vào hệ thống miễn dịch làm tăng khả năng đề kháng của cơ thể.
Chất béo có tác dụng hòa tan các vitamin cần thiết cho sự tăng trưởng như A, D, E, K. Vì vậy cha mẹ không nên ngần ngại khi cho chất béo vào khẩu phần ăn của trẻ kể cả với trẻ có thân hình đẫy đà. Nước cần thiết cho mọi hoạt động của cơ thể, các em cần uống từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày. Kể cả khi trẻ không khát, cha mẹ cũng nên nhắc nhở con em mình uống nước cho đủ, không nên cho các em uống nhiều nước ngọt. Chất sắt là yếu tố quan trọng tạo máu. Thiếu sắt trẻ sẽ nhanh mệt mỏi, sức khỏe giảm sút. Đặc biệt trẻ gái cần nhiều hơn trẻ trai vì khi có kinh nguyệt lượng sắt bị mất đi theo máu kinh. Những thức ăn có nhiều chất sắt như thịt bò, tim lợn, gan gà, rau cải xoong…
Chất canxi giúp xương chắc khỏe,tránh hiện tượng loãng xương. Tuổi dậy thì cơ thể phát triển với tốc độ cao nên việc cung cấp nhiều can xi trong khẩu phần ăn là vô cùng cần thiết. Có thể cung cấp can xi bằng cách cho trẻ uống sữa hàng ngày, ăn nhiều cua tôm cá ốc (nên nấu nhừ ăn cả xương là tốt nhất). Các vitamin: Vitamin A cần cho sự hoạt động của cơ bắp, tăng sức đề kháng của cơ thể.
Các thức ăn từ động vật như gan, trứng, thịt có sẵn vitamin A và các thức ăn từ thực vật như cà rốt, cà chua, rau ngót thì có chứa nhiều beta caroten là chất mà cơ thể có thể tổng hợp để tạo thành vitamin A. Vitamin C có vai trò quan trọng trong các phản ứng oxy hóa khử của cơ thể. Thiếu vitamin C sẽ dẫn đến giảm khả năng đề kháng, chảy máu chân răng, vết thương lâu liền sẹo, nhanh mệt mỏi. Vitamin C có nhiều trong rau củ, các loại quả như cam, chanh, bưởi…
Ngoài chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, các em cần tập luyện thể thao đều đặn. Cha mẹ nên động viên và hướng dẫn con tập một môn thể thao vừa sức và phù hợp với sở thích của các em như đá cầu, bơi lội, nhảy cao, nhảy xa, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông… Vận động giúp cho cơ xương được kích thích sẽ phát triển dài ra đồng thời tạo cho các em có sức bền và sự dẻo dai.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM