Cậu bé Việt được mệnh danh ‘thần đồng’ hội họa

Bốn tuổi, năng khiếu hội họa của Xèo Chu phát lộ. Đến tuổi 12, cậu bé được ví như danh họa Jackson Pollock, với những bức tranh được trả giá hàng trăm nghìn USD.
Một sáng tháng 12/2020, Xèo Chu cùng gia đình đang ăn sáng trước khách sạn ở khu SoHo, New York, bỗng mọi người xung quanh chú ý vào họ và chỉ trỏ màn hình phía sau. Trên đó, kênh Fox News đang giới thiệu cậu bé họa sĩ nhí người Việt và triển lãm cá nhân “Thế giới lớn, Đôi mắt nhỏ” đang diễn tại phòng tranh George Berges. Cùng thời gian này, báo chí Mỹ cũng liên tục đưa cái tên Xèo Chu lên trang chủ.
Triển lãm trưng bày 8 bức tranh Chu vẽ, trong đó có năm bức về vịnh Hạ Long. Điểm đặc biệt là bức “Hang động vịnh Hạ Long” có kích thước 2,4 m x 6 m – gấp 20 lần vóc dáng cậu bé, được định giá 150.000 USD. Đây là mức giá kỷ lục với một họa sĩ nhí, thậm chí cả những họa sĩ tên tuổi cũng khao khát.
Chủ phòng tranh George Berges tin chắc Xèo Chu là phiên bản của Jackson Pollock, họa sĩ người Mỹ nổi tiếng trong thập niên 1940-1950. “Jackson Pollock có những tác phẩm nổi tiếng ở đỉnh cao sự nghiệp, cách xa tuổi 12 rất nhiều, còn Xèo Chu đang tạo ra các tác phẩm tương tự ngay khi bắt đầu sự nghiệp của mình”, ông nói.
Phóng viên hãng tin Reuters phỏng vấn Xèo Chu cũng tiết lộ ngoài lề rằng “tranh của Chu đã mời được anh ấy và vợ sang Việt Nam”. Từ sau triển lãm này tên tuổi của Xèo Chu nổi tiếng thế giới và được xem như “thần đồng hội họa”.
Xèo Chu cùng chủ phòng tranh George Berges trong triển lãm của cậu bé tại đây tháng 12/2019. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Xèo Chu cùng chủ phòng tranh George Berges trong triển lãm của cậu hồi tháng 12/2019. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Sinh ra trong gia đình có phòng tranh lâu năm ở Sài Gòn, đam mê của Xèo Chu (tên thật Phó Vạn An) bộc lộ từ rất sớm. Hồi bốn tuổi, cứ mỗi lần phải lên xe đi học tiếng Anh là cậu bé “khóc ngất” trong khi các anh được đi học vẽ. Người mẹ đành đưa cho cục gôm, tờ giấy, trong lòng chỉ muốn con “nguệch ngoạc nhanh nhanh” còn đến lớp.
Cậu bé với đôi má phúng phính có thể vẽ bất cứ chỗ nào và bất cứ lúc nào. Một lần được nghỉ học, cậu bé Chu được đến lớp học vẽ của anh để “chơi với sắc màu”. Các anh, các bạn trong phòng vẽ đều có thầy bên cạnh hướng dẫn, còn Chu không biết vẽ gì đành vẽ… mặt mình. Thầy giáo đi ngang qua, lập tức ấn tượng trước bức tranh một khuôn mặt trông “rất nghệ thuật” và cho vẽ thêm. Lần này em vẽ bóng lưng hai anh.
Quan sát cậu bé một hồi, thầy giáo lẳng lặng kéo mẹ Xèo Chu ra một góc, nói: “Hơn 10 năm làm hội họa, lần đầu tôi thấy đứa bé 4 tuổi vẽ như vậy. Bút pháp, sắc độ, chiều sâu, đường cọ bay, vững như một nghệ sĩ thực thụ”.
Mẹ của em, chủ hai phòng tranh hơn 20 năm tuổi, nhìn hai bức tranh cũng giật mình kinh ngạc. Chị nhận ra những điều thầy giáo nói. “Cả đêm tôi trằn trọc, vừa thương con, vừa mừng”, chị Nguyễn Thị Thu Sương nói. Sau hôm đó, Xèo Chu chính thức được vẽ.
Những năm đầu, thế giới qua đôi mắt của cậu bé là những gì nhìn thấy hàng ngày, như giàn mướp đắng trước nhà, vạt nắng xiên qua ô cửa, giàn hoa sử quân tử bên cửa sổ và đặc biệt rất nhiều hoa. Có lần có người quen tặng mẹ 30 bông mẫu đơn. Hoa đẹp lại đắt, chị Sương tiếc không đi làm 3 ngày để ở nhà ngắm. Chu thấy vậy âm thầm ôm bình hoa về phòng vẽ. Mới đi được vài bước cánh rụng hết. Sợ quá, cậu bé liền cầu cứu thầy. Sau sự cố này, Chu học được cách vẽ từ ảnh. “Em đã vẽ ba bức ba màu cho mẹ khỏi tiếc hoa héo nữa”, cậu bé kể.
Xèo Chu vẽ bên kênh quận 4 khi 5 tuổi. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Xèo Chu (nghĩa là Con heo nhỏ) – vẽ bên kênh quận 4 khi 5 tuổi. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Cậu bé Xèo Chu cũng hay tham gia vào hoạt động thiện nguyện cùng mẹ. Em xung phong vẽ tranh để có tiền đóng học phí cho một bạn “bằng tuổi và mập mập như mình”. Tuổi lên 10, Chu có triển lãm tranh đầu tiên tại Singapore. Rất nhiều người đã hỏi mua tranh. Số tiền 20.000 USD từ lần bán tranh trong triển lãm, Chu đã giúp cho quỹ mổ tim, các cụ già neo đơn ở quận 8 và trẻ em đường phố Sài Gòn.
Cũng từ triển lãm này, năng khiếu của Xèo Chu gây chú ý với George Berges, chủ phòng tranh ở Mỹ. Người này đã đề nghị mở triển lãm tranh của em. Cậu bé 11 tuổi đã chọn vẽ Vịnh Hạ Long. “Khi đó tôi hỏi con sao vẽ một bức tranh lớn tới vậy. Con không nói Hạ Long đẹp mà bảo ‘Hạ Long to thế mà’. Trong suy nghĩ của mình, con hoàn toàn bị choáng ngợp bởi sự hùng vĩ khi đến đây”, chị Sương kể.
Để vẽ bức tranh 2,4 x 6 m, Xèo Chu dành ba tháng liên tục vào các buổi chiều tối và cuối tuần. Lúc em ngồi, nằm, lúc trườn bò để vẽ. Nhiều hôm em vẽ suốt 5 tiếng, tay chân mệt rã rời. Đến khi hoàn thành bức tranh vừa to, đẹp, lại ma mị, ấn tượng. Vì chứng kiến vất vả của cậu bé, cũng như nghĩ có thể đây là bức tranh “độc nhất vô nhị” nên gia đình quyết định không bán.
Cách họa sĩ tới xem bức tranh hang động Vịnh Hạ Long của Xèo Chu trước khi đi triển lãm. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Các họa sĩ như Đặng Xuân Hòa, Hồng Việt Dũng, Phạm Luận, Đỗ Hiệp… tới xem bức tranh hang động Vịnh Hạ Long – được phòng tranh George Berges định giá 150.000 đôla – của Xèo Chu trước khi đi triển lãm. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Đến nay Chu đã vẽ hơn 300 bức tranh, ghi dấu ấn qua ba triển lãm cá nhân. Tranh của em thường chỉ bán trong triển lãm và theo cam kết của gia đình, tất cả số tiền thu được sẽ dùng làm từ thiện, cho tới năm 18 tuổi Xèo Chu sẽ tự quyết.
Ngoài vẽ, cậu bé 13 tuổi mê đủ thứ khác. Mới năm trước em thích bóng đá, đến nỗi trước lúc ngủ kể chuyện sút bóng thế nào, rồi đêm nằm mơ sút luôn vào mặt mẹ. Năm nay cu cậu thích bóng bàn. Ngoài học ở trường, Chu còn học thêm tiếng Hoa, đàn, hát… nên thường chỉ vẽ vào cuối tuần.
Họa sĩ Nguyễn Hải Anh, thầy dạy vẽ của Xèo Chu cho biết, cậu học trò xem vẽ tranh như nhật ký ghi lại những gì em thấy, không bị bó buộc bởi một trường phái, quy tắc nào. “Toát lên trong mỗi bức tranh là một nguồn năng lượng tươi mới, người xem thấy bị cuốn hút bởi sự thiện lương của Chu”, họa sĩ Hải Anh nhận định.
Cũng vì sự tươi mới, hồn nhiên này mà không ít người “xếp hàng” mua tranh cậu bé. Một Việt kiều Mỹ sở hữu được một trong 4 bức bán ra trong bộ Vịnh Hạ Long đã đổi tên villa của mình thành “Hạ Long – Xèo Chu”.
Bà Karlene Davis – Tổng lãnh sự New Zealand tại TP HCM – một người hâm mộ tranh của Xèo Chu chia sẻ: “Tôi mua tranh của Chu vì ngưỡng mộ sự tận tụy và đam mê của cậu bé trong việc chia sẻ cách nhìn thế giới của em với chúng ta. Tôi yêu thích cách Chu thể hiện ánh sáng và sắc màu. Cậu bé nhìn thấy nhiều thứ hơn mắt thường và thể hiện được tinh thần của bức tranh. Chúng thật tinh tế”.
Chiều cuối năm nay, Xèo Chu vẫn say sưa bên cọ vẽ. Cậu đang chỉnh đi sửa lại khoảng chục bức tranh về Mù Căng Chải sau chuyến du lịch tới đây hồi tháng 9. Có bức Chu vẽ cánh đồng lúa chín bất tận, bức vẽ đường chân trời mênh mông hay đồng bào trẩy hội đón lúa mới… Hết dịch, Xèo Chu sẽ mang Mù Căng Chải ra thế giới.
Xem thêm tranh của “thần đồng” hội họa Xèo Chu:
Phan Dương
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM