Công dụng của lá bạc hà trong các bài thuốc Đông y

Bạc hà là loài thảo dược nhỏ thấp, phổ biến trên toàn thế giới. Trong cả Đông y và Tây y, bạc hà được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh, tinh dầu bạc hà được dùng để sản xuất các sản phẩm khác. 
1. Nhận biết cây bạc hà
(Mentha arvensis L.), họ Bạc hà (Lamiaceae). Bạc hà thuộc loại thân thảo, sống lâu năm. Thân ngầm mang lá mọc bò lan, thân mềm, hình vuông, mang lá, cao khoảng 40 – 50 cm. Lá đơn, mọc đối, mép có răng cưa. Hoa nhỏ màu trắng, hồng, hoặc tím hồng. Quả bế có 4 hạt. Các bộ phận trên mặt đất đều có lông
Bạc hà có rất nhiều tác dụng chữa bệnh
Bạc hà, loại mọc hoang thường phổ biến ở những vùng có độ cao từ 1300 m – 1600 m, như Sa Pa (Lào Cai), Sìn Hồ (Lai Châu), loại trồng là quần thể những giống bạc hà nhập từ nước ngoài: Đức, Pháp, Trung Quốc…, được trồng chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng để lấy nguyên liệu làm thuốc.
Có thể thu hái bạc hà tươi để cất tinh dầu, hoặc sau khi thu hoạch phơi khô, bảo quản nơi khô ráo. Trước khi dùng, rửa sạch, phơi khô, cắt đoạn 3 – 5 cm, vi sao.
2. Các thành phần của bạc hà 
Bộ phận trên mặt đất, hàm lượng tinh dầu được xác định từ 1 – 3 %, trong đó chủ yếu là menthol, limonen, α, β, cimen, pulegon, methyl acetat, myrcen…
3. Công dụng của lá bạc hà
Trên thực nghiệm
Trên thực nghiệm, với liều nhỏ, bạc hà có tác dụng hưng phấn, kích thích trung khu thần kinh, làm mạch máu giãn nở, thúc đẩy mồ hôi bài tiết và hạ thân nhiệt. Liều lớn sẽ kích thích tủy sống. Làm tê liệt phản xạ vận động. Còn có tác dụng trên đoạn rễ thần kinh bị tê đau và tác dụng gây tê cục bộ. Bạc hà còn có tác dụng ức chế nhiều chủng vi khuẩn như: Staphylococcus aureus, Bacillus subtilus, Pseudomonas aeruginosa, micrococcusglutamicus, Diplococcus pneumonie, Escherichia coli, Salmonella Typhy, Shigella. flexneri… và một số vi nấm như: Aspergillus fumigatus, A niger, Cadida albicans.
Theo Y học cổ truyền
Bạc hà có tác dụng làm ra mồ hôi, trừ phong giảm đau, chỉ ho, kiện vị, chỉ tả, tăng tiết mật, kích thích tiêu hóa, giải độc, thúc ban sởi mọc. Dùng bạc hà trị ho, cảm mạo phong nhiệt, biểu hiện sốt cao, mũi tắc, đau đầu, ít hoặc không có mồ hôi.
Liều dùng, ngày 2 – 12g, dạng thuốc hãm, thuốc sắc. Những người khí hư huyết táo, can dương thịnh biểu hư, mồ hôi nhiều không nên dùng. Không nên dùng bạc hà cho trẻ con dù bằng cách xông hơi hay uống
4. Một số cách chữa bệnh bằng bạc hà 
Bạc hà giúp làm sạch xoang mũi 
Bạc hà chứa nhiều hợp chất chống viêm rosmarinic acid. Chỉ cần vài giọt tinh dầu bạc hà hoặc lá bạc hà tươi pha với nước sôi và xông hơi trực tiếp sẽ giúp làm sạch và thông xoang mũi. Bạc hà còn có tác dụng hỗ trợ điều trị hen suyễn và các chứng dị ứng do nhiễm trùng nấm.
Bạc hà chống say xe
  • Uống một ly trà bạc hà nóng để tránh buồn nôn.
  • Cho 3 – 4 giọt tinh dầu bạc hà vào khăn tay để hít cũng giúp chống say xe hiệu quả
Bạc hà giúp xua đuổi côn trùng 
Cho vài giọt tinh dầu bạc hà vào máy xông hơi để khử sạch mùi hôi.
Trồng bạc hà trong nhà hoặc phun tinh dầu bạc hà pha loãng với nước cũng giúp xua đuổi côn trùng hiệu quả.
Bạc hà trị hôi miệng 
Nhai trực tiếp vài nhánh bạc hà hoặc uống 1 ly trà bạc hà sau khi ăn hoặc khi cảm thấy hơi thở bắt đầu có mùi sẽ giúp khử mùi hiệu quả.
Bạc hà giúp giảm căng thẳng
 Uống một ly trà bạc hà vào ban đêm sẽ làm bạn dễ ngủ và giảm stress.
5. Tránh nhầm lẫn lá bạc hà và lá húng lủi
Cần phân biệt bạc hà và húng lủi
Nhiều người nhầm lẫn rằng bạc hà chính là lá húng lủi. Tuy nhiên trên thực tế, bạc hà KHÔNG PHẢI là húng lủi. Cần phải phân biệt hai loại lá này với nhau. Bạc hà có mùi thơm mạnh và the mát hơn lá húng lủi rất nhiều.
Hạnh Ngân-t/h
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM