“Đào rừng” và câu chuyện “tem thông hành” ra chợ Tết

Huyện Vân Hồ, Mộc Châu (Sơn La) được coi là thủ phủ đào Tây Bắc. Đất, khí hậu tại đây rất hợp với việc trồng đào, chỉ sau khoảng 3 năm là có đào gốc để bán.
Nhiều năm qua, người dân huyện Vân Hồ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ yếu là các loại cây ăn quả thay thế ngô, dong, sắn. Tại 2 xã Lóng Luông và Vân Hồ, người dân trồng giống đào Pháp để lấy quả và đào bản địa để bán gốc, bán cành cho người tiêu dùng chơi Tết nguyên đán. Đào mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn, phù hợp với địa hình đất dốc, tập quán canh tác của người dân bản địa.
GỌI LÀ “ĐÀO RỪNG” NHƯNG CÓ CHỦ
Anh Vàng A Cô, ở bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ cho hay người dân ở nhiều xã trên địa bàn chuyển sang trồng đào lấy cành từ hơn chục năm trước. Mảnh nương nào dốc, không trồng được cây khác thì người dân trồng đào. Riêng nhà anh có 1 ha đất nương trồng đào, năm nào cũng được khai thác từ 500 – 700 cành. “Ở vùng này không có đào rừng. Loại đào mang về xuôi bán thực chất là đào trồng trên nương. Đào cổ thụ cũng được trồng ở ven nương, nếu có người mua, thuận giá thì người dân chặt bán,” – anh Vàng A Cô nói.
Theo ông Trần Dũng Tiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La, trên địa bàn huyện Vân Hồ có khoảng 1.000 ha đất trồng cây đào, tập trung nhiều tại xã Vân Hồ và Lóng Luông (Vân Hồ trên 200 ha, Lóng Luông hơn 300 ha). 
“Người trồng đào lo lắng trước chỉ thị cấm khai thác đào rừng để chơi Tết do họ chưa nắm rõ quy định. Đối với đào trên nương rẫy, trong vườn nhà, do người dân trồng, không nằm trong đất lâm nghiệp thì vẫn được buôn bán, khai thác bình thường. Chỉ thị chỉ cấm chặt đào rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp, bởi tất cả loài cây trong rừng đều nằm trong quy hoạch rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất), đều được quản lý chặt chẽ” – ông Tiến giải thích.
Đào Vân Hồ và câu chuyện “tem thông hành” ra chợ Tết - Ảnh 1.

Những cành đào Vân Hồ sớm về xuôi đã hiện diện trên phố Lạc Long Quân.

Đào Vân Hồ và câu chuyện “tem thông hành” ra chợ Tết - Ảnh 2.

Ảnh: Phương Thảo

Thực tế, không giống hoa ban, trong rừng tự nhiên đào rất khó sống, vì cây đào đòi hỏi phải mọc nơi thoáng đãng, có người chăm sóc. Hiện nay, tại Vân Hồ, diện tích đào rừng tự nhiên hầu như không có. Những cành đào được gọi là “đào rừng” tại Vân Hồ đều có chủ. Tất cả diện tích đất dốc, rải rác trên nương, rẫy được quy hoạch trồng. Đây chính là hướng kinh doanh mới cho bà con nông dân.
Khi về xuôi, những cành đào trồng Vân Hồ vẫn được gọi là “đào rừng” là bởi đây là giống đào bản địa được người dân trồng với thời gian lên đến 5 – 7 năm, cành có thế đẹp. Đào bán cả gốc thì người dân trồng rất dày, mỗi gốc cách nhau khoảng 2m. Lóng Luông, Vân Hồ có khí hậu rất hợp với đào, chỉ trồng 3 – 5 năm là ở gốc và cành đã phong rêu giống như trồng trong rừng.
Trên địa bàn huyện, cứ khu vực nào có người dân tộc Mông sinh sống là ở đó có trồng đào. Đây không chỉ là một nét văn hóa của người bản địa mà còn là cây để xóa đói giảm nghèo. Có những cành đào người dân bán được 5 – 7 triệu, những gốc đào bán hơn chục triệu đồng, số tiền này sẽ giúp thay đổi đời sống của họ.
ĐÀO MANG THEO “HỘ CHIẾU” ĐỂ VỀ XUÔI
Nhiều ngày sau quyết định cấm chặt phá đào rừng để chơi Tết và yêu cầu tăng cường công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng, đã có những chuyến xe mang đào rừng dán tem truy xuất nguồn gốc xuất hiện trên các con phố ở Hà Nội, nhiều nhất là trên đường Lạc Long Quân.
Các thương lái vận chuyển số đào trên cho biết, đào được mua từ một số hộ dân trồng đào tại xã Vân Hồ và Lóng Luông. Ngay sau khi đào được khai thác, chính quyền địa phương đến nhà dân để xác nhận đây chính xác là đào của dân trồng, sau đó cấp lượng tem tương ứng để dán vào các cành đào. Ngoài tem dán vào mỗi cây họ còn được cấp một giấy xác nhận của chính quyền sở tại với nội dung đào được mua tại địa phương này để thuận lợi cho việc di chuyển, lưu thông.
Đào Vân Hồ và câu chuyện “tem thông hành” ra chợ Tết - Ảnh 3.

Ảnh: Phương Thảo

Đào Vân Hồ và câu chuyện “tem thông hành” ra chợ Tết - Ảnh 4.

Ảnh: Phương Thảo

“Trên đường đi, khi thấy xe chở đào, các lực lượng chức năng cũng dừng xe, yêu cầu xuất trình giấy tờ. Sau khi tôi đưa giấy tờ xác nhận, cùng với việc kiểm tra trên cành đào có dán tem xuất xứ, chúng tôi được đi luôn. Nói chung không có gì khó khăn, cản trở”, anh Nguyễn Văn Hùng, một thương lái đang bán đào Vân Hồ trên đường Lạc Long Quân chia sẻ.
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, cho biết, sau khi Sở NN&PTNT và Sở KH&CN Sơn La có hướng dẫn, huyện đang triển khai 2 mẫu tem xác định nguồn gốc đào trồng, với số lượng khoảng 11.000 chiếc, trên nền in dòng chữ “Hoa đào Vân Hồ” và có chữ ký ẩn của Trưởng phòng NN&PTNT huyện. Người dân nếu có nhu cầu dán tem chỉ cần đăng ký với UBND xã là sẽ được cấp phát.
Đào Vân Hồ và câu chuyện “tem thông hành” ra chợ Tết - Ảnh 5.

Tem truy xuất nguồn gốc đào Vân Hồ do UBND Huyện Vân Hồ thiết kế. Ảnh: Phương Thảo

Được biết, mẫu tem trên do UBND huyện Vân Hồ thiết kế, được Sở Khoa học – công nghệ và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sơn La tư vấn, sau đó xin ý kiến của UBND tỉnh chấp thuận. Ông Bùi Bá Chính – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, cho biết khi được quét mã QR code gắn trên cây đào, hệ thống truy xuất nguồn gốc do Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia vận hành sẽ cung cấp thông tin về người trồng, địa chỉ, diện tích, thông tin về năm trồng đào…
Khảo sát trên thị trường, những gốc đào này đa số là đào phai, cao khoảng 2 – 3m, bán kính rộng từ 1,5 – 2m. Thân cây khúc khuỷu, có nhiều lớp địa y rêu xanh, chưa ra nhiều hoa và được người bán giới thiệu có tuổi thọ từ 5 – 15 năm tùy cây. Loại đào rừng do người dân trồng này luôn luôn được ưa chuộng vì mang vẻ đẹp hoang sơ, hoa nở rực rỡ và rất bền. Với nhiều người ở vùng xuôi, có cánh đào phai của rừng khoe sắc cũng giống như là đã mang được cả mùa xuân ở rừng về căn nhà đón Tết.

Đào rừng bị Chính phủ “cấm” là những cây đào có tuổi thọ lâu đời, mọc ở tự nhiên ở trong rừng hoặc do con người trồng để làm rừng phòng hộ, rừng đặc dụng… Còn đào trồng là do con người trồng trên đất nông nghiệp, đất vườn, nương rẫy. Nhìn chung, tùy mục đích trồng khác nhau, địa điểm trồng khác nhau mà phân biệt đó là đào rừng hay đào nhà. Về hình thức, đào rừng thường có cành cao đến 5 – 6m, thân cành xù xì, mốc, nhiều tầm gửi bám, rất ít hoa nhưng bông rất khỏe. Còn đào trồng do được cắt tỉa nên cành thấp hơn, nhiều hoa hơn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM