Ðưa nét xưa vào nay

Mặc dù những nỗ lực nghiên cứu, phục dựng trang phục cổ và truyền thống Việt Nam (cổ phục Việt) đã có từ lâu, nhưng vài năm gần đây mới nở rộ mạnh mẽ thành một trào lưu thu hút nhiều người tham gia, nhất là giới trẻ. Từ chỗ chỉ xuất hiện trong bảo tàng, sách và tư liệu lịch sử hay phim tài liệu…, đến nay, cổ phục Việt đã và đang được sử dụng trong rất nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí, thậm chí trở thành một trong những xu hướng nổi bật của thời trang trong nước năm 2020, và được dự báo sẽ tiếp tục lan tỏa trong năm 2021.

Sự trở về đáng trân trọng

Trong năm 2020, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vừa qua, trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông, xuất hiện nhiều hình ảnh các nghệ sĩ, các nhóm học sinh – sinh viên, hoặc các đôi vợ chồng trẻ mặc cổ phục Việt (áo ngũ thân, nhật bình, giao lĩnh…) trong các sự kiện giải trí, biểu diễn nghệ thuật, hoặc các hoạt động vui chơi, du lịch, cưới hỏi… Có thể nói rằng, việc giới trẻ yêu thích và sử dụng cổ phục Việt là một tín hiệu đáng mừng sau thời gian dài nét văn hóa này bị lu mờ, hoặc bị đánh đồng với trang phục cổ của một số quốc gia châu Á khác. Trang phục là một phần quan trọng của mỹ thuật truyền thống, song cũng là lĩnh vực rất khó nghiên cứu, phục dựng bởi các tư liệu lịch sử ít nhắc đến, hình ảnh lưu trữ không nhiều. Hàng chục năm về trước, đã có những công trình nghiên cứu của GS, TS Ðoàn Thị Tình (nghiên cứu về phục trang người Việt), nhà nghiên cứu Trịnh Bách (phục dựng trang phục cung đình), nhà nghiên cứu Trịnh Quang Vũ (nghiên cứu trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam)… nhưng mới chỉ có giới học thuật, chuyên gia tiếp cận, quan tâm. Rồi từ khoảng năm 2014 đến nay, các cộng đồng trên mạng in-tơ-nét về phong tục, trang phục, văn hóa Việt lần lượt ra đời và thu hút rất đông thành viên, phần lớn là người trẻ. Từ những diễn đàn như Ðại Việt cổ phong, Ðình làng Việt… rất nhiều dự án phục dựng cổ phục Việt được hình thành và cho kết quả khả quan, tạo nên phong trào tìm hiểu và ứng dụng cổ phục sôi nổi trong giới trẻ.

Sinh viên TP Hồ Chí Minh trình diễn cổ phục Việt trong ngày hội “Tóc xanh – Vạt áo”. Ảnh: Tấn Ðồng

Giữa tháng 1-2021, Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ÐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tổ chức tuần lễ văn hóa mang tên “Sóng đôi” với điểm nhấn là ngày hội “Tóc xanh – Vạt áo”, có sự tham gia của 12 nhóm cổ phong (văn hóa xưa, phong cách cổ) khắp cả nước, trưng bày và trình diễn các loại trang phục truyền thống qua nhiều thời kỳ lịch sử như: áo dài, áo ngũ thân, tứ thân, viên lĩnh, giao lĩnh, nhật bình, đối khâm… với nhiều loại phụ kiện như mũ, giày, quạt mang mầu sắc và họa tiết lộng lẫy, bắt mắt. Hàng nghìn lượt khách tham quan đã có dịp tìm hiểu về cổ phục Việt Nam, trải nghiệm mặc thử cổ phục, chiêm ngưỡng các màn tái hiện nghi lễ cung đình. Ðây không phải sự kiện đầu tiên của phong trào tìm hiểu, ứng dụng cổ phục nhưng đã đánh dấu một cột mốc quan trọng của phong trào này, không chỉ là tự phát trong các diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội nữa, mà đã dần nhận được sự quan tâm, ủng hộ và tổ chức bài bản của các tổ chức, đơn vị giáo dục. Theo TS Lê Thị Ngọc Ðiệp, Chủ tịch Hội đồng trường, hy vọng sự kiện sẽ lan tỏa những di sản tốt đẹp của Việt Nam tới các bạn trẻ, lực lượng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tới mai sau. Cũng đầu năm 2021, Vietnam Centre – tổ chức văn hóa, giáo dục phi lợi nhuận của cộng đồng người Việt tại Ô-xtrây-li-a, công bố bản ghi hình mang tên “Người Việt xa lạ – 1000 năm Việt phục” lên YouTube và nhận được hơn 240 nghìn lượt xem. Trong ba phút, những bộ trang phục truyền thống của người Việt từ thời nhà Lý (thế kỷ 11) đến nhà Nguyễn (cuối thế kỷ 20) lần lượt được tái hiện, khiến người xem ngạc nhiên và thích thú trước những tạo hình vừa quen vừa lạ. Ê-kíp sản xuất cũng đăng tải lên trang Facebook chính thức hình ảnh từng bộ trang phục kèm theo diễn giải và căn cứ lịch sử, bằng cả ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.

Ngoài ra, cổ phục còn đóng vai trò quan trọng trong hàng loạt dự án tìm hiểu, ứng dụng cổ phục đã và đang được thực hiện, góp phần xây dựng một cộng đồng quan tâm đến văn hóa truyền thống ngày càng phát triển. Chẳng hạn như: chuỗi sự kiện “Di sản kể chuyện”; phim dã sử diễn họa Bình Ngô đại chiến; sách Dệt nên triều đại; truyện tranh Long thần tướng (đã được mua bản quyền và phát hành bản tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha) và dự án khôi phục hoa văn cổ “Hoa văn Ðại Việt”… Trong lĩnh vực nghệ thuật và giải trí, cổ phục được chú ý khi liên tục xuất hiện trong các dự án phim đề tài cổ trang, các MV ca nhạc của ca sĩ trẻ được yêu thích… Bằng tâm huyết và sự nhanh nhạy, cộng đồng đam mê nghiên cứu và tôn vinh cổ phục đã sáng tạo nhiều hình thức khơi dậy sự hứng thú, để không chỉ công chúng trong nước mà cả bạn bè quốc tế biết và hiểu hơn về trang phục truyền thống của người Việt. Giáo sư sử học Lê Văn Lan đã nhận định: “Những ý kiến phàn nàn việc giới trẻ quay lưng với văn hóa dân tộc, chỉ chăm chú vào lịch sử nước ngoài… đã trở nên lỗi thời. Người trẻ học sử theo cách của họ. Nhiều công trình nghiên cứu, tìm tòi, ứng dụng của lớp trẻ hiện nay rất nghiêm túc và hiệu quả, nhưng vẫn mang đến sự mới mẻ, hào hứng, chứ không bị khô khan”.

Ðưa cổ phục vào đời sống hiện đại

Theo họa sĩ Nguyễn Ðức Bình, chủ nhiệm Câu lạc bộ Ðình làng Việt và Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống, trong bối cảnh giao lưu văn hóa toàn cầu diễn ra như hiện nay, Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới về mọi mặt và việc xây dựng hình ảnh riêng biệt, khẳng định cội nguồn truyền thống là cần thiết. Thực tế cho thấy, bên cạnh các cơ quan chuyên môn của ngành văn hóa, thì các hội, nhóm độc lập cũng có nhiều ưu thế riêng khi tiến hành hoạt động nghiên cứu, phục dựng cổ phục, chẳng hạn như sử dụng công nghệ, gây quỹ cộng đồng…

Ngoài nguồn sử liệu trong nước, các nhà nghiên cứu trẻ có vốn ngoại ngữ còn tìm cách đối chứng các sử liệu nước ngoài đề cập về trang phục Việt. Tác giả Trần Quang Ðức của cuốn sách Ngàn năm áo mũ đã dành ba năm để tập hợp nguồn thông tin, kiến thức từ các tư liệu Hán – Nôm, các văn tự cổ của Việt Nam và các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… để đối chiếu, qua đó phần nào có thể hình dung khá tổng thể và chính xác về cổ phục Việt. Anh Nguyễn Ðức Lộc, nhà thiết kế sinh năm 1990 khá nổi tiếng trong cộng đồng yêu thích tìm hiểu và ứng dụng cổ phục, đồng thời là người sáng lập thương hiệu cổ phục Ỷ Vân Hiên, cũng chia sẻ rằng có những dự án phục dựng trang phục cổ mà nhóm của anh phải tìm đọc, chắt lọc cả trăm trang sách cổ mới ra được hai dòng có giá trị miêu tả trang phục thời kỳ đó. Rồi từ mô tả trong sách, họ đối chiếu với tranh vẽ hoặc các pho tượng cổ ở các bảo tàng, di tích, đền chùa để khớp nối. Chưa hết, còn phải tìm đến các làng nghề dệt vải, nghề thêu, nghề kim hoàn… để tìm kiếm tư liệu, nhân chứng về việc sản xuất trang phục từ xưa đến nay. Tất cả quá trình đòi hỏi rất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian, từ nghiên cứu, thử nghiệm đến chế tác một bộ đồ, nhất là trang phục của vua chúa, quan lại, các phi tần trong cung đình thời xưa. Anh Lộc cho biết: “Càng nghiên cứu về cổ phục tôi càng thấy được tinh hoa của cả một dân tộc. Người Việt chúng ta có thẩm mỹ rất riêng và đặc sắc, tay nghề thủ công cũng rất cao. Ðến tận ngày nay vẫn đẹp, vẫn xuất sắc, từ chất liệu đến những hoa văn, và vẫn đáp ứng được toàn bộ các nhu cầu trong thời điểm hiện tại”.

Việc đưa cổ phục vào đời sống hiện đại là đáng khuyến khích, để ngày càng nhiều người Việt không còn thấy xa lạ với hoa văn, họa tiết truyền thống. Nếu làm được điều đó, không chỉ ngành thời trang mà ngay cả điện ảnh, sân khấu cũng có thêm “điểm tựa” khi tạo ra các sản phẩm văn hóa có bối cảnh, chủ đề cổ xưa. Và nếu lạc quan hơn nữa, thì việc cổ phục được ưa chuộng cũng sẽ góp phần bảo tồn, phục hồi một số làng nghề thủ công truyền thống đang có nguy cơ mai một, như thêu Quất Ðộng, thêu Ðông Cứu (Hà Nội), lụa Vạn Phúc (Hà Nội), lụa Nha Xá (Hà Nam), lụa Mã Châu (Quảng Nam)…

Tuy nhiên, thực tế là cổ phục khi được phổ biến và đến gần với đại chúng hơn, thì cũng như nhiều sản phẩm văn hóa khác, sẽ dẫn đến những tranh luận, bao gồm cả ý kiến trái chiều và những hiểu nhầm. Anh Tôn Thất Minh Khôi (sinh năm 1997), sáng lập nhóm Thiên Nam Ðại lịch Hậu phi, cho biết: “Không ít người Việt vẫn nghĩ trang phục truyền thống Việt Nam chỉ có áo dài, áo tứ thân… Một số loại áo như đối khâm, giao lĩnh… bị cho rằng sao chép trang phục cổ đại Trung Quốc, Hàn Quốc. Nhưng cổ phục Việt thật sự vô cùng phong phú theo từng thời kỳ lịch sử. Chúng tôi mong muốn tổ chức được thêm nhiều hoạt động để đưa người xem đến gần hơn, nhìn kỹ hơn vào từng trang phục và hiểu thêm sự giao thoa văn hóa, thấy được nét riêng của cổ phục Việt, từ đó khơi dậy sự trân trọng và lòng tự hào”. Hiện nay, trang phục thời Nguyễn là loại cổ phục được phục dựng và ứng dụng nhiều nhất, đặc biệt là áo nhật bình và áo tấc. Lý do là thời kỳ này khá gần đây, tư liệu nhiều, hiện vật cũng còn nguyên vẹn, nên việc tìm hiểu không quá khó khăn. Nhưng các dự án cổ phục cũng không dừng lại ở đó, mà tiếp tục đào sâu hơn nữa về quá khứ để tìm thêm nhiều cái hay, cái đẹp trong cách ăn mặc, phục sức của người Việt hàng trăm, hàng nghìn năm trước. Song hành với trang phục còn là các phong tục, tập quán, yếu tố văn hóa liên quan, như các nghi lễ cung đình, tâm linh, lễ cưới, biểu diễn ca múa nhạc cổ truyền, võ thuật, thể thao…

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa cho rằng muốn gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống thì con đường dài lâu, bền vững nhất là “bảo tồn động”, nghĩa là tìm ra phần nào còn hữu ích, giá trị trong đời sống hôm nay và tiếp tục gia tăng giá trị ấy, chứ không phải chỉ cần đưa vào bảo tàng, khu di tích… Tuy vẫn còn những tranh luận trong việc giữ nguyên bản để tôn trọng lịch sử hay cách tân để bảo đảm tính ứng dụng, tính thẩm mỹ thời đại, thì cổ phục Việt vẫn còn nhiều cơ hội để “hồi sinh”. Và trong hành trình đó, vai trò của người trẻ đang tích cực và rõ ràng hơn bao giờ hết, khiến một di sản văn hóa trở nên gần gũi, “sống” được giữa cộng đồng.

HẢI LÂM
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM