Ngoài việc công bố phim lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, “Kiều @” còn khiến nhiều người tò mò vì đây là tác phẩm điện ảnh Việt Nam đầu tiên sử dụng kỹ thuật một cú máy (one-shot). Nhưng, đây cũng là bộ phim gây nhiều tranh cãi khi ra rạp hiện nay.

Đêm 28/2, người yêu điện ảnh Việt có một bất ngờ. Êkíp làm phim “Kiều @” ra mắt phim tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây cũng là phim Việt đầu tiên thực hiện ra mắt tại “thánh đường” của người nghệ sĩ biểu diễn Việt lâu nay. 

Thông tin về êkíp làm phim sử dụng kỹ thuật một cú máy (one-shot) – kỹ thuật làm phim bị cho rằng khó và nhiều mạo hiểm, ít được sử dụng với ngay cả các nhà làm phim ở các nước có nền điện ảnh phát triển là một yếu tố khiến không ít người yêu điện ảnh đội mưa, rét đến ủng hộ đoàn làm phim trong lần đầu tiên ra mắt tại Thủ đô. 

Hơn thế, việc “Kiều @” là dự án phim Việt đầu tiên công chiếu ngoài hệ thống rạp tại TP HCM sau khi phải tạm dừng do dịch bệnh tái bùng phát trở lại khiến phim còn được coi như một trong những “hàn thử biểu” về sức hút của điện ảnh Việt sau dịch. 

Nói cách khác, từ đề tài, cách thức, kỹ thuật sản xuất cho đến địa điểm, thời điểm ra mắt, “Kiều @” đều là những quyết định khá phiêu lưu của êkíp làm phim và các nhà đầu tư.

Với đạo diễn Đỗ Thành An – tác giả kịch bản kiêm đạo diễn của “Kiều @”, có thể ví, dự án này giống như một cuộc chơi “tất tay”. Anh xúc động chia sẻ, trong đêm ra mắt phim tại Nhà hát Lớn Hà Nội thì dự án phim này kéo dài đến 3 năm. 

Cả một thời gian dài ròng rã ngược xuôi từ Nam ra Bắc tìm kiếm đầu tư, tài trợ, triển khai dự án, gia đình, nhất là vợ con đã phải chấp nhận trắng tay để ủng hộ anh làm phim. Một hành trình dài với rất nhiều nỗ lực và cả những gửi gắm nhưng cảm nhận được đến đâu thì phải tùy vào từng khán giả. Bản thân anh đã cố gắng hết sức và chấp nhận không có bộ phim nào hoàn hảo, sẽ có những sai sót, những điều bản thân chưa hài lòng… “Kiều @” cũng thế. 

Đúng như tên gọi của phim, “Kiều @” tuy lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều” nhưng là câu chuyện của thời hiện tại. Nhân vật Hương do Hoa hậu Phan Thị Mơ thủ vai được ví như nàng Kiều hiện đại. 

Nội dung câu chuyện cũng không hẳn quá phức tạp hay quá khó để thể hiện trên màn ảnh. Cụ thể, Hương là một cô gái xinh đẹp trong một gia giáo ở một vùng núi bình yên. Cha cô (NSƯT Công Ninh thủ vai) không làm nghề giáo nhưng vẫn tự nguyện đạp xe vào vùng sâu vùng xa dạy con chữ cho các trẻ nghèo. 

Hương xuống TP Hồ Chí Minh tiếp tục học cao hơn nhưng bị Định (diễn viên: Trần Trung), một tên ma cô mượn vỏ bọc tri thức lừa tình, ép làm gái làng chơi. Trong khi đó thì Phấn (Cao Thái Hà thủ vai), em gái Hương vẫn hồn nhiên, vô tư sống cùng bố mẹ, không hề biết sau đồng tiền chị kiếm được là bao sự tủi nhục, ê chề. Hương quyết tâm làm lại cuộc đời khi gặp và yêu được bác sĩ Tùng. Tuy nhiên, đám cưới trong mơ không thành hiện thực. 

Sau nhiều biến cố, éo le,  Phấn kết hôn với đúng người yêu của chị gái. Ghen tuông, hiểu lầm, cộng với bệnh tim khiến Phấn thập tử nhất sinh khi đang mang thai… Chỉ có điều, chuyện phim lại được kể từ thời điểm Phấn nằm lịm trên giường bệnh.

 

Đoàn làm phim “Kiều @” giao lưu tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Không thể phủ nhận sức hút của “Kiều @” với người làm nghề nói riêng, người yêu điện ảnh nói chung bởi những sáng tạo mới lạ về sử dụng kỹ thuật, về âm nhạc truyền thống, độc, lạ với những khung hình đẹp như mơ. 

Đặc biệt là nửa sau của phim, với những khán giả duy mỹ, “Kiều @” để lại những ấn tượng khó quên. Tuy nhiên, việc chuyện phim bắt đầu ngược từ thời điểm Phấn lên cơn đau tim, nằm trên giường bệnh. 

Mạch truyện và các mốc thời gian đôi khi lộn xộn theo tâm thức của Phấn khiến khoảng thời gian đầu của phim, khán giả khá khó tiếp cận. Phần âm nhạc là điểm thú vị, hấp dẫn của phim, trừ một số đoạn âm thanh, tiếng trống quá lớn át cả thoại của nhân vật, thậm chí, đôi chỗ âm nhạc không ăn nhập với nội dung. 

Cách trang điểm, diễn xuất thể hiện nhân vật Phấn ngây thơ thái quá của Cao Thái Hà không thuyết phục được người xem trong nửa đầu của phim. Việc chọn hoa hậu nhưng là một diễn viên tay ngang như Phan Thị Mơ vào vai Hương – nàng Kiều hiện đại, có lẽ là một pha mạo hiểm của đạo diễn. Bởi lẽ, nàng Kiều đẹp về ngoại hình nhưng thông minh, sắc sảo, đòi hỏi diễn xuất có chiều sâu về nội tâm, là một vai khó với cả diễn viên chuyên nghiệp, có bản lĩnh diễn xuất.

“Kiều @” lại sử dụng kỹ thuật one-shot, tức là được quay liền lạc bởi một cú máy không ngắt dựng, cắt cúp. Nếu chỉ 1 cá nhân có sai sót thì phải làm lại từ đầu. Thực tế, trong phần đầu của phim, người xem đôi lúc khá hoang mang với nàng Kiều hiện đại của Phan Thị Mơ. May mắn là đến nửa cuối, chân dung nàng Kiều @ hiện lên ngày càng rõ ràng, thuyết phục hơn.

Chia sẻ về “Kiều @”, biên kịch Nguyễn Long Khánh cho hay: Khi nghe nói có  “Kiều @”, tôi cố gắng tìm xem cô Kiều này như thế nào. Lúc mới xem, tôi hơi hoang mang nhưng đến cuối cùng thì thấy đoàn làm phim làm được rất có ý nghĩa và thành công. Đoàn làm phim đã tái hiện được một cô Kiều @ mang hồn vía của cô Kiều của Nguyễn Du. 

Cô Kiều hiện đại bây giờ có những đau đớn, dằn vặt không kém cô Kiều ngày xưa. Những câu thơ của cụ Nguyễn Du được đưa vào phim rất ý nghĩa, đặc biệt là câu “Chữ trinh kia cũng có 3 bảy đường”… Tuy nhiên, trong phim có mấy vấn đề. Câu chuyện thực ra không rối lắm nhưng tiết tấu hơi nhanh, có chỗ diễn đạt khiến người xem không hiểu được cốt truyện. Âm nhạc rất hay nhưng nhiều khi không ăn nhập với phim…

Biên kịch Hồng Ngát cũng cho rằng phim hay, xúc động, kịch bản viết rất khéo, mượn tứ chuyện xưa nói chuyện hôm nay. Ê kíp làm phim đưa thơ Nguyễn Du rất trúng vào những trường đoạn cần thiết. Phim có sự hài hòa giữa tính hiện đại và cổ điển, giữa văn học và hiện thực cuộc sống. Những chỗ không cần thì phim sử dụng những cú máy lia rất nhanh. 

Dù rằng, ở đoạn đầu, bà có hơi lo ngại là nếu cứ lia nhanh như thế sẽ thiếu những đoạn cần thiết để lắng lại, giúp người xem hiểu được những khúc mắc của nhân vật. Rất may là sau đó đạo diễn đã làm được điều này… Hy vọng bộ phim sẽ đến được với khán giả. Đoàn làm phim không chỉ có được doanh thu mà còn mang được nhiều thông điệp ý nghĩa đến người xem.

Hoa Nguyễn