Làng gốm vào mùa làm trâu đất đón Tết

Gần Tết Tân Sửu, những xưởng gốm ở thị xã Tân Uyên tất bật sản xuất thêm trâu đất, bên cạnh sản phẩm truyền thống là heo đất.

Gần Tết, những lò gốm ở xã Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên tấp nập sản xuất trâu đất. Tại xưởng gốm của bà Nguyễn Hồng Hợp, nhân viên đang đổ đất vào khuôn để tạo hình những mẫu trâu, bên cạnh heo đất.

Gần 20 năm nay, gia đình bà Hợp thuê khu đất rộng khoảng 2.500 m2 để sinh sống và làm xưởng gốm, chuyên về sản xuất heo đất. Những anh em của bà cũng rời quê ở Thái Nguyên vào nơi này làm nghề.

Xưởng gốm hoạt động quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất vào thời điểm cận Tết Nguyên đán. Mỗi ngày xưởng của bà Hợp ra lò khoảng 1.500 sản phẩm, riêng dịp Tết thì tăng gấp đôi, khoảng chục thợ làm luôn tay đến tối mới nghỉ.

“Năm nào cũng vậy, cứ trước Tết bốn tháng tôi lại đặt khuôn hình con giáp của năm đó. Năm nay, tôi làm 1.000 khuôn trâu đất mang hai kích cỡ, hình dáng khác nhau”, bà Hợp cho biết.

Sau hơn một tiếng phơi nắng, trâu đất thành hình và được tháo rời khỏi khuôn, rồi lại tiếp tục phơi trong hai tiếng nữa trước khi cho vào lò nung. Mỗi ngày, xưởng sử dụng hết gần một tấn đất sét nguyên liệu.

Giữa trưa nắng, bà Miền, nhân công tại xưởng dùng xe cút kít đẩy những con trâu đất đã “ăn” nắng vào kho. “Tôi sẽ dùng dao vạt bớt những mảnh đất thừa cho mịn màng rồi mới bỏ vào nung”, người phụ nữ 63 tuổi cho biết.

Một nhân công trong xưởng phụ trách trông lửa, nhóm củi vào lò nung. Trung bình mỗi ngày, một lò có thể nung được 3.000 sản phẩm. Người lao động trong các lò gốm tại thị xã Tân Uyên chủ yếu đến từ các tỉnh miền Bắc như Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Dương… và làm thời vụ dịp Tết.

Ông Mã Chiến Quang mang từng rổ heo đất, trâu đất ra ngoài sau hơn 10 tiếng nung trong lò. “Sản phẩm đạt chuẩn là phải đạt độ cứng cao, không cháy đen hay bị mẻ khi nung. Mỗi ngày đều có xe tới lấy hàng ngay khi vừa ra lò”, ông Quang nói.

Phần lớn trâu đất, heo đất thô sẽ được mang đến các xưởng gia công ở thành phố Thuận An (Bình Dương) để trang trí. Anh Phước, tài xế cho biết mỗi ngày phải chạy xe khoảng 100 km để chở 4.000 heo đất, chia làm hai chuyến hàng tới xưởng gia công.

Tại xưởng của bà Võ Thị Thanh Hà, phường Lái Thiêu, mỗi ngày nhập về khoảng 2.000 con heo và trâu đất. Nhân viên tất bật sơn màu, vẽ trang trí lên từng sản phẩm để kịp giao hàng.

Tại một góc trong xưởng, ngày nào bà Hà, người đã hơn 10 năm trong nghề ngồi cặm cụi vẽ từng con heo đất, trâu đất sơn vàng. “Mỗi năm tôi lại nhập thêm một con giáp bằng đất nhưng chỉ bán trong Tết thôi, còn mặt hàng chính vẫn là heo vì đã thông dụng”, chủ xưởng nói.

Loại sơn thường dùng là sơn bột vì có độ bám chắc và nhanh khô. Người thợ sơn xong, sẽ phủ kim tuyến lên trâu vàng. Theo bà Hà, khó nhất vẫn là công đoạn vẽ mắt, mũi, sừng cho trâu vì đòi hỏi tay nghề cao để sản phẩm có hồn.

Năm nay có hai loại trâu lớn và nhỏ đều được phủ màu vàng óng ánh. Con kích cỡ nhỏ phủ kim tuyến có giá sỉ khoảng 20.000 đồng, là mặt hàng bán chạy nhất.

Chủ xưởng xếp những con trâu vàng loại lớn vào một góc cho khô sơn vẽ. Loại trâu vàng lớn được trang trí tinh tế, ôm theo đồng tiền mang chữ tài, lộc có giá sỉ 30.000 đồng một con.

Thời điểm sát Tết, mỗi ngày đều có nhiều tiểu thương vào các xưởng ở phường Lái Thiêu lấy heo và trâu đất mang về bán tại TP HCM. Theo các chủ xưởng, thị trường năm nay vẫn chủ yếu là các tỉnh phía Nam, miền Trung, ngoài ra sản phẩm còn xuất khẩu sang Lào và Campuchia.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM