NGHỀ LẶN BIỂN ĐỂ BẮT VẸM XANH Ở THANH HÓA

Vẹm xanh là loài nhuyễn thể hai mảnh, sống ở cửa sông, vùng ven biển hay các trụ đá, trụ cầu, vách đá,… Mùa đánh bắt thường bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch hằng năm. Vì thế những ngày này tại bãi đá ngầm biển Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa), ngay từ sáng sớm, nhiều bà con làm nghề lặn biển đã tất bật với công việc bắt vẹm xanh.
Để bắt được vẹm xanh, những thợ lặn biển như anh Đinh Văn Thắng (ngụ thành phố Sầm Sơn) phải lặn ở độ sâu từ 5 – 7m suốt nhiều giờ liền. Đồ nghề không thể thiếu của thợ lặn là đồ bảo hộ, kính lặn, túi lưới và dây dưỡng khí. Ngoài ra, anh còn phải đeo thêm vào người gần chục ký chì để dễ dàng chìm xuống nước, rồi ngậm một ống dẫn hơi dài khoảng vài trăm mét để lặn xuống biển. Thiết bị cấp oxy trên thuyền giúp người thợ lặn làm việc liên tục dưới nước.
Anh Thắng cho biết, khi đã xuống đến độ sâu nhất định, anh lần theo đá dưới biển tìm vẹm. Một lần lặn thường kéo dài từ 1 – 2 tiếng anh mới ngoi lên để đưa túi vẹm lên bờ và nghỉ ngơi lấy lại sức. Mỗi lần lặn như thế anh Thắng bắt được khoảng 30kg vẹm.
Anh Đinh Văn Thắng – Thợ lặn biển
“Nước nó trong thì lặn vẹm xanh với cá cũng thấy rõ. Dưới đáy nó bám ăn những phù du, rêu dưới biển. Đi theo đá dưới biển này, con nào to to thì mình bắt, con nhỏ thì mình không lấy. Sáng khoảng 6 – 7 giờ đi, có hôm mình lặn 2 tiếng, có hôm mình lặn tới chiều luôn. Trong các nghề, nghề lặn này là mệt nhất, nó bám vào đá dai lắm, bắt đau tay. Biển động thì không thể đi được. Một ngày bắt được khoảng tạ, bán được trong buổi chiều 3 triệu. Tháng 7 vẹm sinh sản nhiều lắm.”
Sau 1 buổi làm việc, nhóm của anh Thắng bắt được khoảng hơn tạ vẹm. Với giá bán từ 30 – 60 ngàn đồng mỗi ký, trừ chi phí mỗi người kiếm được hơn 1 triệu đồng./.
Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2.
Phương Thảo
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM