Nguyên nhân gây ra chán ăn – ăn không ngon miệng
Tại sao có cảm giác chán ăn? Chán ăn và ăn không ngon miệng xảy ra ở cả người lớn lẫn trẻ em. Tuy nhiên, tình trạng này nếu kéo dài liên tục sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Các chuyên gia dinh dưỡng không khuyến khích bạn ăn nhiều nhưng để bản thân rơi vào tình trạng chán ăn cũng là điều vô cùng nguy hiểm. Chán ăn không có nghĩa là sẽ giúp bạn ăn ít đi và giảm được cân. Chán ăn có thể xảy ra với bất cứ ai, bất kỳ lứa tuổi nào. Nếu không tìm hiểu rõ nguyên nhân để tìm ra cách điều trị cụ thể sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe của cơ thể.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân gây ra chán ăn – ăn không ngon miệng Uống nhiều rượu bia
Những người trưởng thành uống quá nhiều rượu bia cũng được xem là một nguyên nhân gây ra tình trạng ăn không ngon miệng do khi say, người uống không để ý đến ăn uống, ói mửa nên khi tỉnh rượu không muốn ăn thêm bất cứ cái gì. Hơn nữa, khi uống quá nhiều bia rượu, gan không thể thực hiện chức năng thải độc của của nó, làm ảnh hưởng đến tiêu hóa, hấp thụ và dự trữ thức ăn.
Stress hoặc chịu áp lực nặng nề
Căng thẳng có thể dẫn đến việc giải phóng hormone khiến tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, tuần hoàn thay đổi và còn làm suy giảm cả hệ tiêu hóa.
Gặp vấn đề dị ứng với gluten
Gluten là một loại protein có trong ngũ cốc. Ở một số người mắc bệnh Celliac là bệnh không dung nạp được gluten nên dẫn đến tiêu chảy, khó tiêu, đau bụng và có thể khiến bạn ăn không ngon miệng.
Có bệnh liên quan đến tuyến giáp
Ảnh minh họa
Tuyến giáp có nhiệm vụ sản sinh ra hormone để kiểm soát chức năng trao đổi chất của cơ thể. Khi tuyến giáp hoạt động kém, bạn sẽ ăn không ngon miệng, mệt mỏi, tăng cân và nhạy cảm với nhiệt độ thấp.
Dùng một số loại thuốc cũng có thể khiến bạn chán ăn
Một số thuốc kê đơn có thể ức chế cảm giác ngon miệng, bao gồm thuốc chống trầm cảm và thuốc điều trị ung thư. Nếu bạn đang dùng thuốc và bị giảm cân đáng kể, hãy tới gặp bác sĩ ngay.
Bị nhiễm ký sinh trùng
Nhiễm trùng Giardia là bệnh nhiễm ký sinh trùng hiếm gặp của hệ tiêu hóa, gây các cơn đau co thắt, buồn nôn, khó tiêu, mệt mỏi và chán ăn. Người bệnh thường nhiễm ký sinh trùng do uống nước bị nhiễm bẩn và nó hoàn toàn có thể lây từ người sang người.
Nhiễm virus
Những người bị nhiễm trùng gan do virus như viêm gan C, viêm gan A, viêm gan E có thể là nguyên nhân gây ra chứng ăn không ngon miệng, có kèm cùng triệu chứng đau bụng, đau cơ, khớp, sốt cao và vàng da.
Mắc bệnh về răng miệng
Ảnh minh họa
Những người gặp vấn đề về răng miệng như sử dụng răng giả, thường khó khăn khi nhai nuốt, ăn thức ăn nguội.
Biện pháp khắc phục tình trạng chán ăn và ăn không ngon như thế nào? Bổ sung thêm nhóm thực phẩm xanh
Rau xanh, hoa quả, cá biển,… là những thực phẩm có chứa nhiều vitamin A, B, C, kẽm,… có vai trò quan trọng trong việc trao đổi chất của cơ thể, giúp kích thích vị giác. Điều đó cũng sẽ kích thích cảm giác thèm ăn, không bị đắng miệng và ăn ngon hơn.
Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày
Bữa ăn được chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày sẽ giúp tiêu hóa nhanh hơn, tránh việc ăn quá no, thức ăn lâu tiêu hóa. Chia nhỏ bữa ăn cũng giúp cho bệnh nhân không cảm thấy đầy bụng, ợ hơi.
Chọn thực phẩm yêu thích
Một cách nhanh chóng và hiệu quả để tăng sự thèm ăn là chỉ ăn những gì mình thích. Tốt nhất nên chọn thực phẩm bạn thích, nhưng dùng kèm với các thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Ví dụ, nếu bạn thích hamburger, tại sao bạn không thử dùng hamburger có thịt gà với nhiều rau đi kèm. Ký ức có thể đóng một vai trò rất lớn trong việc làm tăng sự thèm ăn của bạn. Hãy suy nghĩ đến thức ăn mà bạn thích và đã từng dùng với gia đình hoặc bạn bè. Bạn sẽ ngạc nhiên mức độ thèm ăn sẽ được cải thiện rõ.
Sử dụng các loại thảo mộc và gia vị trong nấu ăn
Sử dụng thảo mộc và gia vị là một phương pháp làm tăng sự thèm ăn. Mùi dễ chịu, hương vị thảo mộc và gia vị có thể kích thích vị giác, giúp bạn ăn nhiều hơn. Thử nghiệm với các loại thảo mộc, gia vị khác nhau để tránh bị nhàm chán và ngay cả phương pháp nấu cũng nên thay đổi.
Ví dụ: quế, tiêu thêm hương vị cho bữa ăn, kích thích sự ngon miệng và bổ sung nhiều lợi ích sức khỏe cho cơ thể.
Tránh ăn một mình
Khi bạn ăn với gia đình hoặc bạn bè thường giúp có ngon miệng và vui vẻ trong bữa ăn. Bạn có nhiều khả năng bỏ bữa ăn hoặc ăn thức ăn vặt khi bạn ăn một mình. Bằng cách ăn uống chung với mọi người làm tăng cơ hội thưởng thức những bữa ăn tuyệt vời quanh những người có chung mối quan tâm với bạn.
Điều chỉnh lối sống
Có những trường hợp ăn mất ngon có liên quan đến lối sống. Ví dụ người hút thuốc lá, người nghiện rượu làm giảm cảm giác thèm ăn. Cũng có trường hợp mất cảm giác thèm ăn do tác dụng phụ của thuốc. Trong những trường hợp khác, ăn mất ngon có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh mạn tính hoặc ung thư. Trong trường hợp đã cố gắng áp dụng những khuyến cáo mà vẫn không gia tăng cảm giác thèm ăn, cần đến các chuyên gia dinh dưỡng để được kiểm tra và có những phác đồ điều trị phù hợp.
Hà Dung(t/h)