Những bài thuốc chữa bệnh từ lá trầu không

Các nghiên cứu hiện đại xác nhận lá trầu có tác dụng kháng sinh mạnh, chất kháng sinh bay hơi của lá trầu diệt được nhiều loại vi khuẩn…
Công dụng của lá trầu
Lá trầu, còn gọi là trầu không. Tên khoa học Piper betle L. Thuộc họ Hồ tiêu – Piperaceae. Theo bác sĩ Lê Thân, Bệnh viện Y học Cổ truyền Quảng Nam, tác giả sách “Thuốc ở quanh ta”, lá trầu có tác dụng làm tăng tiết dịch tiêu hoá, nên người ăn trầu thì: ăn uống dễ tiêu; ít bị đầy chướng, ợ hơi, sình bụng hay táo bón. 
Ngoài ra, người ăn trầu ít bị nhiễm trùng và ký sinh trùng ở đường tiêu hoá.
Lá trầu bảo vệ hàm răng: do lá trầu có tính chất sát trùng, làm cho chân răng không bị sưng; chất chát làm cho nướu răng ôm sát chân răng, làm hàm răng cứng không lung lay; nhai trầu là một động tác tập luyện hàm răng.
Dân gian thường dùng lá trầu để đánh gió chữa cảm mạo, rửa vết thương (sát khuẩn), lở loét, các chứng đau bụng do lạnh, đầy hơi, nấc cụt …
Trầu có vị cay nồng, mùi thơm mạnh, tính ấm. Có công năng trừ phong thấp, trừ hàn, hạ khí, tiêu đàm, tiêu viêm, sát khuẩn. Trị hàn thấp gây nhức mỏi, cảm mạo, đau bụng, đầy hơi, vết thương nhiễm khuẩn, có mủ, đau nhức, hen suyễn, nhiều đờm, khó thở, mụn nhọt, bỏng, hắc lào, mày đay, viêm răng lợi, viêm họng…
Các nghiên cứu hiện đại xác nhận lá trầu có tác dụng kháng sinh mạnh, chất kháng sinh bay hơi của lá trầu diệt được nhiều loại vi khuẩn.
Ứng dụng và các bài thuốc từ lá trầu
– Bị gút: mỗi sáng thức dậy dùng lá trầu tươi 100g , xắt nhuyễn ngâm vào trong một trái dừa xiêm vừa vạt nắp gáo; nên chắt bớt một chút nước dừa ra để khỏi bị tràn khi cho lá trầu nhuyễn vào, sau đó đậy nắp lại và ngâm đúng 30 phút, rồi chắt ra ly, uống một mạch. Không ăn sáng ngay mà chờ đến khi nước dừa, trầu được cơ thể hấp thu hoàn toàn, lúc đi tiểu trở lại rồi mới ăn sáng. Uống 1 tháng liền.
– Đau mắt đỏ, chắp, lẹo: trầu 3 lá, dâu 5 – 10 lá; vò nát, cho vào ca, đổ ngập nước sôi vào để xông hơi mắt đau; xông mỗi lần 5 – 10 phút, ngày 2 lần; thuốc giúp chóng hết viêm, dịu mắt.
– Hôi miệng: dùng một nắm lá trầu khoảng 10g, xắt nhỏ, vò nhẹ, ngâm trong 1 lít nước sôi để nguội, cất trong tủ lạnh hoặc để chỗ thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp, hằng ngày súc miệng bằng nước này 4 lần.
– Đau đầu: cuống lá trầu 7 – 10 cái giã nhuyễn, lấy nước cốt pha mật ong uống, đồng thời lấy 2 đầu nhọn của lá trầu nhai giập đắp vào hai bên thái dương.
– Nước ăn chân: lá trầu không 8g, lá ráy 50g xắt nhỏ; đổ ngập nước, nấu sôi để nguội, ngâm chân. Lá trầu 1 nắm, cho vào nước, nấu sôi để nguội ngâm chân.
Thúy Hường/TH
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM