Những dấu hiệu cảnh báo não bộ đang bất ổn

Theo các chuyên gia, khi chúng ta bước sang độ tuổi 30, quá trình lão hóa khiến não bắt đầu thu nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp tới năng lực nhận thức và nhiều chức năng quan trọng khác. Do đó, chúng ta cần quan tâm đến sức khỏe của bộ não ngay từ bây giờ. Ðể làm được điều đó, bạn cần để mắt tới một số dấu hiệu cho thấy bộ não đang bất ổn, điển hình như sau:

Khó tập trung là một dấu hiệu cho thấy não đang không khỏe.

Ngủ không ngon giấc

Bộ não có một cơ chế tự làm sạch gọi là “hệ thống glymphatic” – hệ thống làm sạch hệ thần kinh trung ương. Cụ thể là khi chúng ta chìm vào giai đoạn ngủ sâu mỗi đêm, não sẽ đào thải các chất cặn bã tích tụ vào ban ngày, bao gồm các phế phẩm trao đổi chất từ hoạt động thần kinh. Khi bạn ngủ không đủ giấc, quá trình “quét dọn” này sẽ bị gián đoạn, gây tích tụ chất độc trong não. Do giấc ngủ sâu thường xảy ra vào nửa đầu đêm, nên thức khuya có thể hạn chế thời gian ngủ sâu, ảnh hưởng khả năng tự làm sạch và giải độc của não. Ðược biết, các vấn đề về giấc ngủ có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ, căng thẳng tinh thần (stress), trầm cảm, thay đổi nội tiết tố, thậm chí là bệnh tim. Nếu thấy bản thân không ngủ đủ giấc, bạn cần tìm hiểu lý do để có biện pháp cải thiện chất lượng giấc ngủ, từ đó bảo vệ sức khỏe cho não.

Thường thấy tâm trạng tồi tệ

Ngoài các triệu chứng trầm cảm rõ rệt, mọi người thường bỏ qua những thay đổi tâm trạng ít rõ ràng hơn, nhưng chúng có thể là thông điệp bất ổn từ não. Thường xuyên lo lắng, buồn bã, thiếu kiên nhẫn hoặc dễ nổi giận có thể là dấu hiệu ban đầu của chứng sa sút trí tuệ, đột quỵ, cao huyết áp hoặc thậm chí là tiểu đường, nhưng chúng cũng có thể đơn giản là dấu hiệu cho thấy bạn không cung cấp những dưỡng chất cần thiết để não duy trì trạng thái cân bằng và khỏe mạnh.

Ðược biết, thiếu hụt vitamin nhóm B – đặc biệt là folate (vitamin B9) và vitamin B12 – và kẽm có thể gây ra các vấn đề về tâm trạng, cũng như suy giảm nhận thức. Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn cũng làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm, suy giảm nhận thức nhẹ và rối loạn tăng động giảm chú ý. Ngược lại, chuyển sang ăn nhiều thực phẩm toàn phần và theo đuổi chế độ ăn Ðịa Trung Hải (tăng cường ăn rau quả, ngũ cốc nguyên cám và chất béo lành mạnh) được chứng minh là giúp cải thiện tâm trạng. Tương tự, hoạt chất thực vật polyphenol từ rau quả cùng với axít béo omega-3 từ hải sản rất tốt cho não.

Khó tập trung

Không thể tập trung có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang quá stress, thiếu ngủ, uống không đủ nước, ăn không ngon miệng hoặc không tập thể dục. Về cơ bản, tất cả thói quen trong lối sống hằng ngày đều tác động đến sự tập trung. Nếu thấy khó tập trung, điều tốt nhất bạn có thể làm cho bản thân và cho bộ não là điều chỉnh lối sống. Việc tránh ăn vặt, năng vận động, ngủ nhiều và cố gắng giảm căng thẳng sẽ có ích cho não. Nếu những biện pháp đó không hiệu quả, bạn có thể thử huấn luyện trí não bằng cách tập ghi nhớ, đọc sách, giải câu đố hoặc học ngôn ngữ mới.

Mất hứng thú, động lực trong cuộc sống

Nếu cảm thấy đánh mất niềm đam mê và động lực phấn đấu, bạn có thể đang chịu đựng một tình trạng suy kiệt não bộ gọi là kiệt sức. Ðây là một hậu quả của stress mãn tính, được nhận diện bằng cảm giác mất hứng thú với công việc, cực kỳ mệt mỏi, hoài nghi, mất tự tin, tức giận, cảm thấy thù địch hoặc vô dụng trong cuộc sống. Stress mãn tính gây khó khăn cho não và việc giải phóng liên tục các hoóc-môn gây stress có thể làm cạn kiệt nguồn dự trữ của não. Kiệt sức thường xảy ra ở nhân viên y tế, nhưng nó có thể xảy ra với bất kỳ ai lơ là việc chăm sóc bản thân. Giải pháp tốt nhất là dành một chút thời gian nghỉ ngơi cho bản thân.

Không muốn tiếp xúc với người khác

Bản tính con người là gắn kết với cộng đồng và sự rút lui khỏi xã hội là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn. Việc tránh tương tác với người khác không tốt cho não bộ. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người gắn kết hơn với cộng đồng có nhiều chất xám hơn trong não, ít bị sa sút trí tuệ và các rối loạn chức năng não khác.

AN NHIÊN (Theo Eatthis.com)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM