Những dấu hiệu nhận biết cơ thể đang thiếu sắt

Sắt là một khoáng chất cực kỳ quan trọng đối với cơ thể chúng ta. Sắt giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể và là một thành phần quan trọng của hemoglobin (huyết sắc tố), chất trong các tế bào hồng cầu mang oxy từ phổi đến khắp cơ thể. Huyết sắc tố đại diện cho khoảng 2/3 lượng sắt của cơ thể. Nếu thiếu sắt, cơ thể không thể tạo ra đủ các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy khỏe mạnh. Thiếu hồng cầu được gọi là thiếu máu do thiếu sắt (IDA).
Theo India.com, hiện nay có khoảng 2,3 tỷ người trên toàn cầu bị thiếu máu, ước tính 1/2 là do thiếu sắt. Bệnh nhân gặp các triệu chứng như thường xuyên mệt mỏi, chóng mặt, xanh xao và suy giảm khả năng miễn dịch, do đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, khả năng vận động và năng suất của họ. Nhiều bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng. Đông Nam Á và châu Phi là hai khu vực tiếp tục báo cáo tỷ lệ thiếu máu cao nhất, chiếm 85% các trường hợp được báo cáo trên toàn cầu.
Tiến sĩ Subhaprakash Sanyal, trưởng khoa Huyết học & Cấy ghép tủy xương, Bệnh viện Fortis Mulund, đã liệt kê một số triệu chứng của thiếu sắt, bao gồm:
Mệt mỏi hoặc suy nhược Da nhợt nhạt hoặc da vàng Khó thở Chóng mặt hoặc choáng váng Đau đầu Nhịp tim nhanh hoặc không đều Tức ngực Bàn chân và bàn tay lạnh Móng tay giòn, nứt, móng hình thìa Rụng tóc Khô miệng, nứt khóe miệng hoặc loét miệng Hội chứng Pica (thèm ăn những đồ vật không phải là thức ăn, như bụi bẩn, tinh bột, đất sét hoặc đá lạnh) Đau và sưng lưỡi Hội chứng chân không yên (cảm giác muốn rung chân khi bạn đang ở trên giường)
Bạn cần bao nhiêu sắt?
Điều này phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính và sức khỏe tổng thể. Nhìn chung, trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi cần nhiều sắt hơn người lớn vì cơ thể chúng đang phát triển rất nhanh. Ở những trẻ lớn hơn, trẻ em trai và trẻ em gái cần một lượng sắt như nhau (10 mg mỗi ngày ở trẻ từ 4 đến 8 tuổi và 8 mg mỗi ngày ở trẻ từ 9 đến 13 tuổi).
Ở người trưởng thành, phụ nữ cần nhiều sắt hơn vì họ bị mất máu mỗi tháng trong kỳ kinh nguyệt. Đó là lý do tại sao phụ nữ từ 19 đến 50 tuổi cần bổ sung 18 mg sắt mỗi ngày, trong khi nam giới ở độ tuổi tương tự có thể chỉ cần nạp vào cơ thể 8 mg.
Bên cạnh đó, bạn có thể cần nhiều sắt hơn, từ nguồn thực phẩm hoặc từ chất bổ sung sắt, nếu bạn:
Đang mang thai hoặc đang cho con bú Bị suy thận (đặc biệt nếu bạn đang lọc máu, có thể loại bỏ sắt khỏi cơ thể) Bị vết loét, có thể gây mất máu Bị rối loạn tiêu hóa khiến cơ thể bạn không thể hấp thụ sắt một cách bình thường (chẳng hạn như bệnh celiac, bệnh Crohn hoặc viêm đại tràng) Uống quá nhiều thuốc kháng axit, có thể ngăn cơ thể hấp thụ sắt Đã phẫu thuật giảm cân Tập thể dục nhiều (tập thể dục cường độ cao có thể phá hủy các tế bào hồng cầu) Nếu bạn là người ăn chay hoặc thuần chay, bạn cũng có thể cần phải uống bổ sung chất sắt, vì cơ thể không hấp thụ loại sắt có trong thực vật tốt như trong thịt.
Các loại thực phẩm có chứa sắt
Bạn có thể dễ dàng bổ sung sắt thông qua chế độ ăn uống bằng cách bổ sung các thực phẩm dưới đây:
– Các loại thịt khác nhau như thịt bò, thịt cừu, thịt lợn, gan, thịt gà
– Các loại đậu như đậu gà, đậu lăng, đậu khô, đậu hạt
– Các loại rau như rau bina, đậu xanh, bông cải xanh, rau cải Brussels
– Các thực phẩm khác như trứng, cá, ngũ cốc và ngũ cốc nguyên hạt./.
Thanh Hằng/TH
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM