Những nguy cơ đột quỵ không ngờ ở người trẻ

 Trước đây đột quỵ vẫn được xem là bệnh người già, tuy nhiên trong những năm gần đây số ca đột quỵ là những người ở độ tuổi còn trẻ đang gia tăng.

Tại nước ta, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới và có trường hợp người đột quỵ mới chỉ 12 tuổi.

Cuộc sống ngày càng nhiều áp lực, người trẻ có xu hướng ít vận động, lối sống, sinh hoạt không khoa học và thường xuyên sử dụng rượu, bia, chất kích thích đã khiến cho thế hệ trẻ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ mắc các loại bệnh tật như cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu… từ đó dẫn đến dễ bị đột quỵ.

Dưới đây là những nguy cơ khó ngờ gây đột quỵ ở người trẻ:

image001

Ảnh minh họa

Rối loạn chuyển hóa mỡ máu

Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng vừa công bố kết quả nghiên cứu về rối loạn mỡ máu ở người trưởng thành độ tuổi từ 25 -74 có tỷ lệ gia tăng chiếm 26%. Riêng ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM tỷ này lên đến 40%.

Sở dĩ có tình trạng trên là do người trẻ tuổi hiện nay thường có thói quen ăn uống thiếu khoa học, có hại cho sức khỏe như thường xuyên sử dụng các loại thức ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn… làm gia tăng các loại mỡ có hại cho sức khỏe như cholesterol, gây tình trạng viêm và xơ vữa thành động mạch là nguyên nhân gây ra tắc và vỡ của mạch máu.

Bệnh béo phì và lười vận động

image003

Ảnh minh họa

Ở nước ta hiện nay số lượng người bị béo phì đang gia tăng trong khoảng thời gian từ 2014 – 2020. Nguyên nhân này được cho là hệ lụy của sự phát triển kinh tế nhanh chóng, của sự lười biếng vận động ở phần lớn thanh thiếu niên hiện nay. Người trẻ ngày nay có xu hướng thích ngồi trước màn hình máy tính, hay lướt điện thoại hơn là tham gia các hoạt động thể dục, thể thao lành mạnh khác.

Tiểu đường và tăng huyết áp

30% số ca đột quỵ ở người trẻ được thống kê cho thấy có liên quan đến bệnh tiểu đường và cao huyết áp.Trong những năm gần đây, tại nước ta đang có sự gia tăng bệnh tiểu đường ở người trẻ, nhiều ca bệnh được ghi nhận ở độ tuổi rất nhỏ từ 9 đến 13 tuổi, thanh niên từ 20 đến dưới 30 tuổi. Thói quen ăn uống thay đổi, lối sống không lành mạnh, ô nhiễm môi trường… khiến cho độ tuổi mắc bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ.

Uống rượu, bia

Trong một báo cáo công bố năm 2018 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt ở mức cao so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Ước tính, trung bình mỗi người Việt Nam trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm. Những hệ lụy của việc sử dụng quá nhiều bia, rượu như tai nạn giao thông, các bệnh lý về gan, mật, đột quỵ… dường như chưa đủ khiến mọi người cải thiện thói quen lạm dụng rượu, bia này.

Hút thuốc lá

Trong thuốc lá có rất nhiều hóa chất độc hại, các chất này sẽ đi vào cơ thể khi ta hút thuốc hay hít phải khói thuốc, gây ra những thay đổi có hại dài hạn và ngắn hạn cho các mạch máu não. Tốc độ của dòng máu qua mạch máu não thay đổi nhanh chóng ngay sau khi hút thuốc dẫn đến hiệu ứng tiêu cực cho não bộ.

Ngoài ra, việc hút thuốc lá thường xuyên sẽ dẫn đến mạch máu não trở nên dễ tắc nghẽn hơn và dễ tạo cục máu đông hơn khi tiếp xúc với nhiều hóa chất trong khói thuốc lá. Khói thuốc lá gây những thay đổi trong nhịp tim và chức năng tim, cuối cùng có thể dẫn đến đột quỵ.

Nguy hiểm hơn những người hút thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ mắc bệnh giống như người hút thuốc lá. Vậy nên, để bảo vệ bản thân và gia đình hãy từ bỏ thuốc lá.

Trên đây là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đột quỵ đang có chiều hướng trẻ hoá trong những năm gần đây. Cuộc sống ngày càng nhiều khó khăn, nhất là trong những giai đoạn dịch bệnh hoành hành như hiện nay, khiến cho chúng ta không khỏi cảm thấy căng thẳng, lo lắng. Do đó, dù còn trẻ tuổi bạn cũng đừng chủ quan với những nguy cơ không ngờ dẫn đến bị đột quỵ.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM