Quả mơ – vị thuốc mùa xuân

Cây mơ là cây hoa mang sắc thái mùa xuân, hoa nở đúng vào dịp xuân về. Cây trồng để lấy quả làm ô mai, chế rượu và gỗ dùng làm đồ mỹ nghệ. Thu hái quả vào mùa hạ, dùng tươi hay muối phơi khô làm thành ô mai, Bạch mai.

Cây mơ tên khoa học: Prunus armeniaca L. (Armeniaca vulgaris Lam.) Họ khoa học: osaceae.

Mô tả cây

Cây nhỡ rụng lá cao 5 – 6m. Cành non màu nâu hồng; lá non thường cuộn lại. Lá hình trứng dài, đầu có mũi nhọn ngắn, gốc hình tim hay tròn, mép lá có răng cưa rất bé, mặt dưới lá nhẵn, có khi có lông ở nách gân. Hoa mọc đơn độc, có cuống ngắn, màu trắng; đài hình ống, 5 thùy; tràng 5, màu trắng. Nhị nhiều, xếp 2 vòng. Bầu tròn, 1 ô. Quả hạch hình cầu, phủ lông tơ, màu lục hoặc vàng, đỉnh quả có mũi nhọn, hạt nhẵn, hình thấu kính, màu nâu. Hoa tháng 2 – 3, thường ra lá trước khi nở hoa, quả chín tháng 5 – 6.

Bộ phận dùng làm thuốc:

Hạt – khổ hạnh nhân là hạt khô của cây mơ, đập vỡ lấy nhân gọi là nhân hạt mơ tức là vị thuốc hạnh nhân, mai hạnh nhân. Nước cất hạt mơ chế từ hạt mơ. Ô mai là quả mơ chế và phơi hay sấy khô còn gọi là mơ đen, ô mai chế. Dầu hạnh nhân là dầu ép từ hạt mơ. Bạch mai chế là sản phẩm quả mơ muối còn gọi là sương mai, phơi khô cất dùng làm thuốc.

Thành phần hóa học của quả mơ:

Quả chứa các axít hữu cơ: citric tartric, carotenoid, lycopin, a-carotein, các flavonoid quercetin, isoquercetin, các vitamin A, B1. Hạt chứa 35 – 40% dầu béo, dầu ethereal amygdalin, và các men emulsin, amygdalase, prunase. Tính vị: hạt có vị đắng, tính ôn, có ít độc; có tác dụng giáng khí, chỉ khái, bình suyễn, nhuận trường, thông tiện. Quả có tác dụng kháng khuẩn, nhuận phổi; ở Ấn Độ, được xem như nhuận tràng và hạ sốt. Ô mai (vị chua) và bạch mai (vị chua, mặn) tính mát; có tác dụng chỉ khát, sinh tân dịch. Lá mơ (mai diệp) có tính chua, bình, không độc. Quy kinh Phế, Đại trường.

Quả mơ Quả mơ

Các phần của cây mơ làm thuốc:

Nhân hạt mơ (hạnh nhân) các chứng ho do phong hàn hoặc phong nhiệt, ho suyễn do phế nhiệt, táo bón do tràng táo. Ho ngược đưa khí lên, họng tắc hạ khí, tâm lạnh bôn đồn. Kinh giản, dưới tâm phiền nhiệt, khí phong đi lại, váng đầu thời tiết, giải cơ, tiêu tan cấp mãn ở dưới vùng tâm.

Cành mơ (mai ngạnh): thông khí cách mô trên dưới đồng thời trị đàn bà đẻ non (Bản sao thần hiệu phương).Đàn bà có mang 3 tháng, lâu quen đẻ non trăm thuốc không công hiệu, dùng 3 – 5 cành mơ, sắc nước uống, lại uông “Thang long nhãn” không có trường hợp nào không giữ được (Đạo thính tập).

Rễ cây mơ (mai thục căn): lấy rễ không ra ngoài mặt đất, còn nằm kín trong đất. Rễ mơ lộ ra ngoài đất không thể dùng vì nếu dùng là giết người  (Bản thảo cương mục). Rễ cây mơ có tác dụng chữa phong tý.

Rễ mơ sắc uống trị miệng nôn trôn tháo (vừa bị nôn mà lại bị đi ngoài). Rễ mơ cùng rễ đào lý, nấu nước tắm cho trẻ lúc mới sinh thì không có mối lo lở loét do nhiệt (Thôi thị toát yếu).

Hải Thượng Lãn Ông trong Lĩnh nam bản thảo nói về quả mơ, ô mai chế và bạch mai chế như sau:

– Mai tử là tên gọi quả mơ (ở đây gọi mai thực). Vị ngọt, không độc tính bình hòa làm thuốc, làm sương ô mai chế. Chớ nên ăn sống hại răng.

Bài thuốc thường dùng

Chữa kiết lỵ, khát nước: ô mai mơ 2 – 3 quả thêm nước vào đun sôi, giữ sôi 15 phút. Dùng uống thay nước trong ngày.

Chữa giun chui ra mồm, mũi: ô mai mơ 5 quả thêm 300ml nước, đun sôi 15 phút, thêm đường cho vừa ngọt, cho uống vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Chữa băng huyết: ô mai mơ 7 quả thiêu tồn tính, tán nhỏ, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng nước cơm chiêu thuốc.

Trị đại tiện ra máu: dùng ô mai 3 lạng, đốt tồn tính. Dùng dấm thanh nấu thành hồ, viên bằng hạt ngô. Mỗi lần dùng 20 viên. Uống lúc đói, lấy nước cơm làm thang.

Trị chứng lỵ: dùng 100g ô mai, bỏ hột, sao qua, tán nhỏ. Mỗi lần uống 7 – 8g với nước cơm.

Trị hậu sản: ô mai 20 quả, mạch môn 12g. Cho vào 2 bát nước, sắc lấy một bát để uống liền trong ngày.

Trị đại tiện không thông: lấy gốc cây mai, dài độ 1 tấc chẻ đôi. Cho nước sắc trong nửa giờ, uống xong hiệu nghiệm ngay. Ngoài ra, nước sirô mơ có tác dụng giải khát, tăng cường sức khỏe. Mơ chín rửa sạch, ngâm qua nước ấm có hòa thêm chút muối, sau đó vớt ra để ráo nước rồi cho vào bình thủy tinh nắp kín, cứ một lớp mơ lại rắc một lớp đường, sau đó đậy kín. Tỉ lệ thích hợp nhất là cứ một ký mơ dùng một ký đường.

BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM