Rối loạn tiền đình – “Kẻ thù vô hình” của phái đẹp

Bận bù đầu với sổ sách, với dateline, luôn tay chân vì gia đình… những áp lực của cuộc sống hiện đại khiến chị em giới văn phòng chao đảo, “quay mòng mòng” vì rối loạn tiền đình. Giải pháp nào giúp phái đẹp lấy lại quân bình cho tiền đình?

Rối loạn tiền đình: “Quả bom” nổ chậm với giới văn phòng

Một con số thống kê tại Anh cho thấy, có ít nhất 40% nhân viên văn phòng bị các triệu chứng liên quan ít nhiều đến rối loạn tiền đình. Còn tại nước ta, mặc dù chưa có con số cụ thể về giới văn phòng nhưng khoảng 20 – 30% dân số ở nước ta mắc rối loạn tiền đình và ngày càng có nguy cơ tăng cao, trẻ hóa.

Chính những đặc trưng của môi trường công sở như áp lực, căng thẳng, ngồi nhiều, ăn ngủ thất thường, phòng lạnh kín, thường xuyên tiếp xúc với máy vi tính… khiến giới văn phòng thường gặp phải các triệu chứng chóng mặt, mất thăng bằng, buồn nôn, nôn do rối loạn tiền đình.

image001 (2)

Dân công sở có nguy cơ mắc rối loạn tiền đình rất cao là vì làm việc trong môi trường nhiều áp lực, ít vận động, thường xuyên tiếp xúc với máy vi tính, phòng lạnh kín (Ảnh minh họa)

Trong giới văn phòng, phụ nữ là nhóm người dễ gặp rắc rối với hội chứng này nhất do nhiều nguyên nhân. Xã hội ngày càng cởi mở, không thiếu phụ nữ vừa giỏi việc nước, đảm việc nhà, điều này vô tình tạo áp lực lên phái đẹp khiến họ dễ stress, cùng với đó khi đến tuổi tiền mãn kinh nội tiết tố suy giảm… đây đều là những yếu tố nguy cơ dẫn đến rối loạn tiền đình.

Hội chứng này “phiền phức” hơn các chị em nghĩ. Mặc dù không trực tiếp gây nguy hiểm cho tính mạng nhưng nó lại “hiểm” ở chỗ tác động đến diễn tiến của nhiều bệnh lý khác. Ảnh hưởng trước mắt là suy giảm chất lượng sống, cơ thể mệt mỏi. 

Các triệu chứng của rối loạn tiền đình còn gây cản trở đến khả năng tập trung khi làm việc, hệ lụy là số lượng và chất lượng công việc bị suy giảm. Từ đó dễ nảy sinh tâm lý bực tức, nóng giận với người xung quanh. Đó là chưa kể cơn rối loạn tiền đình xảy ra bất chợt có thể các chị em gặp tại nạn khi tham gia giao thông, té ngã nếu đang di chuyển, đồng thời còn làm tăng nguy cơ biến chứng mất thính lực.

Làm sao nhận biết triệu chứng chóng mặt do rối loạn tiền đình?

Tiền đình là một bộ phận phức tạp, nằm ở phía sau ốc tai hai bên, có vai trò duy trì, điều chỉnh thăng bằng cơ thể trong không gian 3 chiều một cách tự động và tức thời. Ngoài ra, hệ thống này còn có liên quan đến các cấu trúc khác của hệ thần kinh. Do đó tất cả những yếu tố ảnh hưởng tới những cấu trúc này đều có thể gây ra trạng thái mất thăng bằng khi thay đổi tư thế.

Chóng mặt là tình trạng được các chị em than phiền nhiều nhất và cho rằng đây là dấu hiệu cảnh báo của tiền đình. Song các chuyên gia khuyên rằng cần xác định chính xác chóng mặt thật sự hay đó là những biểu hiện khác. Thực tế, chóng mặt thực sự là cảm giác mô tả thấy mọi vật xung quanh xoay tròn hoặc bập bênh trong khi mình đứng yên và ngược lại.

Ngoài chóng mặt, rối loạn tiền đình còn có các biểu hiện đặc trưng khác như buồn nôn, nôn, nhức đầu, nghe kém, ù tai, hoa mắt. Đặc biệt là mất thăng bằng, đi đứng không vững giống như người say rượu, hoặc thậm chí là ngất do lưu lượng máu lên não giảm.

Chóng mặt là cảm giác mọi vật xung quanh xoay tròn hoặc bập bênh trong khi mình đứng yên (Ảnh minh họa) 

Rối loạn tiền đình ban đầu có thể chỉ là một cơn chóng mặt đột ngột rồi thôi hoặc những cơn chóng mặt thoáng qua. Các chị em thường không chú ý rồi sau đó các dấu hiệu này xảy ra thường xuyên hơn. 

Trong khi đó, đối với thiểu năng tuần hoàn não – tình trạng thường hay nhầm lẫn với rối loạn tiền đình, mặc dù cũng có chóng mặt, buồn nôn, nặng đầu khi thay đổi tư thế nhưng không có biểu hiện đi lảo đảo. Thiểu năng tuần hoàn não thường có biểu hiện này vào lúc nửa đêm hoặc gần sáng.

Người bệnh cũng bị thường xuyên mất ngủ, giảm chất lượng giấc ngủ, cảm giác tê bì ở đầu ngón, cảm giác kiến bò hoặc nghe tiếng ve kêu, cối xay lúa trong tai, tiếng này tồn tại cả ngày lẫn đêm. Bên cạnh đó, khi cơn cấp tính xảy ra, người bệnh có thể cảm thấy bị kém tập trung, giảm khả năng tư duy, hay quên…

Bí quyết phòng ngừa rối loạn tiền đình cho dân văn phòng

Rối loạn tiền đình tùy theo nguyên nhân mà có cách điều trị khác nhau. Bác sĩ sẽ khám, chỉ định các cận lâm sàng cần thiết để có kết quả chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật tùy theo bệnh trạng. Các chị em cần thực hiện điều trị đúng, tích cực theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh tái phát. 

– Để hạn chế bệnh tiền đình nặng lên, những người làm việc văn phòng, cần tạo một không gian tại bàn làm việc của mình thoáng đãng, uống nhiều nước, thường xuyên vận động sau mỗi giờ làm việc. Nên có những biện pháp thư giãn, thoải mái, tham gia các hoạt động yêu thích, tránh việc lo âu, suy nghĩ quá nhiều.

image003 (2)

Chị em không nên ngồi lâu, làm việc nhiều giờ liên tục trước máy tính, thay vào đó hãy tìm khoảng thời gian thư giãn ngắn giữa các giờ làm (Ảnh minh họa)

– Hãy dành thời gian để hít thở không khí trong lành, tránh ngồi nhiều trong phòng lạnh. Nếu bạn phải làm việc với máy tính, thì cứ mỗi 30 phút nên cho mắt nghỉ ngơi. Sau khoảng 1 – 2 tiếng ngồi liên tục bạn nên đứng dậy thay đổi tư thế để cơ thể được thư giãn. Thời gian cuối tuần nên được dành để nghỉ ngơi thả lỏng, không nên ôm đồm công việc từ tuần này sang tuần khác. 

– Cần điều trị sớm các bệnh là nguyên nhân gây ra rối loạn tiền đình như các dị dạng, khối u, chấn thương; kiểm soát tốt bệnh lý tim mạch. Khi làm việc cũng không nên quay cổ hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh, tránh lái xe hoặc điều khiển máy móc có động cơ mạnh nếu thường xuyên bị choáng váng. Không nên uống sữa hoặc thức uống có mùi sẽ dễ buồn nôn, chỉ nên uống nước lọc hoặc nước ít gas sẽ làm có tác dụng chống nôn tốt hơn.

– Nếu phải di chuyển bằng xe ôtô, máy bay, để giảm hiện tượng chóng mặt thì cần ngủ nghỉ đầy đủ trước khi đi, có thể uống một số loại thuốc tránh say tàu xe, tránh đọc sách báo khi ngồi ôtô, nên ngồi hoặc nằm ngay xuống nếu cảm thấy chóng mặt… Hạn chế uống rượu, bia, cà phê, hạn chế hút thuốc lá.

Rối loạn tiền đình tuy có thể điều trị, nhưng dễ tái phát. Vì vậy, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp kể trên, các chị em nên có phương án dự phòng, tham khảo ý kiến bác sĩ để dùng các sản phẩm hoạt huyết dưỡng não từ thảo dược như đinh lăng, bạch quả vừa giúp cải thiện các triệu chứng, đồng thời cải thiện tuần hoàn máu lên não, phục hồi chức năng não bộ.

TH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM