Sự thật thú vị lý giải việc trẻ chạy nhảy phần phật cả ngày mà không biết mệt, biết được các bố mẹ sẽ vô cùng ngạc nhiên

Các nhà khoa học đã nghiên cứu và tìm ra được lời giải đáp mà không ít các ông bố bà mẹ đang thắc mắc này.

Trẻ có năng lượng tương đương với các vận động viên sức bền

Như chúng ta đã biết, trẻ nhỏ vốn dĩ rất hiếu động và chúng có thể nghịch ngợm cả ngày đến nỗi người lớn luôn phải tự hỏi bọn trẻ lấy năng lượng ở đâu để có thể chạy nhảy suốt như thế trong khi bố mẹ thì đã mệt nhoài.

Nghiên cứu này được phối hợp thực hiện giữa Đại học Clermont Auvergne ở Pháp và Đại học Edith Cowan ở Úc. Kết quả được đăng trên tạp chí Frontiers in Physiology (Tạm dịch: Giới hạn trong sinh lý học). Nhóm nghiên cứu đã tiến hành so sánh mức năng lượng của các bé trai trong độ tuổi từ 8 đến 12 tuổi và những người trưởng thành, cùng với 12 vận động viên sức bền trong các hoạt động: chạy bộ, bơi lội và đạp xe.

Nhóm chuyên gia sau đó sẽ theo dõi khả năng phục hồi sức khỏe, nhịp tim, mức oxy, khả năng loại bỏ axit lactic trong cơ thể của cả 3 nhóm. Kết quả cho thấy, nhóm trẻ em có khả năng phục hồi năng lượng nhanh hơn nhóm người lớn rất nhiều.

Theo đó, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em không chỉ có năng lượng tương đương với các vận động viên sức bền được rèn luyện với cường độ cao, mà còn có thể phục hồi thể lực nhanh hơn sau đó.

Cơ bắp càng mệt mỏi thì khả năng phục hồi của trẻ càng nhiều

Các nghiên cứu được tiến hành nhiều lần đều đưa ra kết luận cho thấy cơ bắp của trẻ ít bị mệt mỏi hơn so với người lớn. Thông tin này trái ngược hoàn toàn với những gì mà hầu hết chúng ta đều nghĩ trẻ dễ mệt hơn người trưởng thành. Trong suy nghĩ của người lớn, trẻ em có điểm hạn chế là chân, tay ngắn hơn và kỹ năng xử lý tình huống của trẻ còn kém so với người lớn nên khi hoạt động sẽ phải bước/đạp/chạy/nhảy nhiều hơn và vì thế, về lý thuyết sẽ phải tiêu hao nhiều năng lượng hơn.

“Nghiên cứu mới này của chúng tôi đã phủ nhận suy nghĩ trên bởi sự phát triển các cơ bắp của trẻ có thể kháng lại sự mệt mỏi, đuối sức. Hơn nữa, còn một điều đáng nói khác chính là khả năng phục hồi sức lực rất nhanh của trẻ sau các hoạt động có cường độ cao.” – Tiến sĩ Sébastien Ratel khẳng định.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, cơ bắp của trẻ trở nên dẻo dai hơn là do cách sử dụng năng lượng của trẻ em. Trong khi vận động, trẻ có xu hướng sử dụng nhiều oxy hơn, nhưng vì cơ thể của chúng nhỏ hơn nên các cơ bắp được tiếp xúc gần với lượng máu giàu oxy sau khi được bơm ra khỏi tim hơn so với người lớn và khả năng tái tạo sức lực với lượng máu giàu oxy kéo theo khả năng hồi phục nhịp tim nhanh hơn đã tiếp thêm năng lượng cho trẻ.

Khả năng vui chơi của trẻ dường như không có giới hạn (Ảnh minh họa).

Có được ưu điểm này cũng một phần là bởi trẻ em có tỉ lệ sợi cơ thuộc nhóm co rút chậm hơn nhiều so với người lớn. Các sợi cơ này mang nhiều hoạt động của các enzyme điều khiển việc giải phóng năng lượng từ đường hiếu khí.

Tiến sĩ Sébastien Ratel cho biết thêm: “Cơ thể trẻ em hô hấp và trao đổi chất hiếu khí (Aerobic – quá trình sản sinh năng lượng khi có đầy đủ oxy) nhiều hơn trong khi người trưởng thành có xu hướng hô hấp kỵ khí nên nhanh bị mệt và đuối sức hơn.”

– Đường hô hấp kị khí (không cần đến oxy) sản sinh ra nguồn năng lượng lớn mà không cần ô-xi, nhưng lại có xu hướng gây ra mỏi cơ nhanh chóng.

– Đường hô hấp hiếu khí (cần có oxy) có xu hướng sản sinh năng lượng ở tốc độ thấp hơn nhưng cho phép chúng ta làm việc trong nhiều giờ mà cơ bắp không bị mỏi mệt, giống như chạy ma-ra-tông.

Nghiên cứu cũng chỉ ra sự thay đổi khi cơ thể con người chuyển từ giai đoạn trẻ em sang giai đoạn trưởng thành, đồng thời đánh giá ảnh hưởng của những thay đổi này đối với nguy cơ mắc các loại bệnh tật khác nhau.

Trong khi nhiều bậc phụ huynh luôn mong muốn con mình ngoan ngoãn, nghe lời thì các nhà tâm lý học lại cho rằng việc nghịch ngợm góp phần tạo nên những đứa trẻ thành công trong tương lai. Do đó, đừng quá lo lắng và cảm thấy phiền toái khi chúng nô đùa cả ngày mà không biết mệt.

Dựa vào những lý do này, các bố mẹ đã có thể hiểu được vì sao trẻ có thể chạy nhảy, nghịch ngợm và nô đùa suốt cả ngày dài mà không biết mệt nhưng vốn dĩ chúng vẫn những đứa trẻ nên dù thế nào, hãy nhớ luôn quan sát và cho trẻ nghỉ ngơi đúng lúc để luôn đảm bảo sức khỏe nhé!

Nguồn: usnews, telegraph

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM