Trẻ nhỏ ăn chay có thể khiến xương phát triển hạn chế
Nghiên cứu của Viện Sức khỏe Trẻ em Great Ormond Street, Đại học London, khuyến cáo các bậc cha mẹ phải nhận thức được những rủi ro của chế độ ăn thuần chay.
Các tác giả cho biết, trẻ em ăn chay trường nên được bổ sung vitamin B12 và vitamin D để giảm bớt những hậu quả sức khỏe lâu dài có thể xảy ra khi chỉ ăn thực phẩm nguồn gốc thực vật.
Trong bối cảnh lo ngại về phúc lợi động vật và môi trường ngày càng gia tăng, số lượng người ăn chay trường ở Anh đã tăng gấp 4 lần trong vòng 4 năm lên khoảng 600.000 người.
Những người ăn chay trường cắt bỏ tất cả các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, bao gồm sữa, trứng và thậm chí cả mật ong. Hiện có rất ít bằng chứng rằng tiêu thụ sản phẩm động có thể gây những thiệt hại cho sức khỏe của trẻ em.
Tác giả chính, Giáo sư Jonathan Wells, từ Đại học London, cho biết: “Chúng tôi biết rằng mọi người ngày càng bị thu hút bởi chế độ ăn dựa trên thực vật vì một số lý do, như thúc đẩy phúc lợi cho động vật và giảm tác động của con người đến khí hậu.
Sự thay đổi toàn cầu đối với chế độ ăn dựa trên thực vật hiện được công nhận là rất quan trọng để ngăn chặn việc phá vỡ khí hậu và chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực này.
Chúng tôi cũng biết rằng cho đến nay, các nghiên cứu về tác động sức khỏe của những chế độ ăn đối với trẻ em phần lớn chỉ giới hạn trong việc đánh giá chiều cao, cân nặng và chỉ được tiến hành ở trẻ em ăn chay. Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp một cái nhìn sâu sắc về kết quả sức khỏe ở trẻ em theo chế độ ăn chay và thuần chay”.
Nghiên cứu mới đã xem xét 187 trẻ em từ 5-10 tuổi khỏe mạnh ở Ba Lan. Trong số này, 63 trẻ ăn chay, 52 trẻ ăn thuần chay và 72 trẻ ăn theo chế độ bình thường.
Trẻ em ăn chay trường trung bình thấp hơn 3 cm, với hàm lượng khoáng chất trong xương thấp hơn 4-6% và có nguy cơ thiếu vitamin B12 cao hơn gấp 3 lần so với những trẻ ăn cả động vật.
Đồng tác giả, Giáo sư Mary Fewtrell, cho biết thêm: “Tối đa hóa sức khỏe xương ở trẻ em được khuyến khích với mục đích giảm loãng xương và nguy cơ gãy xương trong tương lai.
Chúng tôi phát hiện ra rằng những đứa trẻ ăn chay trường có khối lượng xương thấp hơn, thậm chí là kích thước cơ thể và xương nhỏ hơn.
Điều này có nghĩa là khi trẻ bước vào tuổi vị thành niên, giai đoạn mà nhu cầu chất dinh dưỡng dành riêng cho xương cao hơn, sự thiếu hụt xương đã được hình thành từ rất lâu trước đó.
Nếu sự thiếu hụt này là do chế độ ăn uống kéo dài đến tuổi thanh niên, nó có thể làm tăng nguy cơ mắc các tình trạng bất lợi về xương sau này trong cuộc sống”.
Tuy nhiên, về mặt tích cực, những đứa trẻ ăn chay trường có lượng chất béo trong cơ thể thấp và mức cholesterol LDL xấu thấp hơn 25%. Đồng tác giả, Tiến sĩ Małgorzata Desmond, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy những người ăn thuần chay có lượng chất dinh dưỡng hấp thụ cao hơn cho thấy chế độ ăn dựa trên thực vật có liên quan đến việc giảm chất béo trong cơ thể và nguy cơ mắc bệnh tim mạch tốt hơn.
Mặt khác, lượng protein, canxi, vitamin B12 và D thấp hơn có thể giải thích cho nồng độ khoáng chất và vitamin trong huyết thanh khiến xương bị hạn chế phát triển.
Ban đầu chúng tôi rất ngạc nhiên về tình trạng sức khỏe tim mạch kém của những đứa trẻ ăn chay, nhưng dữ liệu về chế độ ăn uống cho thấy chúng đang ăn một chế độ ăn tương đối chế biến dựa trên thực vật, với hàm lượng chất xơ và đường ít lành mạnh hơn so với những đứa trẻ ăn chay trường.
Vì vậy, chúng tôi nhận thấy rằng chỉ ăn chế độ ăn thực vật là không đảm bảo cho sức khỏe, mà mọi người vẫn cần ưu tiên lựa chọn thực phẩm lành mạnh”.
Các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện của họ giúp có thêm lời khuyên cho công chúng về cách mọi người có thể ăn uống lành mạnh bằng chế độ ăn dựa trên thực vật.
Giáo sư Wells nói thêm: “Điều này đặc biệt đúng với trẻ em vì chúng có thể có nhu cầu chất dinh dưỡng cao hơn trong giai đoạn đang phát triển. Chúng tôi mong muốn tiến hành các nghiên cứu sâu hơn để giúp tối đa hóa lợi ích sức khỏe của chế độ ăn dựa trên thực vật ở trẻ em”.
Hương Giang (theo: dailymail)