Trồng vườn hồng hàng triệu bông tặng vợ

Xuân sang, hàng triệu đóa hồng nở tung khiến khu vườn của chị Diệp như chốn bồng lai. Đây là món quà người chồng đã đi xa dành tặng chị.

Bảy năm trước, chị Trần Thị Quỳnh Diệp, giáo viên ngữ văn tại một trường chuyên ở huyện Nam Sách (Hải Dương) và chồng, một kỹ sư cầu đường, quyết định bán đất ở thị trấn, về quê sống cuộc đời điền viên. Họ tiếp quản khu đất của bố mẹ với diện tích 7.000 m2, trong đó một nửa là ao, một nửa là vườn.

Lúc mới bỏ phố về quê, chị đi dạy, anh nuôi cá, trồng chanh. Nhưng sau vì thấy vất vả mà chẳng có hiệu quả kinh tế, nên đôi vợ chồng quyết định không làm kinh tế nữa mà chỉ nuôi trồng theo sở thích.

Tại ao, anh trồng hoa súng như ký ức tuổi thơ của vợ. Giữa trưa anh hay lội xuống ruộng lầy trong làng để kiếm về cho vợ những gốc súng. Chị Diệp nhớ có lần anh tìm được gốc súng trắng, hí hửng khoe như đứa trẻ được quà.

Vì vợ yêu hoa hồng, nên anh đã trồng theo ý nguyện. Những gốc hồng đầu tiên trồng đã bảy năm, gốc mới nhất hơn hai năm. Những ngày đầu, đôi vợ chồng rong ruổi đi Viện Nông nghiệp Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên và cả Tuyên Quang tìm cây giống. Chị Diệp say xe, nên anh toàn chở vợ bằng xe máy. Có lần mua tới 200 chậu cây ở Hưng Yên, phải thuê ôtô chở, còn anh vẫn đèo vợ.

Cả hai đều không có kinh nghiệm chăm sóc cây nên lúc đầu hoa bị sâu bệnh chết nhiều, đặc biệt là hồng ngoại. Sau này anh chị mới biết các giống hồng nội, hồng cổ hợp với đất và khí hậu Việt Nam nên chuyển sang trồng giống này. Anh cũng tự học cách chăm sóc hoa trong các hội nhóm, xem các video…, dần dần vườn hồng càng ngày càng đẹp. “Lúc đầu vườn đẹp như những ảnh mạng tôi tải về, rồi sau đó vườn còn đẹp hơn”, chị Diệp nói.

Vườn anh trồng cho vợ có hầu hết các giống hồng cổ: Hồng leo Hải Phòng, hồng cổ Sapa, hồng đào, bạch xếp, quế son, quế ta cánh đơn, quế ta cánh kép, hồng nhung, vân khôi, điều… Tổng cộng vườn có khoảng 500 gốc. Vì trồng đất mà cây to, tán rộng nên trông càng mênh mông.

Các giống hồng trồng thành từng khu. Nếu thảm hoa này tàn lại có thảm hoa kia rực rỡ. Cứ thế nối tiếp nhau khiến vườn không lúc nào không có hoa, không thơm ngào ngạt.

Bạn bè, đồng nghiệp, học trò, người thân ai cũng choáng ngợp trước vườn hồng của anh chị. Ngày nghỉ lúc nào nhà cũng tấp nập người đến chơi.

“Đến giờ tôi không biết anh chăm hoa là vì tôi hay tôi đã truyền đam mê đó sang anh nữa. Chỉ biết anh chăm sóc hoa như mẹ chăm con, nâng niu từng tí. Tôi thích ngắm anh lúc lăn lê bò toài dưới gốc hồng để cắt tỉa, vun gốc, tưới hoa”, chị kể.

Thế nhưng, anh ra đi đột ngột vào một buổi sáng mùa thu năm 2019. Cả cơ ngơi gây dựng bao năm chỉ còn lại chị và con trai. Ngày hôm đó, ao súng đột nhiên nở rực. “Lúc anh mất tôi đã rất căm thù vườn hoa. Tôi dằn vặt tại anh bỏ việc về trồng hoa cho tôi, anh mới mất ngay tại nhà như thế”, chị kể.

Mấy tuần liền chị không đặt chân ra vườn. Chị toàn nhắm chặt mắt để không phải nhìn thấy cái gì vì chỗ nào cũng có hình bóng anh. Chị cũng bỏ bê vườn hồng không chăm sóc. Thế nhưng vườn vẫn nở rất đẹp, thậm chí đẹp hơn cả lúc anh còn sống.

“Lòng tôi càng rầu rĩ mà vườn hoa cứ rực rỡ như trêu ngươi. Hoa chống lại tất cả khắc nghiệt và bỏ bê của tôi để vươn lên. Lúc đó tôi hiểu ra, qua những bông hoa anh như đang nhắn nhủ: dù thế nào cũng không được bỏ cuộc, phải sống kiên cường vươn lên như những bông hoa kia”, chị ngộ ra.

Từ lúc ấy chị gạt nước mắt, sốc lại tinh thần và ổn định cuộc sống trở lại. Chị bắt đầu học chăm vườn, tìm hiểu sâu bệnh và cách chữa trị. Trước đây vì ỷ lại chồng nên chị mù tịt kiến thức chăm cây. Giờ chị cố nhớ lại từng chút một kiến thức về hoa mà anh nói trong những lúc vui đùa. Ông bà nội ngoại cùng xúm vào vun xới. Vườn hoa hàng triệu bông, nụ chi chít, hoa trĩu cành. Đẹp nhất là thảm hồng trắng trắng muốt, hồng đỏ thắm như son.

“Trước đây anh vẫn hay nói đùa ‘Bỏ cuộc sống cơm bưng tận miệng, suốt ngay đút tay túi quần chỉ trỏ để về làm ‘osin’ cho hai mẹ con. Quả thật vì thương tôi một mình nuôi con nên anh đã bỏ việc về nhà chăm sóc hai mẹ con. Nhờ có anh là hậu phương mà tôi được hết mình trong công việc. Thành công của tôi có đến 70% là sự hy sinh của chồng. Thế mà tôi vẫn chưa kịp nói cảm ơn anh”, cô giáo Quỳnh Diệp chia sẻ.

Giờ đây, với mẹ con chị Diệp, khu vườn là hình bóng của chồng, của cha. Mỗi lúc ra vườn hồng là họ thấm êm đềm, ấm áp.

Ảnh: Nhân vật cung cấp

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM