Xu hướng Smart Home trên thị trường bất động sản

Công nghệ 4.0 hay Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 là một trong những từ khóa “hot” nhất trong những năm gần đây. Giống như nhiều lĩnh vực khác, Công nghệ 4.0 đang len lỏi vào lĩnh vực bất động sản, đã hình thành lên một khái niệm mới là Ngôi nhà thông minh (Smart Home). Quy mô thị trường này đang lớn dần, ước tính lên đến hàng trăm tỉ USD trong những năm tới.
Tại Việt Nam, ngôi nhà thông minh không còn là một khái niệm xa lạ. Nhiều chủ đầu tư đang đẩy mạnh việc phát triển nhà thông minh để tạo lợi thế cạnh tranh cho dự án của mình. Với nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, việc sống trong những ngôi nhà thông minh, tiện nghi hiện đại là một nhu cầu không thể thiếu. Vì những lý do đó, việc phát triển các ngôi nhà thông mình đang là một xu hướng mạnh mẽ.
Nhà thông minh là gì?
Về nhà lúc 7 giờ tối sau một ngày dài làm việc, anh Tuấn (TP.HCM) không cảm thấy mệt mỏi, thay vào đó là cảm giác hào hứng khi trở về nhà. Hơn tháng nay, gia đình anh được tận hưởng cảm giác thoải mái, tiện nghi tại căn hộ gần 80m2 của mình sau khi lắp đặt hệ thống nhà thông minh.
Căn nhà chào đón anh với bầu không khí mát dịu, đèn điện bật sáng, máy nước nóng bật sẵn,… Thay vì phải lần từng công tắc để bật các thiết bị điện trong nhà, anh Tuấn chỉ cần mở điện thoại lên “quẹt”, thậm chí là điều khiển bằng giọng nói. Ngôi nhà thông minh cho phép anh mở cửa cho người thân, bạn bè đến chơi ngay cả khi anh không ở nhà.

Xu hướng Smart Home trên thị trường bất động sản

Hiện nay, việc thiết kế, lắp đặt một ngôi nhà thông minh đã dễ dàng hơn. Những tiện ích mà ngôi nhà thông minh mang lại đang trở thành một phần không thể thiếu trong nhiều hộ gia đình. Những ngôi nhà thông minh không chỉ đáp ứng yêu cầu về sự tiện nghi và còn mang đến cho gia chủ sự an toàn.
Theo định nghĩa của Chính phủ Anh, nhà thông minh (Smart Home) là ngôi nhà được tích hợp mạng truyền thông kết nối các thiết bị và dịch vụ điện gia dụng, cho phép gia chủ điều khiển, giám sát hoặc truy cập chúng từ xa.
Tuy nhiên, hiện nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa khái niệm nhà thông minh và nhà tự động (Home Automation). Nhà tự động đơn thuần chỉ là các thiết bị hoạt động theo các kịch bản và lịch trình đã được cài đặt sẵn. Các hoạt động này không thể tùy biến theo các ngữ cảnh thực tế bởi trí tuệ nhân tạo như ngôi nhà thông minh.
Ngôi nhà thông minh được xây dựng trên nền tảng khái niệm Internet vạn vật (IoT). Các thiết bị trong nhà có thể trao đổi thông tin với nhau, tùy biến theo nhu cầu, thói quen của người dùng, điều chỉnh các chức năng phù hợp với các thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Hệ thống nhà thông minh, không chỉ điều khiển theo kịch bản mà còn có thể thiết kế các kịch bản ngữ cảnh thông minh dựa vào thói quen, thời điểm và mệnh lệnh trước đó của chủ nhà.
Chẳng hạn, hệ thống điều khiển ngôi nhà sẽ ghi nhận lịch trình buổi sáng của bạn sau khi thức dậy là bạn sẽ tập thể dục, tắm, làm bữa sáng rồi đi làm. Hệ thống nhà thông minh sẽ học thói quen này của bạn, thực hiện điều khiển các thiết bị trong nhà tương ứng với lịch trình đó.
Hệ thống sẽ gợi ý hoặc hỗ trợ bạn bật tất cả các thiết bị cần thiết theo lịch trình thói quen của bạn. Như vậy, chỉ cần một thao tác bấm nút là máy tập thể dục bật, rèm cửa kéo lên, quạt thông gió hoạt động, bình nóng lạnh bật,…
Tương tự, nếu bạn có thói quen xem phim vào buổi tối, sau vài lần kích hoạt thì hệ thống sẽ đưa biểu tượng của kịch bản này vào vị trí đầu tiên trong bảng điều khiển trên điện thoại để bạn lựa chọn.
Bạn sẽ không cần phải mò mẫm tìm kiếm lệnh điều khiển mong muốn để đưa vào các ngữ cảnh tương ứng nữa, những thao tác này đã được Smart Home “học” và tự động áp dụng theo thói quen của bạn.
Không chỉ được thiết kế theo thói quen sinh hoạt, hệ thống nhà thông minh còn được cài đặt phù hợp với tâm lý của từng gia chủ. Khi đi vắng, căn nhà bạn vào buổi tối có thể bật tắt đèn các phòng như có người ở nhà.
Ngày nay, đa phần ngôi nhà thông minh đều tích hợp các hệ thống cơ bản như hệ thống điều khiển ánh sáng, hệ thống an ninh, hệ thống điều khiển rèm, hệ thống kiểm soát môi trường, điều khiển âm thanh và thiết bị giải trí…
Việc điều khiển các hệ thống này thông qua một phần mềm cài đặt trên điện thoại hoặc máy tính. Bạn có thể điều khiển nó từ bất kỳ đâu. Khi ở nhà bạn có thể điều khiển các thiết bị này bằng giọng nói.
Nhà thông minh mang lại lợi ích gì?
Lợi ích nổi bật của hệ thống nhà thông minh là tạo sự an tâm cho chủ nhà và những tiện nghi vượt trội mà nó mang lại so với các thiết bị truyền thống. Bạn có thể an tâm khi đi ra khỏi nhà mà quên đóng cửa, tắt bếp, tắt nước…
Xu hướng Smart Home trên thị trường bất động sản
Bạn có thể kiểm tra tất cả trạng thái ngôi nhà của mình từ xa và chỉ với một cú chạm, chuyển tất cả thiết bị trong nhà sang trạng thái mình mong muốn. Không chỉ có vậy, nhà thông minh còn giúp bạn tiết kiệm được điện năng tiêu thụ cho ngôi nhà. Hệ thống điện chỉ bật lên khi bạn có mặt và tự động tắt đi khi bạn không có trong ngôi nhà. Hệ thống điều hòa, lọc không khí, hút ẩm hay sưởi ấm sẽ hoạt động ở mức tối ưu theo thói quen và nhu cầu từng thời điểm của bạn.
Đặc biệt một lợi ích to lớn của ngôi nhà thông minh là hệ thống an ninh ngôi nhà giúp bạn hoàn toàn yên tâm. Các thiết bị cảm biến giúp phát hiện cháy, rò rỉ điện, nước tràn… Khi có người lạ đột nhập, hệ thống cảm biến, camera thông minh sẽ ghi nhận và báo cho bạn ngay lập tức.
Ứng dụng Smart Home tại Việt Nam
Khái niệm nhà thông minh có mặt tại Việt Nam từ những năm 2003-2004, nhưng mới gây được chú ý trong khoảng 5 năm trở lại đây. Bkav là một trong những đơn vị trong nước giới thiệu hệ thống Bkav SmartHome thế hệ đầu tiên vào năm 2014.
Ở giai đoạn này, sản phẩm của Bkav được định hình riêng ở phân khúc cao cấp dành cho các biệt thự lớn, lâu đài với chi phí đắt đỏ.
Đến năm 2017, đơn vị này tham gia cuộc chơi “nhà thông minh không dây” theo sóng Zigbee và Wifi, trang bị đầy đủ hệ thống âm thanh, an ninh, điều khiển giọng nói tiếng Việt… đơn giản và dễ sử dụng với giá gói hợp lý hơn, nhằm hiện thực hóa tham vọng phổ cập nhà thông minh tại Việt Nam của Bkav.
Các sản phẩm của Bkav cho phép người dùng dễ dàng kiểm soát ngôi nhà thông qua một giao diện trực quan 3D trên điện thoại hay máy tính bảng. Giao diện 3D mô phỏng việc điều khiển các thiết bị giống như đang sử dụng thực tế.
Khi cần điều khiển các thiết bị trong nhà, người dùng chỉ cần bấm vào các thiết bị đó trên màn hình là có thể điều khiển được. Hệ thống nhà thông minh Bkav SmartHome đã được lắp đặt tại hàng nghìn căn hộ, biệt thự ở Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố trên cả nước.
Trong số các dự án có Discovery Complex 2, Times City và Royal City (Hà Nội), Green Valley, Botanica Premier (TP.HCM), F-Home (Đà Nẵng)… Ngoài ra, Bkav đã bán sản phẩm ra thị trường quốc tế như Singapore, Malaysia, Australia, Anh, Canada,…
Ở phân khúc tầm trung, một thương hiệu nhà thông minh cũng được nhiều người biết đến là Lumi. Lumi Smarthome sản xuất và cung cấp các thiết bị thông minh như chiết áp cảm ứng, cảm biến, bộ điều khiển hồng ngoại, công tắc cảm ứng, bộ điều khiển trung tâm.
Nhà thông minh của Lumi điều khiển các thiết bị điện thông qua điện thoại hoặc máy tính bảng, điều khiển bằng giọng nói và cũng sử dụng công nghệ truyền dẫn không dây Zigbee của Singapore.
Ngoài hai ông lớn trên, Acis là một thương hiệu nhà thông minh Việt Nam chiếm thị phần lớn ở phía Nam. Cũng sử dụng hệ truyền dẫn không dây, nhưng Acis ứng dụng hệ truyền dẫn Meshgrid tự nghiên cứu nên giá thành rẻ hơn. Tuy nhiên, sản phẩm của Acis được đánh giá còn đơn giản, chưa có tính thẩm mỹ cao.
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều thương hiệu lớn của nước ngoài như Siemens (Đức), Schneider (Pháp), Smart G4 (Mỹ), Gamma (Đức), Fibaro (Ba Lan), Philips Hue (Phần Lan), Xiaomi (Trung Quốc),…
Nhiều doanh nghiệp bất động sản Việt Nam cũng đang đẩy mạnh việc phát triển các căn hộ, tòa nhà thông minh để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho riêng mình. Mới đây, chủ đầu tư Hưng Thịnh đã áp dụng công nghệ thông minh tại khu nhà Q7 Saigon Riverside Complex tại Quận 7, TP.HCM.
Tập đoàn Đại Phúc cho biết đang mời gọi doanh nghiệp công nghệ vào tham gia gói thầu thiết bị thông minh cũng như quản lý khu đô thị Vạn Phúc City bằng công nghệ Smart Home.
Sunshine Group cũng được xem là một trong những doanh nghiệp bất động sản tiên phong trong đầu tư nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ ứng dụng vào nhà ở thông minh.
Đón đầu xu thế tất yếu
Nhà thông minh được coi là xu thế phát triển tất yếu của thị trường nhà ở trong tương lai. Theo báo cáo của Zion Market Research, năm 2016, thị trường nhà thông minh toàn cầu đã đạt giá trị khoảng 24,1 tỉ USD, năm 2022 dự kiến đạt 53,45 tỉ USD với mức tăng trưởng trung bình hàng năm trên 14,5%.
Và khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang chứng kiến làn sóng Smart Home nở rộ. Thống kê của Statista, công ty của Đức chuyên về thị trường và dữ liệu người tiêu dùng, cho thấy thị trường nhà thông minh Việt Nam đạt doanh thu khoảng 83 triệu USD vào năm 2019.
Công ty này cũng dự báo quy mô thị trường này sẽ đạt khoảng 437 triệu USD vào năm 2023, tương đương tốc độ tăng trưởng dự kiến 51,7% trong giai đoạn 2019 – 2023. Statista đánh giá thị trường nhà thông minh Việt Nam có tiềm năng rất lớn và sẽ tiếp tục bùng nổ trong tương lai.
Theo khảo sát của Jones Lang LaSalle Việt Nam (JLL), làn sóng căn hộ thông minh đang phát triển mạnh ở châu Á và đã thâm nhập vào thị trường nhà ở Việt Nam do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng.
Đơn vị này cho biết, sự nhạy bén công nghệ của cư dân thành thị là động lực thúc đẩy xu hướng nhà thông minh phát triển. Hơn nữa, Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về sự tăng trưởng lưu lượng sử dụng điện thoại di động thông minh tạo lợi thế của dòng sản phẩm này.
Ông Stephen Wyatt, cựu Tổng giám đốc JLL Việt Nam, cho biết người Việt Nam có xu hướng sinh sống trong một gia đình có nhiều thế hệ. Những người trẻ có khả năng tiếp cận với công nghệ nhanh, nên việc sử dụng Smart Home trở nên rất thuận tiện và mang lại nhiều tiện ích.
Tuy nhiên, những người lớn tuổi sinh sống trong ngôi nhà lại gặp khó khăn hơn trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ, do thói quen sử dụng và tâm lý e ngại sự phức tạp là một trong những rào cản lớn trong việc phát triển Smart Home tại Việt Nam.
Ngoài ra, chi phí cao cũng là trở ngại lớn trong phát triển nhà ở thông minh. Việc đầu tư một Smart Home tương đối lớn, nên đối tượng sử dụng phân khúc này chỉ là những người có thu nhập cao, chưa phục vụ đông đảo được những người có thu nhập trung bình khá.
Giá chào bán căn hộ thông minh tại các quốc gia như Ấn Độ, Anh và một số nước Đông Nam Á cao hơn 10-15% giá bán căn hộ thường. Tại Việt Nam, chi phí triển khai lắp đặt các thiết bị cho ngôi nhà thông minh từ khoảng 50 triệu cho đến vài tỉ đồng.
Ông Stephen Wyatt cho biết thêm, hiện nay có rất ít chủ đầu tư thực hiện dự án căn hộ thông minh vì dòng sản phẩm này vẫn còn mới mẻ với người tiêu dùng. Song đây là thời điểm tốt dành cho các chủ đầu tư nhỏ hơn hoặc mới gia nhập thị trường định vị thương hiệu với mô hình này.
Trong tương lai, các nhà phát triển phải nỗ lực hơn trong việc xây dựng căn hộ thông minh thực thụ tại Việt Nam. Thị trường nhà thông minh tại Việt Nam đang là một thị trường tiềm năng rất lớn. Đây sẽ là một xu hướng phát triển mạnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, đây cũng là thị trường có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong nước, lẫn nước ngoài với nhau. Do đó, nếu chủ đầu tư hoặc doanh nghiệp nào cung cấp thiết bị giải pháp đi trước sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn và mang lại mức lợi nhuận hấp dẫn.
Thị trường nhà thông minh tại Việt Nam đang là một thị trường tiềm năng rất lớn. Đây sẽ là một xu hướng phát triển mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong nước, lẫn nước ngoài với nhau.
Châu An
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM