Atisô được coi là một thảo dược quý với rất nhiều công dụng chữa bệnh

1. Nhận biết cây atisô
Cây atisô [Cynara scolymus L.), họ Cúc (Asteraceae) có nguồn gốc từ Địa Trung Hải và được trồng ở Việt Nam từ thế kỷ 19. Hiện trồng nhiều ở Sa Pa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng) để lấy nguyên liệu làm thuốc.
Cây atisô
Là cây thuộc thảo, cao đến 2m. Thân ngắn, thẳng và cứng. Lá to, dài, mọc so le, phiến xẻ thùy sâu, mặt trên xanh, mặt dưới phủ lông trắng. Hoa màu đỏ tím hoặc lơ nhạt. Quả nhẵn bóng, màu nâu sẫm. Ngoài lá, cụm hoa và rễ đều có thể sử dụng làm thuốc. Trước khi dùng cần sao qua hoặc sao vàng.
2. Các thành phần của atisô
Trong lá atisô chứa các axít hữu cơ: axít phenol (cynarin); a xít alcol: axít hydroxymethylacrilic, axít malic, a xít lactic, axít fumaric, axít succinic. Các hợp chất flavonoid: cynarosid, scolymosid, ngoài ra còn có các chất men: oxydase, peroxidase… Hoa atisô chứa nhiều taraxasterol và faradiol, là những chất có tác dụng ức chế viêm khá mạnh.
3. Tác dụng chữa bệnh của Atisô
Hoa atisô
Atisô có hoạt tính chống oxy hóa, tác dụng bảo vệ gan, tác dụng lợi mật tốt, tác dụng hạ cholesterol và ure huyết. Hoa atisô được dùng dưới dạng một món ăn cho những bệnh nhân tiểu đường, lá và rễ dùng làm thuốc lợi tiểu, thông mật trong các bệnh viêm gan, viêm túi mật, sỏi mật, viêm thận cấp và mạn tính, hoặc những người có chức năng gan, mật kém. Do thuốc có tác dụng nhuận tràng, nên thích hợp cho những người táo bón mạn tính, nhất là những người cao tuổi.
3. Một số bài thuốc với atisô
Liều dùng, ngày 8 – 10g, dạng thuốc hãm, thuốc sắc, cũng có thể nấu thành dạng cao mềm, hay cao khô để bào chế các dạng khác. Một số chứng bệnh thường dùng atisô:
  • Trị viêm gan, mật, vàng da: lá atisô tươi 50g, hoặc 10g lá khô, hãm hoặc sắc uống trong ngày.
  • Trị viêm gan vi rút: lá atisô 10g, diệp hạ châu đắng, nhân trần, mỗi vị 12g, sắc uống ngày một thang.
  • Trị phù thũng và thấp khớp: lá atisô 10g, thổ phục linh, ngưu tất, kim tiền thảo, mỗi vị 12g. Sắc uống, ngày một thang.
Trang Anh-t/h
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM