Bánh khúc làng Diềm – Món ăn đặc sản dân dã của vùng quê Kinh Bắc
Bánh khúc hiện đã được đem tới khắp vùng miền, nhiều cách “biến hóa” khác nhau, song vẫn là nét văn hóa ẩm thực của riêng vùng quê Kinh Bắc.
Nhắc đến Bắc Ninh là nhắc đến quan họ. Nhưng bạn cũng đừng bỏ quên món bánh khúc, món ẩm thực đại diện cho vùng đất Kinh Bắc.
Ngoài quan họ Bắc Ninh được không chỉ Việt Nam mà còn cả thế giới chú ý đến, người dân quê Kinh Bắc còn tự hào với một nét truyền thống khác mà không nơi đâu có được: món bánh khúc, hay còn được gọi là xôi khúc.
“Bánh khúc là nét văn hóa ẩm thực riêng có ở quê hương thủy tổ Quan họ”
Đây là món ăn cổ truyền, thể hiện đúng hương vị miền quê phương Bắc. Cũng như bao món ẩm thực truyền thống khác, người dân Bắc Ninh không rõ chính xác bánh khúc xuất hiện từ bao giờ. Chỉ biết là từ lúc họ mới nhận thức được, bánh khúc đã ở đó, trong những dịp lễ hội, ngày đặc biệt để mời bạn bè, đãi khách.
Theo đó, chữ “khúc” trong tên gọi xuất phát từ lá khúc, hay rau khúc. Đây là loại lá đặc trưng miền Bắc, người dân không trồng nhưng lá vẫn mọc lên khắp vườn, thửa ruộng.
Lá được giã nhuyễn, trộn với bột gạo tẻ tạo thành lớp vỏ bánh khúc. Được biết, tỉ lệ gạo – lá khúc là bí quyết gia truyền, tức là chỉ gia đình làm nghề biết với nhau và không tiết lộ ra ngoài. Đây là nguyên nhân mà nếu dân xê dịch muốn thử vị bánh khúc chuẩn, bạn chỉ còn cách đến với Bắc Ninh.
Màu trắng của gạo và màu xanh của lá khúc tạo nên vẻ đặc trưng của bánh khúc.
Tỉ lệ gạo – lá khúc quan trọng trong việc hình thành bánh khúc, nhiều gạo quá thì vị lá khúc mờ nhạt, nhiều lá quá thì vỏ bánh thiếu độ kết dính. Bên cạnh đó, bánh khúc có hai loại nhân: nhân đỗ (tức nhân đậu xanh) và nhân thịt.
Thường người dân Bắc Ninh sẽ gói nhân vào vỏ bánh theo hai hình thức, hình tròn hoặc hình tai voi. Song dù là hình thức nào cũng phải đảm bảo lớp vỏ mỏng, dẻo nhưng không để lộ nhân ra ngoài.
Ngoài ra, người dân cũng thường ăn kèm bánh khúc với lớp xôi bên ngoài, từ đó cho ra đời tên gọi “xôi khúc”. Đây cũng chính là món “xôi cúc” bạn thường thấy bán ở những con đường Sài Gòn.
Dù phần lớn được chế biến bởi những người dân Bắc vào Nam sinh sống, vị của món này khi “Nam tiến” đã được biến tấu chút ít để phù hợp với khẩu vị người Nam hơn. Do vậy, bạn vẫn phải vi vu một chuyến đến Bắc Ninh nếu muốn thưởng thức món bánh khúc chính tông!
Trong các làng nghề nổi tiếng món bánh khúc thì phải nhắc đến làng Diềm. Được biết, nhiều gia đình ở đây vẫn giữ món nghề truyền thống cho đến hiện tại.
Dù phần lớn bánh khúc chỉ được tiêu thụ trong làng, khu lân cận, những người dân quê Kinh Bắc này vẫn miệt mài gìn giữ món ẩm thực truyền thống, như một cách để món nghề của gia đình không bị mai một. Có gia đình đã làm bánh khúc qua 5 đời tại làng Diềm.
Bánh khúc được chế biến một cách thủ công, chăm chỉ như một cách giữ gìn món nghề truyền thống của người dân nơi đây.
Dù bánh khúc hiện được mang đi nhiều nơi, mỗi nơi lại có cách chế biến khác để hợp với khẩu vị người địa phương, bánh khúc vẫn là món ẩm thực đại diện cho vùng quê Kinh Bắc. Người dân nơi đây ngày ngày chăm chỉ, miệt mài làm bánh khúc để giữ cho món ăn, làng nghề không biến mất theo thời gian.
Phương Linh/TH