Bệnh nháy mắt ở trẻ em: Nguyên nhân và hướng điều trị cho trẻ

Bệnh nháy mắt ở trẻ em là một trong những vấn đề mà hầu hết cha mẹ đặc biệt quan tâm. Vậy nguyên nhân tình trạng này xảy ra do đâu? Điều trị bằng cách nào?

Nội dung:

1. Nguyên nhân gây bệnh nháy mắt ở trẻ em
2. Chẩn đoán bệnh nháy mắt nhiều ở trẻ em
3. Điều trị bệnh nháy mắt ở trẻ em
3.1. Bệnh nháy mắt ở trẻ em do có dị vật trong mắt hay quặm mi
3.2. Trẻ nháy mắt do viêm kết mạc dị ứng, khô mắt
3.3. Nháy mắt do xước giác mạc
3.4. Bệnh nháy mắt ở trẻ em do các tật khúc xạ
3.5. Nháy mắt, nheo mắt do lác
3.6. Bệnh nháy mắt ở trẻ em do thói quen
4. Một số lưu ý đối với bệnh nháy mắt ở trẻ em

Bệnh nháy mắt ở trẻ em hiện nay khá phổ biến, là một trong những nguyên nhân khiến cha mẹ phải đưa con mình đến bệnh viện chuyên khoa mắt. Việc thăm khám sẽ giúp tìm ra nguyên nhân và hướng đều trị bệnh nháy mắt ở trẻ em.

1. Nguyên nhân gây bệnh nháy mắt ở trẻ em

Có khá nhiều nguyên nhân gây ra bệnh nháy mắt nhiều ở trẻ em, trong đó được xác định bao gồm:

– Nguyên nhân gây bệnh nháy mắt ở trẻ em thường được xác định bởi các vấn đề của giác mạc – cơ quan nằm phía trên bề mặt nhãn cầu, chẳng hạn như: mắt bị khô, lông mi quặm, đa hang lông mi, có dị vật trên bề mặt nhãn cầu, viêm kết mạc dị ứng, xước giác mạc hay viêm kết mạc thông thường.

– Trẻ nháy mắt thái quá hoặc nheo mắt theo thói quen và lặp lại liên tục còn có thể do tâm lý căng thẳng, hoảng sợ, buồn chán hoặc tâm trạng bồn chồn. Nếu vấn đề này chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nào đó, bệnh sẽ không gây ảnh hưởng quá nhiều đến trẻ và tự biến mất khi trẻ lớn lên.

– Bệnh nháy mắt trẻ em do tật khúc xạ nhưng không được điều trị: Trẻ mắc các tật khúc xạ như cận thị, loạn thị hay viễn thị mà không được điều trị cũng sẽ gây nên tình trạng nháy mắt và nheo mắt.

– Mắt lé hoặc lác: Khi trẻ gặp các vấn đề liên quan đến trục nhìn, mắt không di chuyển đồng thời về 1 hướng cũng gây nên bệnh nháy mắt ở trẻ em.

– Ngoài ra, cũng có một số trường hợp bệnh nháy mắt ở trẻ em không tìm được nguyên nhân nào lý giải.

Bệnh nháy mắt ở trẻ em hiện nay khá phổ biến – Ảnh: healthline

Đọc thêm:

Viêm giác mạc – Nguy hiểm từ biến chứng của đau mắt đỏ ở trẻ em

Đục thủy tinh thể ở trẻ em và những điều có thể các mẹ chưa biết

2. Chẩn đoán bệnh nháy mắt nhiều ở trẻ em

Việc chẩn đoán bệnh nháy mắt ở trẻ em sẽ được thực hiện tại phòng khám hoặc bệnh viện chuyên khoa mắt. Các bác sĩ sẽ thực hiện khám một số tình trạng sau ở mắt trẻ:

Khám bề mặt nhãn cầu: Quá trình thực hiện sẽ dùng sinh hiển vi phóng đại dưới được chiếu sáng tốt để tìm kiếm các vị trí bị tổn thương ở giác mạc cũng như phía trước của nhãn cầu.

Khám mắt lác: Việc thực hiện khám lác mắt ở trẻ em khá đơn giản. Tuy nhiên, ở một số trẻ có độ lác thấp, hoặc lác lúc có lúc không sẽ phải dùng cách khám đặc biệt. Bác sĩ nhãn khoa sẽ khám vận nhãn để tìm ra được các khiếm khuyết trong quá trình phối hợp hoạt động giữa hai mắt với nhau.

Khám thị lực: Khám thị lực cũng khá đơn giản, bác sĩ có thể yêu cầu trẻ nhìn các vật ở xa hoặc chữ cái trên bảng khi không dùng kính. Việc xác định thị lực vô cùng quan trọng trong chẩn đoán bệnh nháy mắt ở trẻ em.

Việc chẩn đoán bệnh nháy mắt ở trẻ em sẽ được thực hiện tại phòng khám hoặc bệnh viện chuyên khoa mắt – Ảnh: abbaeyecare

3. Điều trị bệnh nháy mắt ở trẻ em

Việc điều trị bệnh nháy mắt ở trẻ em còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh được bác sĩ xác định khi chẩn đoán. Theo đó, việc điều trị sẽ được tiến hành như sau:

3.1. Bệnh nháy mắt ở trẻ em do có dị vật trong mắt hay quặm mi

Chỉ cần loại bỏ dị vật hoặc lông mi quặm ra khỏi mắt, trẻ sẽ hết nháy mắt.

3.2. Trẻ nháy mắt do viêm kết mạc dị ứng, khô mắt

Lúc này, bác sĩ sẽ kê thuốc nhỏ mắt hoặc yêu cầu dùng các loại thuốc kê đơn để điều trị. Khi các triệu chứng bệnh do viêm kết mạc hoặc khô mắt biến mất, bệnh nháy mắt ở trẻ em cũng sẽ khỏi hoàn toàn.

3.3. Nháy mắt do xước giác mạc

Nếu bệnh nháy mắt ở trẻ phát triển do bị xước giác mạc, có thể bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ dùng băng che mắt để hạn chế việc nháy mắt; điều này sẽ giúp vết thương trong giác mạc chóng lành hơn. Ngoài ra, trẻ còn phải nhỏ thêm các loại thuốc nhỏ mắt dạng lỏng hoặc thuốc mỡ để tăng độ ẩm trên bề mặt nhãn cầu.

3.4. Bệnh nháy mắt ở trẻ em do các tật khúc xạ

Nếu sau khi thăm khám, bệnh nháy mắt ở trẻ em được xác định phát triển do các tật khúc xạ ở mắt, trẻ sẽ được bác sĩ kê đơn để cắt các loại kính phù hợp nhằm điều chỉnh các tật khúc xạ. Khi được điều chỉnh tật khúc xạ, tầm nhìn của trẻ không bị ảnh hưởng thì tình trạng nháy mắt cũng sẽ khỏi hẳn.

3.5. Nháy mắt, nheo mắt do lác

Nếu trẻ bị lác dẫn đến tình trạng nháy mắt thái quá, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu trẻ đeo kính phù hợp để điều chỉnh tật này. Nếu cần, lác mắt có thể được điều trị bằng phẫu thuật.

Việc điều trị bệnh nháy mắt ở trẻ em còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh – Ảnh: visiontherapydoctor

3.6. Bệnh nháy mắt ở trẻ em do thói quen

Đây là nhóm nguyên nhân gây bệnh khá phổ biến và thường thì bác sĩ sẽ không yêu cầu điều trị gì. Sau khoảng vài tháng, bệnh nháy mắt ở trẻ em do thói quen sẽ tự hết.

Cha mẹ nên trao đổi cụ thể hơn với bác sĩ nhãn khoa trong trường hợp này. Nếu trẻ nháy mắt có thể do bị áp lực căng thẳng hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị bệnh tăng động giảm chú ý, bác sĩ sẽ có lời khuyên hữu ích cho việc điều trị.

4. Một số lưu ý đối với bệnh nháy mắt ở trẻ em

– Khi phát hiện dấu hiệu nháy mắt tần suất nhiều ở trẻ, cha mẹ cần theo dõi bé nhiều hơn để giúp tìm ra nguyên nhân. Việc theo dõi thời gian đủ dài cũng giúp bác sĩ xác định sớm được nguyên nhân chính xác.

– Phụ huynh có con nhỏ mắc bệnh nháy mắt cần xác định việc điều trị sẽ cần khá nhiều thời gian, cha mẹ nên theo dõi và kiên trì phối hợp điều trị cho trẻ.

– Đây là căn bệnh có thể gây khó chịu nhưng không gây mất thị lực ở trẻ.

– Khuyến khích trẻ hoạt động ngoài trời nhiều hơn, giảm thời lượng trẻ xem các thiết bị điện tử cũng là một trong những điều cần thiết đối với sức khỏe mắt.

Tiểu Quyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM