Các địa điểm biểu diễn của Hà Nội đồng loạt mở cửa đón khán giả

 Ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã trở lại nhịp sống thường ngày. Các nhà hát trên địa bàn Hà Nội đã đồng loạt “sáng đèn” trở lại.
Nhà hát Tuổi trẻ đã “sáng đèn” trở lại với chương trình ca nhạc – hài kịch “Thank xuân 21” vào tối ngày 13/3. Đêm diễn đầy ắp khán giả, đã mang lại cảm xúc rất hạnh phúc cho các nghệ sĩ của nhà hát, sau nhiều lần trì hoãn chương trình biểu diễn.
Nhà hát Múa rối Việt Nam đã có 3 buổi diễn thành công với hai chương trình nghệ thuật mới “Trăng đất Việt” và “Con yêu mẹ”, thu hút được đông đảo khán giả thiếu nhi đến tham gia. Tới đây, theo dự kiến, vào ngày 25/3 và 26/3, Nhà hát Múa rối Việt Nam sẽ tiếp tục biểu diễn phục vụ khán giả.
Các địa điểm biểu diễn của Hà Nội đồng loạt mở cửa đón khán giả ảnh 1
Chương trình ca nhạc -hài kịch “Thank xuân 21” do các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn
Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa có suất diễn chào xuân đầu tiên vào tối ngày 13/3 tại rạp Hồng Hà.
Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng có đã chương trình đầu tiên kể từ trước Tết vào tối ngày 14/3 với chương trình “Trâu vàng du xuân”. Nhiều tiết mục xiếc người, xiếc thú, hề, ảo thuật đặc sắc được các nghệ sỹ xiếc cháy hết mình cống hiến cho khán giả…
Sân khấu tư nhân Lệ Ngọc vừa khởi công dàn dựng 2 vở diễn đầu tiên trong năm 2021 sau thời gian nghỉ dịch. Đó là vở kịch thiếu nhi “Dế Mèn” và vở kịch lịch sử “Làm vua” và sẽ ra mắt trong thời gian sớm nhất.
Các địa điểm biểu diễn của Hà Nội đồng loạt mở cửa đón khán giả ảnh 2
Sân khấu Lệ Ngọc khởi công cùng lúc 2 vở “Làm vua” và “Dế Mèn”
NSND Trịnh Thuý Mùi, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chia sẻ, bà vô cùng sửng sốt vì chưa đơn vị nào trên toàn quốc trong thời điểm hiện nay lại cùng lúc dựng 2 vở kịch nói như sân khấu Lệ Ngọc. Năm 2021 có khó khăn hơn nữa không, cũng chưa ai trả lời được. Khi sân khấu xã hội hoá Lệ Ngọc thông báo dựng liền lúc 2 vở, bà thấy liều quá nhưng khi tìm hiểu kỹ thấy rằng, sân khấu này đang làm đúng với khả năng của mình.
Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam đã khai xuân với chương trình nghệ thuật tại Cung Văn hoá hữu nghị Việt Xô. Tiếp nối sẽ là chương trình nghệ thuật tưởng nhớ 20 năm ngày nhạc sỹ Trịnh Công Sơn ra đi, dự kiến diễn ra vào ngày 29/3 và 30/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Sân khấu Thủ đô nhanh chóng sáng đèn trở lại ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát cũng có những lý do rất cụ thể. Đó là vì trong khoảng thời gian dừng diễn các đơn vị vẫn không ngừng tập luyện và đề ra kế hoạch biểu diễn cụ thể.
NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, các nghệ sĩ xiếc ngừng tập luyện đồng nghĩa với việc bỏ nghề. Chính vì thế, trong suốt hơn 1 tháng nghỉ diễn, các nghệ sĩ của liên đoàn vẫn ầm thầm chuẩn bị cho các vở diễn ra mắt. Sắp tới liên đoàn sẽ tiếp tục hợp tác cùng nhà hát cải lương thực hiện dự án “Huyền sử Việt”.
NSND Tống Toàn Thắng cho biết thêm, suốt từ trước Tết đến tháng Giêng, Liên đoàn Xiếc Việt Nam ngưng trệ mọi hoạt động. Nhiều vở diễn và chương trình đã buộc phải hủy bỏ do dịch bệnh bùng phát. Đây thực sự là cái Tết ảm đạm nhất mà anh và các nghệ sĩ của liên đoàn đã trải qua, trái ngược hoàn toàn với những cái Tết trước khi ngày mở hàng của năm thường rơi vào ngày mùng 3 Tết.
Các địa điểm biểu diễn của Hà Nội đồng loạt mở cửa đón khán giả ảnh 3
Vở rối “Con yêu mẹ” của Nhà hát Múa rối Việt Nam
Trong khi đó, một đơn vị khác trên địa bàn Hà Nội cũng đã có những chuẩn bị cần thiết cho ngày mở cửa đầu tiên. NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ, các hợp đồng biểu diễn của nhà hát đều đã hủy, nhà hát thực hiện nghiêm chỉ thị của lãnh đạo các cấp. Dù nói là nghỉ diễn nhưng các nghệ sĩ của nhà hát vẫn tiếp tục lao động nghệ thuật. Khoảng thời gian tĩnh lặng vừa qua lại cần thiết cho những sáng tạo âm thầm. Điều đó đã được minh chứng bằng 3 buổi biểu diễn rất thành công của nhà hát ngay khi mở cửa trở lại. Không có những chệnh choạng, mọi khâu kết nối với nhau nhuần nhuyễn và đem lại đêm diễn nhiều cảm xúc cho khán giả.
Trước đó, những lo ngại về sự khó khăn chồng chất của sân khấu Việt đã hiện hữu khi nguồn thu không có. Trong khi đó, diễn viên hợp đồng ăn lương từ hoạt động nghệ thuật biểu diễn của nhà hát, lại đông đảo hơn lượng diễn viên biên chế ăn lương từ ngân sách Nhà nước. Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội Nguyễn Trung Hiếu trong một cuộc họp với lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết, 2 tháng đầu năm 2021, đơn vị chỉ trả được lương trong biên chế, còn lương hợp đồng thì không có. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới sự chán nản và có lẽ việc bỏ nghề của các nghệ sĩ trẻ không phải là điều khó hiểu.
Do vậy, việc sân khấu Hà Nội đồng loạt “sáng đèn” trở lại là một tín hiệu tích cực và giám đốc các nhà hát cũng quẳng đi phần nào nỗi lo hiện hữu về đời sống của nghệ sĩ.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM