Cha mẹ cần làm gì khi con quá nhút nhát

Nhút nhát không phải là xấu nhưng bố mẹ hãy giúp trẻ hòa đồng hơn để tự tin bước ra thế giới, sẵn sàng đối diện với mọi thứ trong cuộc sống.

Pearson có hai con trai tính cách trái ngược nhau. Trong khi con trai lớn 6 tuổi là cậu bé năng động, dễ kết bạn, thì bé 3 tuổi nhút nhát, ngại ngùng hơn. “Tôi nhận ra rằng mọi người thường muốn đứa con trai 3 tuổi của tôi thay đổi – muốn bé phá vỡ cái ‘vỏ’, xông xáo với những tình huống mới và hòa đồng dễ dàng như anh nó. Tôi vừa không thích điều đó vừa muốn chuẩn bị để con tự tin bước ra thế giới”, cô nói.

Trên Huffington Post, theo Catherine Peason, tác giả chuyên viết về phụ nữ và gia đình gợi ý 5 cách để bố mẹ có thể khuyến khích khi con quá ngại ngùng, mà không cần ép buộc con.

(Ảnh minh họa: Getty)

Đừng xem nhút nhát là điểm yếu

“(Con bạn) hoàn toàn có thể là đứa trẻ nhút nhát, ngại ngùng chỉ chơi với một hai người bạn thực sự thân, những người ủng hộ và nói chuyện với chúng. Điều đó rất tuyệt vời và không có gì phải lo”, Koraly Pérez-Edgar, phó giám đốc Viện nghiên cứu khoa học xã hội tại Đại học Penn nói.

Với trẻ nhỏ, việc cảm thấy ngại ngùng ở môi trường mới (như trường học) là quy trình phát triển bình thường. Phần lớn trẻ em đều như vậy. “Đó là cách thể hiện chúng ta đang bước vào không gian mới và đón nhận dần mọi thứ”, chuyên gia nói.

Thực tế, nhút nhát, ngại ngùng còn có lợi, khi có thể giúp mọi người nghĩ kỹ hơn trước khi hành động, khiến người ta trở nên bình bĩnh và đáng tin cậy hơn. Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng mọi người không nên xem ngại ngùng là cách tốt hơn hay xấu hơn để tương tác xã hội, mà chỉ là một cách khác.

Tránh “dán nhãn” con

Tưởng tượng bạn có một em bé tuổi mẫu giáo và hàng ngày gặp rất nhiều người lớn đến chào và nói lời âu yếm với em. Khi đứa trẻ trốn đằng sau bố mẹ, những người lớn sẽ nói: “Ồ bé đang ngại kìa”, và ngay cả bố mẹ cũng nghĩ thầm như vậy, khi không muốn cho rằng con mình đang mất lịch sự.

Nhưng đó là điều họ không nên làm, theo các chuyên gia. “Đừng dán nhãn con bạn là nhút nhát”, theo y tá nhi khoa Kasey Rangan. “Hãy giải thích với mọi người là con bạn chỉ đang cần thêm thời gian để thân thiết với người khác, hãy cố gắng hết sức đừng dán nhãn hành vi đó”.

Việc chỉ ra cảm xúc phức tạp của con bạn cũng có thể là dịp nhắc nhở những người khác không “dán nhãn” chúng, dù họ cũng không có ý xấu.

Cho con luyện tập có kiểm soát

Có kiểm soát ở đây chính là phần quan trọng nhất. Bố mẹ đặc biệt không nên “đẩy” những đứa trẻ nhút nhát vào các tình huống đòi hỏi tương tác xã hội quá mức, hoặc những tình huống mới có thể khiến chúng cảm thấy thực sự khó chịu. Bố mẹ chỉ cần cho trẻ nhiều cơ hội có kiểm soát để thực hành việc tiếp xúc với những thứ mới, gặp những người mới.

Pérez-Edgar nhớ lại cách cô từng đưa đứa con nhút nhát của mình đi học thể dục, và ngồi cùng con trong khu vực học vào buổi đầu tiên. Đến buổi thứ hai, cô có thể lùi ra xa một chút.

Ngoài ra, hãy biết rằng con bạn có thể luôn mất một chút thời gian để “khởi động”. Nhưng mục tiêu cuối cùng là trẻ sẽ bắt đầu chơi và khám phá – ngay cả khi phải mất 20 phút “cảnh giác” ban đầu.

Con quá nhút nhát, cha mẹ cần làm gì? - 2

(Ảnh minh họa: Getty)

Hỏi trẻ cảm thấy thế nào

Mặc dù bạn không muốn gán cho con mình là người nhút nhát, nhưng điều quan trọng là hãy cho chúng cơ hội để nói về những gì chúng đang cảm thấy khi bước ra thế giới và khám phá các tình huống mới.

Bạn có thể trò chuyện đơn giản và cởi mở, đại loại như, “hôm nay con đang nghĩ gì? Con có thích đến lớp học bơi không?”  Điều đó sẽ giúp bạn biết được liệu sự nhút nhát của con có gây khó chịu gì không mà không cần phải “dán nhãn” bất cứ điều gì.

“Việc đó giúp con bạn nói cho bạn biết giới hạn của chúng ở đâu và bạn cần tôn trọng điều đó. Điều đó trở nên đặc biệt quan trọng khi đứa trẻ nhút nhát của bạn lớn lên và bạn muốn tiếp tục hỗ trợ chúng, khuyến khích chúng trò chuyện với bạn về sự lo lắng hoặc khó khăn trong việc tìm cách hòa nhập”, Pérez-Edgar cho biết.

Tìm sự giúp đỡ

Nếu bạn thấy sự nhút nhát của con có vẻ quá mức (chúng hay cáu gắt mỗi khi tan học, hoặc chúng đang gặp khó khăn trong việc kết bạn), và dường như không cải thiện chút nào ngay cả khi có cơ hội luyện tập – đặc biệt là khi chúng bước vào trường tiểu học – có thể bạn sẽ cần kiểm tra với bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần.

“Đứa trẻ mà bạn nên lo lắng là đứa trẻ không bao giờ tỏ ra ấm áp, không bao giờ vui vẻ trước những tình huống mới, không thể tìm thấy vị trí thích hợp của chúng”, Pérez-Edgar nói.

Mai Phương/TH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM