Là loại cây đặc biệt, chỉ ra hoa duy nhất một mùa, trùng với Tết Nguyên đán. Trên thị trường hiện nay, những cây trà cổ thụ còn lại rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trước đây, trong nhà các vua quan, quý tộc thường hay trồng trà cảnh trong vườn như một biểu tượng cho cuộc sống giàu sang, tao nhã.
Thời hiện đại, nhiều người tiêu dùng thường tìm đến phân khúc trà bonsai được tạo tác, thiết kế ấn tượng với giá từ 3 – 5 triệu đồng/cây.
Còn với khách sành chơi thì luôn chuộng dòng trà cổ thụ có giá từ 50 – 100 triệu đồng/cây, thậm chí có cây còn lên tới 150 triệu đồng.
Hiện nay, tại Văn Giang (Hưng Yên) những cây trà cố thụ có tuổi đời từ 40 – 60 năm tuổi rất ít, chỉ còn sót lại trong một vài nhà vườn lớn. “Do giống trà có bộ rễ yếu, chịu nắng kém, kén đất trồng và rất khó nhân giống nên loại trà cổ thụ rất hiếm.
Đó là chưa kể, so với các loại cây khác, trà cổ rất khó chăm. Nếu không mát tay, không có kinh nghiệm thì không thể nuôi được.
Đấy là lý do mà nhiều khách đến mua cây sớm thường gửi lại vườn chăm sóc, đến cận Tết mới thuê xe, chở về nhà”, anh Chử Văn Biên (Văn Giang, Hưng Yên) cho biết. Một cây trà cổ thụ thường được trồng từ 30 – 40 năm, tầm trung từ 10 – 20 năm, tầm thấp khoảng 5 – 7 năm.
Do đó, với một số loại cây trà quý, hiếm trên thị trường với tuổi đời lâu năm như: trà lựu, trà vàng… nhiều chủ vườn không bán mà chỉ cho thuê.
Trà cổ hiện có nhiều loại như: trà phấn hồng, trà lựu, trà bạch nhụy, trà thâm, trà vàng… mỗi loài hoa lại có một vẻ đẹp khác nhau.
Trà bạch với màu trắng tinh khôi, cánh hoa dày, tròn đầy bung nở rực rỡ tượng trưng cho vẻ đẹp thuần khiết. Trà vàng được mệnh danh là “nữ hoàng”, với màu sắc như nắng vàng rực rỡ, mang đến sự may mắn.
Trong khi đó, trà lựu với cánh đỏ rực rỡ lại biểu tượng cho sự cao quý. Tuy có giá thành đắt đỏ nhưng trà cổ vẫn là mặt hàng được nhiều người yêu thích và săn đón. Theo lý giải, những cây trà cổ tượng trưng cho sự tài lộc, thăng tiến và may mắn.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM