Chế độ ăn uống cải thiện kết quả điều trị cho người bệnh ung thư

Thường những tác dụng phụ liên quan đến việc ăn uống do điều trị ung thư giảm dần và hết hẳn khi kết thúc quá trình điều trị. Khi gặp tình trạng này, người bệnh hoặc người thân trong gia đình hãy chia sẻ với bác sĩ điều trị để có kế hoạch, xây dựng một thực đơn cân bằng, hợp lý để tăng cường sức khỏe.
Ăn khi người bệnh muốn
Nói chuyện với người bệnh để xem nếu một lịch ăn uống thay đổi có thể giúp họ ăn nhiều hơn. Đôi khi 5  6 bữa ăn phụ lại tốt hơn so với ba bữa ăn chính lớn. Và các thức phẩm dành cho bữa sáng như trứng, ngũ cốc, bún phở… cũng có thể là sự lựa chọn hấp dẫn cho bữa trưa hoặc tối.
Lên kế hoạch để chuẩn bị các bữa ăn nhiều nhất khi người bệnh đói nhất, không phụ thuộc vào thời gian trong ngày.
Xây dựng thực đơn cho người bệnh sau điều trị ung thư mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân
Tăng thêm lượng calo và protein
Nếu một người bệnh không ăn được nhiều hoặc bị giảm cân trong thời gian điều trị, hãy làm cho các thực phẩm mà họ ăn được có phần gia tăng về mặt dinh dưỡng. Tăng lượng protein và calo trong những món ăn này bằng cách thêm thịt băm nhỏ, trứng luộc, hoặc các sản phẩm từ sữa vào món ăn mà người bệnh thích ăn.
Các bữa ăn phụ có thể là một cách tốt để tăng lượng calo và protein, do đó có thể đề xuất các lựa chọn như phô mai que, bánh tráng miệng, sữa hay bữa ăn protein dạng lỏng ở giữa các bữa chính.
Tăng cường thực phẩm chứa chất chống ôxy hóa
Sử dụng nhiều thực phẩm chứa các chất chống ôxy hóa (bao gồm vitamin C, vitamin E, carotenoid và rất nhiều chất khác trong thực vật) giúp giảm nguy cơ tái phát của nhiều loại ung thư. Các chất này có nhiều trong rau củ quả. Đặc biệt, sử dụng rau và trái cây góp phần phòng ngừa tái phát và tăng thời gian ổn định của ung thư vú, tiền liệt tuyến và buồng trứng.
Bắp cải tím có hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa chất ôxy hóa tốt cho người bệnh ung thư.
Giảm chất béo cho người bệnh sau điều trị ung thư
Giảm thực phẩm và cách chế biến nhiều chất béo (ví dụ chiên rán ngập dầu…) đặc biệt là chất béo bão hòa (có trong thịt và mỡ động vật). Điều này giúp giảm nguy cơ tái phát ung thư vú và giảm nguy cơ tái phát ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới.
Kiêng rượu bia, thuốc lá
Trong quá trình điều trị ung thư bệnh nhân nên kiêng rượu bia vì thuốc hóa trị liệu được chuyển hóa ở gan. Tình trạng viêm gan do rượu nếu xảy ra trong thời gian điều trị sẽ ảnh hưởng đến quá trình thanh thải thuốc hóa trị liệu từ gan và làm gia tăng khả năng ngộ độc. Đối với bệnh nhân có viêm niêm mạc miệng thì nên kiêng hẳn rượu bia vì dù chỉ là một lượng nhỏ cũng sẽ làm tình trạng viêm niêm mạc miệng nặng và lâu lành hơn.
Giữ an toàn thực phẩm
Người bị ung thư không thể chống lại nhiễm trùng hoặc bệnh tật như những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Vì vậy, vai trò của an toàn thực phẩm càng trở nên quan trọng. Tránh ô nhiễm thực phẩm bởi các vi khuẩn có hại bằng cách rửa tay trước và sau khi chuẩn bị bữa ăn.
Rửa tất cả các loại trái cây và rau quả, và sử dụng một con dao sạch và thớt khi cắt các thức ăn khác nhau.
Nấu thức ăn như thịt, gia cầm, cá và trứng kĩ để giảm các nguy cơ bệnh tật do thực phẩm.
Kiểm tra hạn dùng của các loại thực phẩm, vứt bỏ thực phẩm cũ hoặc hư hỏng.
Thường xuyên kiểm tra hạn dùng thực phẩm.
Tăng cường vận động
Thể dục thể thao hoàn toàn có thể thực hiện trong quá trình điều trị và sau điều trị ung thư. Thể dục thể thao giúp giảm mệt mỏi, lo lắng, tăng cường khối cơ và cài thiện cấu trúc cơ thể. Bệnh nhân đang điều trị ung thư có thể tập với thời gian và cường độ thấp hơn bình thường. Tuy nhiên bệnh nhân thiếu máu nặng chưa nên tập thể dục thể thao cho đến khi tình trạng ổn định. Bệnh nhân dùng thuốc ức chế miễn dịch nên hạn chế chỗ đông người vì có thể bị lây bệnh nhiễm trùng. Bệnh nhân đang điều trị xạ trị nên hạn chế bơi vì sẽ bị kích ứng da.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM