Đi qua những bình yên hoa cúc

Khu vườn rộng mênh mông một ngày gần cuối năm bạt ngàn mấy trăm chậu hoa cúc đại đóa bắt đầu trổ nụ. Bạn đứng lặng yên một góc, đôi bàn tay thô ráp xoa vào nhau. Thấy tôi, bạn bất chợt cười hiền, y chang anh bạn cùng lớp rất thư sinh hay làm thơ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường trung học.
Khu vườn rộng mênh mông một ngày gần cuối năm bạt ngàn mấy trăm chậu hoa cúc đại đóa bắt đầu trổ nụ. Bạn đứng lặng yên một góc, đôi bàn tay thô ráp xoa vào nhau. Thấy tôi, bạn bất chợt cười hiền, y chang anh bạn cùng lớp rất thư sinh hay làm thơ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường trung học. Cái thời chiều đi học về hay ghé quán vỉa hè ăn ly chè bà ba mát lạnh, thẫn thờ ngắm bằng lăng tím nở đầy trên phố, hoa sữa thơm lừng một góc phố thân thương rồi làm thơ gửi báo, hồi hộp chờ được đăng. Tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi sang Mỹ, bạn xa nhà vào học ở Sài Gòn. Ra trường, chưa tìm được việc làm đã đùng đùng kêu ba má cưới vợ rồi đẻ một lèo ba đứa con.

Trồng hoa lời nhiều không? Cũng đủ sống. Nói chung lấy công làm lời. Năm nào may mắn bán hết thì có ít nhiều ăn Tết. Mấy năm nay, người ta đổ xô trồng nhiều cúc quá. Một phần cũng nhờ mình tìm ra công nghệ mới để hoa to hơn, bán mới có giá. Khách đặt hàng từ sớm, chở đi khắp cùng đất nước. Bạn đi đâu, thấy cúc đại đóa nào to nhất, đẹp nhất và thơm nhiều nhất, cứ nghĩ đó là cúc Ninh Giang, quê mình trồng nhen.

Câu chuyện phím của hai thằng bạn thân lâu ngày gặp lại cứ kéo dài mãi không dứt. Chuyện nọ xọ chuyện kia đầy háo hức. Bạn dẫn tôi đi khắp khu vườn rộng, hăng say chỉ trỏ, bàn về trồng hoa từ đúc chậu, bón phân, cắt tỉa, trừ sâu… Đứng giữa bạt ngàn rừng hoa cúc đã bắt đầu len lén sắc vàng và mùi hương dìu dặt vương lên áo tự nhiên thấy nhẹ nhõm một cách lạ kỳ.

Tôi mê cúc vàng và vạn thọ từ hồi nhỏ xíu, Tết năm nào cũng nằng nặc ba mua về chưng cho bằng được. Thương con, ba hay mua một chậu cúc đại đóa, thược dược đủ màu và mãn đình hồng chưng trong nhà với cành mai ông ngoại Sáu tặng làm quà cuối năm. Như một thói quen, chật vật thế nào ba cũng ráng làm vui lòng thằng con út. Sáng đầu năm, cả nhà quây quần trước bàn thờ tổ tiên, bên mấy chậu hoa để ba má lì xì đã trở thành một ký ức ấm êm. Lớn hết cả rồi, ai cũng có cuộc sống của riêng mình, mấy khi ngồi ngẫm lại những ngày thân thương ấy?

Không hiểu sao bây giờ người ta không trồng thược dược hay mãn đình hồng nữa, mà toàn cúc vàng. Cuối năm, ra chợ hoa trên đường Nguyễn Thị Ngọc Oanh, có cả mấy ngàn chậu cúc bán lai rai từ lúc đưa ông táo về trời mãi tới sau giao thừa. Thị xã đâu có nhiều dân. Rủng rỉnh lắm, mỗi nhà cũng chỉ mua 2 – 3 chậu làm kiểng. Mặc ai nấy trồng, hoa cứ chất đống. Để rồi tới chiều 29, người ta bán đổ bán tháo, tranh thủ, rẻ mắc gì cũng bán để lấy lại chút vốn liếng bỏ ra trong mấy tháng trời. Đi xa về, đứng giữa rừng hoa cúc vàng chợt bồi hồi bởi biết bao nhiêu kỷ niệm cũ ùa về, rồi chạnh lòng thấy cảnh người ta kỳ kèo thêm bớt vài ngàn đồng cho mỗi chậu…

À! Bạn nhớ Vân không? Vân học Trường Lý Tự Trọng đấy. À nhớ! Người trong mộng hồi xưa của bạn. Vân bây giờ làm gì? Cô ấy lấy chồng sang Hà Lan, rồi chuyển qua Úc sống rồi. Thế à! Mừng cho bạn ấy. Bạn còn nhớ lần Vân và các bạn ra thăm tụi mình vào một ngày cuối năm như thế này không? Nhớ chứ, quên sao được.

Chúng tôi lững thững rời vườn, băng qua con dốc để đến góc sân ga tỉnh lẻ, nơi dừng chân của mấy tàu chợ ghé lại bắt khách vãng lai hay tránh tàu tốc hành Nam Bắc. Ga Ninh Hòa những ngày cuối năm buồn hiu hắt. Mấy dì ngồi chờ tàu mòn mỏi. Thỉnh thoảng tiếng con nít khóc ré lên phá tan không gian tĩnh mịch. Bạn và tôi ngồi xuống bên bồn hoa sứ, lơ đãng phóng tầm nhìn ra xa. Tôi chỉ bạn, dọc theo hai bên đường ray xe lửa, mấy bụi cúc dại vàng mọc lơ thơ. Bao năm rồi mà chẳng có gì thay đổi.

20 năm trước, cũng nơi này, Vân cùng các bạn ghé thăm hai đứa tôi từ phố biển Nha Trang. Thị trấn bé tí teo không đèn xanh đèn đỏ, đi vài giờ đã quen tên từng góc phố thân yêu. Bạn dẫn chúng tôi lên núi Ổ Gà trước nhà để cả bọn dõi tầm mắt nhìn Ninh Hòa từ trên cao lộng gió. Sau đó, chúng tôi đi ăn bún cá, mua nem chua làm quà. Chiều hôm ấy, tiễn các bạn ra về, tôi và Vân đi dọc đường ray xe lửa rù rì nói chuyện tương lai, thi cử, học hành. Vân có gương mặt hiền, đôi mắt trong veo rất thông minh nhưng gợi lên nét buồn khó tả. Tôi biết con tim mình đã bắt đầu sai nhịp, len lén nhìn vào đôi mắt ấy đã thấy nao lòng. Nhưng tôi chỉ là một cậu học trò quê nghèo, sao dám mở lời trước đóa hoa xinh tươi phố biển. Chia tay, tôi ngắt tặng bạn vài đóa hoa cúc dại vàng ươm mọc ở ven ga làm kỷ niệm. Để rồi suốt bao nhiêu năm sau đó, hoa cúc vàng trở thành một nỗi ám ảnh khôn nguôi trên bước đường xa xứ.

Thỉnh thoảng về, tôi có gặp bạn giữa Sài Gòn. Hai đứa ghé quán cà phê ngồi nói chuyện hàng giờ giữa những chiếc lá me vương trên tóc. Nhắc lại chuyện ngày xưa, có đóa cúc vàng bé xíu, mối tình học trò lặng im không dám nói… Vân luôn khuyến khích tôi trở về để gom góp những kỷ niệm yêu thương, tìm lại một chút gầy còm, khắc khổ của tôi đã đánh mất mà Vân không bao giờ tìm lại được. Tôi hứa sẽ cố gắng thu xếp trong thời gian sớm nhất. Ai ngờ, lời hứa ấy đã mấy năm rồi mà chưa làm được.

Rồi bạn theo tiếng gọi lứa đôi, theo chồng sang Âu rồi Úc. Tôi thì mãi long đong. 12 năm xa nhau, tình yêu len lén thuở nào được đổi thành một tình bạn đẹp, giữa một gã lãng tử độc thân và người thiếu phụ sắp bốn mươi ấm êm bên chồng con ở phương trời xa lạ.

Đi qua hết những bình yên hoa cúc, dọc ngang gần hết những tháng ngày trẻ trai, tôi muốn ghé lại một sân ga nào đó, dừng lại quãng đời phiêu bạt, dừng lại những năm tháng long đong, xốc lại đời mình. Tôi muốn được trở về chốn cũ để mỗi chiều ra trước thềm ngồi nghe cải lương, lặng lẽ mang hoa cúc vàng ra mộ ba má thắp vài nén nhang rồi thủ thỉ kể cho ông bà nghe chuyện thường ngày, sáng tinh mơ ngồi bên ly cà phê ngắm dòng người qua lại, và tìm một ai đó để yêu nồng nàn như thời đi học.

Đoàn tàu kéo một hồi còi dài rồi từ từ rời bến giống như năm nào đã đưa Vân trở về phố biển. Thị xã sắp sửa lên đèn, chỉ có những đóa cúc vàng bé xíu vẫn rực sáng ở một góc sân ga.

Nguyễn Hữu Tài

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM