Khi thủy tiên bừng nở và câu chuyện thần thoại về tình yêu

Thủy tiên với những cánh hoa mỏng, be bé, trắng muốt dịu dàng ôm lấy nhụy hoa màu vàng toát lên vẻ đẹp vô cùng thanh cao, quý phái.

Những bông hoa vươn mình bung nở trên nền cánh lá màu xanh, từ củ hoa màu trắng tuôn ra bộ rễ trắng dài như “chòm râu tiên ông” càng làm toát lên sự thuần khiết, liêng liêng, tuyệt diệu của loài hoa “băng cơ ngọc cốt”. Chả thế mà biết bao tao nhân mặc khách, văn nghệ sĩ đã “phải lòng”, đắm say loài hoa được mệnh danh là “mỹ nhân múa trong nước”, là “nàng tiên đạp sóng xanh độc bộ trên mặt hồ”. Khi hòa mình trong sự thanh tao, thả hồn cùng hương sắc thủy tiên, ta như được gột rửa tâm phàm, lòng nhẹ bẫng, yên bình như lạc chốn Thiên thai.

Không biết tự bao giờ tôi mê loài hoa này đến thế! Chỉ nhớ một lần, hồi tôi còn bé, cách Tết mấy ngày, bố tôi mang về nhà một bình thủy tiên được trưng trong chiếc bình thủy tinh. Ông chăm chút bình hoa ấy hơn cả chăm con, ngày ngày đều đặn thay nước 2 lần, đêm lạnh, ông còn mang cả bình thủy tiên đặt xuống bếp có ủ chút than hồng. Bố tôi bảo, làm thế là để “thúc” thủy tiên nhằm nở đúng đêm Giao thừa. Năm ấy, đêm 30, lúc nhìn thấy một nụ thủy tiên he hé những cánh mỏng, bố tôi hân hoan hơn cả bắt được vàng. Giao thừa, bố châm trà nhâm nhi làm thơ về loài hoa quý…

Ảnh minh họa.

Tôi lớn lên, bố thành người thiên cổ, cứ mỗi độ giáp Tết chừng 1 tháng, tôi lại vượt cầu sang phố, chọn mua củ thủy tiên về gọt, tỉa. Cũng có năm bận tối mắt, tôi đành trồng thủy tiên theo kiểu… cơ học (không gọt tỉa, trồng thủy canh mà trồng bằng cát). Những lúc ngồi tỉ mẩn tách từng lớp vỏ thủy tiên, gọt củ, xén lá, chuốt rửa bộ rễ…, lòng tôi lại cuộn nỗi nhớ cha…

Trong muôn loài hoa đẹp, thủy tiên được xướng danh “nàng Tiên của các loài hoa”. Thế nên, từ lâu, chơi thủy tiên là thú chơi tao nhã, thanh cao của giới trung lưu Hà Nội. Trước đây, phố hoa cổ Hàng Lược từng có giải thưởng rất lớn chogia đìnhnào có thể cắt gọt thủy tiên nở đẹp nhất vào đêm Giao thừa. Bậc cao niên trên phố vẫn còn nhớ, đêm 30 Tết, tại chùa Tứ Vị, giới chơi hoa thủy tiên trong phố và lân cận sẽ mang sản phẩm của mình ra thi với nhau. Giò thủy tiên nào “đăng quang” ngôi hậu (đẹp nhất, đặc sắc nhất và nở đúng Giao thừa) thì chủ nhân của nó sẽ được kiệu khênh về tận nhà.

Nghề chơi hoa thủy tiên cũng lắm công phu, đòi hỏi người chơi phải thực sự đam mê, khéo léo, tỉ mỉ, nhẫn nại, cầu kỳ, cẩn thận. Loài hoa này được cả sắc lẫn hương, người biết chơi hoa ắt hẳn cũng phải là người tinh tế, nho nhã hơn người. Thủy tiên không phải loài hoa dành cho kẻ phàm phu tục tử, bởi trái tim chẳng thanh tao thì làm sao thấu cảm được vẻ đài các quyện trong làn hương dịu nhẹ mà xuyên thấu cả thể xác lẫn tâm hồn. Thưởng thức hoa thủy tiên, thi nhân dễ tức cảnh sinh tình, người tầm thường như được gột rửa sự nhỏ nhen, kẻ vị kỷ cũng trở nên hòa ái.

Theo giới sành chơi hoa, một bát thủy tiên đẹp phải đủ các yếu tố: bộ rễ trắng như râu tiên ông được nuôi dài mướt mát như thác đổ; làn lá xum xuê, mềm mại, uốn lượn; ngồng hoa nhiều tầng tán, lớp trước xếp lớp sau, có tiền có hậu với các thế mây vờn núi/phượng múa rồng bay/tiên giáng trần…; cánh hoa trắng phải phải thật trong, thật tinh khôi; số mầm hoa phải là số lẻ… Những ngày Tết, trong nhà có bát hoa thủy tiên đang độ mãn khai thì đó là một món quà quý. Còn nếu gọt được củ thủy tiên nở đúng “giờ vàng” Giao thừa thì năm mới ăm ắp niềm vui, may mắn, phúc lộc thọ khang ninh!

Theo phong thủy, thủy tiên chứa nguồn năng lượng mạnh mẽ thúc đẩy tiềm năng, sự nghiệp của con người. Khi ngắm bình hoa thủy tiên như có động lực thúc đẩy sự sáng tạo, giải quyết khó khăn trong công việc hàng ngày. Các nhà nghiên cứu cho rằng, có từ 40 đến 200 loài hoa thủy tiên khác nhau với hơn 25.000 giống lai được phân chia thành 13 phần trong một hệ thống phân loại hoa thủy tiên. Nhưng thủy tiên hoa trắng 6 cánh là loại hoa được người Việt Nam đặc biệt yêu thích mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Chuyện kể rằng, chàng Narcissus là con trai của những vị thần Hy Lạp. Chàng có vẻ đẹp tuyệt vời và lớn lao đến nỗi, mẹ của chàng là nữ thần Liriope đã phải giấu hết gương trong nhà đi để chàng không biết đến nhan sắc của mình.

Tuy nhiên, vẻ đẹp của chàng đã lọt vào mắt của nữ thần Echo và khiến nàng đem lòng yêu mến. Vào một ngày định mệnh, chàng Narcissus đi dạo chơi và đến bên một hồ nước. Khi soi bóng trong hồ nước, chàng đã trông thấy hình ảnh phản chiếu của bản thân và đem lòng tự yêu mình.

Chàng mải mê ngắm nhìn bản thân trong mặt hồ mà không quan tâm thời gian trôi qua. Cuối cùng, chàng đã gục ngã và chết vì kiệt sức. Nơi chàng chết đi đã mọc ra một loại hoa tuyệt đẹp sau này được đặt tên là hoa thủy tiên (Narcissus).

Thảo Miên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM