Làng nghề gói bánh chưng lớn nhất Hà Nội tất bật đón tết Tân Sửu

Cận Tết Tân Sửu 2021, làng nghề truyền thống bánh chưng Tranh Khúc lại tấp nập, nhộn nhịp hơn với những nồi bánh chưng nóng hổi, mang hương vị đặc trưng được trong và ngoài nước biết tới.

Cánh cổng dẫn vào Tranh Khúc (huyện Thanh Trì, Hà Nội), nơi có làng nghề đang tất bật vào vụ gói bánh chưng để cung cấp cho thị trường Tết. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ghé thăm làng Tranh Khúc những ngày này dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều gia đình tất bật gói bánh với không khí sôi nổi, khẩn trương để kịp giao bánh cho khách hàng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Gần Tết, 116 hộ làm bánh chưng ở làng Tranh Khúc tất bật gói bánh. Một cơ sở lớn có thể sản xuất hàng ngàn chiếc mỗi ngày. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chả ai biết rõ làng bánh chưng Tranh Khúc có từ bao giờ, cứ cha truyền con nối giữ gìn, phát triển đến ngày hôm nay. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ở Tranh Khúc, hầu hết nhà nào cũng gói bánh chưng quanh năm, lấy đó làm thu nhập, nuôi sống gia đình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Gia đình cô Sáu ở làng Tranh Khúc gắn bó với nghề làm bánh chưng đã hàng chục năm nay. Cô Sáu cho biết ngày thường chỉ gói từ 200-300 cái, nhưng bắt đầu từ tháng Chạp lượng bánh gia đình cô gói nhiều hơn gấp 2-3 lần. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bánh chưng Tranh Khúc ngon nhờ nguyên liệu được lựa chọn kỹ càng và tỉ mỉ. Loại nếp dùng để gói bánh là nếp cái hoa vàng để vỏ bánh được dẻo và mềm. Đỗ xanh phải là loại hạt nhỏ, ruột vàng được thổi chín và giã nhuyễn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Thịt heo nạc vai và ba chỉ được các gia đình lựa chọn làm nhân vì thế bánh có vị béo ngậy cùng với đó lá dong gói bánh thường được đặt mua từ vựa lá nổi tiếng Tràng Cát (huyện Thanh Oai, Hà Nội). (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nếu lá chưa đẹp, chưa đủ thì phải đặt mua tận Nghệ An, Hà Tĩnh từ nhiều tháng trước. Lá dong để gói bánh phải là loại lá tẻ, bản to, màu xanh mướt, không bị sâu, rách. Gạo nếp gói bánh cũng phải là loại nếp nhung hoặc nếp cái hoa vàng, những loại nếp ngon có tiếng ở Thái Bình, Nam Định. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Lá dong đẹp, gạo ngon, tay người gói khéo thì bánh chưng ra lò mới xanh đẹp và dẻo bánh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Vào những ngày giáp Tết, không khí khắp thôn làng ngõ xóm Tranh Khúc nhộn nhịp hơn hẳn, tạo nên một khung cảnh đậm nét truyền thống Việt Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Gia đình chị Tuyết (Tranh Khúc, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết những ngày sát Tếtchị phải gói từ 2.000-3.000 cái mới đủ bánh giao cho khách. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Mỗi người phụ trách một công đoạn từ rửa lá, vo gạo, đãi đỗ, ướp thịt làm nhân… tất cả đều tập trung vào công việc của mình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Người dân nơi đây cho biết gói bánh chưng không khó, nhưng từng công đoạn phải thật kĩ tỉ mỉ, kĩ lưỡng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Dù bận rộn cung cấp bánh cho Tết, nhưng những người dân Tranh Khúc vẫn đảm bảo quy trình làm ra chiếc bánh chưng phải thực hiện đầy đủ và đảm bảo vệ sinh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Gắn bó với nghề nhiều năm nên việc những người thợ gói bánh rất dễ dàng và khéo léo. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bánh được gói bằng tay, nhân và vỏ bánh được người thợ gói chặt, vuông vức trong khoảng 30 giây. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đã bao đời gắn bỏ với nghề làm bánh, già trẻ gái trai trong làng ai cũng gói bánh nhanh thoăn thoắt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Người dân Tranh Khúc không chỉ coi đây là nghề kiếm sống mà còn đặt cái tâm vào từng mẻ bánh, có vậy mới làm nên thương hiệu bánh chưng nức tiếng gần xa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cầm chiếc bánh chưng thành phẩm trên tay không ít người sẽ phải trầm trồ vì sự khéo tay của những người thợ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đậu xanh được ngâm nước, đem đi đun sôi sau đó nghiền thành bột. Đậu xanh sau khi nghiền thành bột sẽ được nặn thành bánh rồi kẹp thịt vào giữa để làm nhân bánh. Số đậu trong bánh phải được cân đo cho vừa với lượng thịt và phù hợp với kích cỡ của chiếc bánh chưng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sau khi sắp xếp ngăn nắp, bánh sẽ được nén với sức nặng vừa đủ và được đun trong nồi điện khoảng 8-10 tiếng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hiện tại, bánh chưng Tranh Khúc đã được nhiều gia đình khẳng định thương hiệu đồng thời sử dụng các phương pháp bảo quản hiện đại để chiếc bánh được vươn ra xa không chỉ thị trường trong nước mà ra nước ngoài. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Mâm cỗ ngày Tết của người Việt Nam không thể thiếu bánh chưng xanh chính vì vậy làng nghề Tranh Khúc là nơi để mọi người lựa chọn, hỏi mua mỗi dịp hoa đào khoe sắc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM