Lễ tang cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn được tổ chức thế nào?

Lễ tang bà Lê Thị Dinh được tổ chức tại phủ Kiên Thái Vương, đến ngày 17 tháng Giêng năm Tân Sửu.Lễ tang bà Lê Thị Dinh được tổ chức tại phủ Kiên Thái Vương, đến ngày 17 tháng Giêng năm Tân Sửu.

Do tuổi cao sức yếu và mắc bệnh từ nhiều năm nay, bà Lê Thị Dinh – cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn đã từ trần vào tối ngày 21/2 tại phủ Kiên Thái Vương (TP. Huế), hưởng thọ 102 tuổi.

Thông tin trên Báo Tiền phong, ông Nguyễn Như Trị – con trai bà Dinh cho biết, sau khi mẹ mất, vì bà là con cháu của nhà Nguyễn, nên ban đầu gia đình có nguyện vọng muốn nhờ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hỗ trợ về nghi thức tang lễ.

Tuy nhiên, vì lý do phòng chống dịch bệnh COVID-19, con trai Nguyễn Như Trị và tang quyến quyết định tổ chức tang lễ theo nghi thức Phật giáo và lễ nghi truyền thống dân gian bình thường như bao người.

Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng xác nhận, gia đình bà Dinh từng đặt vấn đề nhờ trung tâm hỗ trợ nghi thức tang lễ, sau đó vì dịch bệnh nên không thực hiện theo yêu cầu này nữa.

“Trung tâm đã cử người tham gia phụ giúp tại đám tang và sẵn sàng hỗ trợ theo yêu cầu của người nhà cụ Dinh. Vì lý do dịch bệnh, người nhà chỉ yêu cầu trung tâm giúp cho một đội nhạc cung đình phục vụ trong vài ngày tới, trước khi đưa tang cụ Dinh”, ông Nhật cho hay.

Lễ tang bà Lê Thị Dinh – cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn sẽ được gia đình, dòng họ tổ chức tại phủ Kiên Thái Vương. Ngày 17 tháng Giêng năm Tân Sửu (tức ngày (28/2) sẽ di quan, an táng.

Bà Lê Thị Dinh được xem một trong các nhân chứng lịch sử hiếm hoi về triều đại phong kiến cuối cùng Việt Nam tại Cố đô Huế.Năm lên 8 tuổi, đang học lớp 5 trường Đồng Khánh, bà Lê Thị Dinh được Thánh Cung Hoàng hậu – vợ vua Đồng Khánh, gọi vào cung.

Đến năm 15 tuổi, khi Thánh Cung qua đời, bà Lê Thị Dinh chuyển sang hầu Đức Từ Cung – vợ vua Khải Định. Ở trong cung, là một người khéo tay nên bà Dinh cũng được tin tưởng để làm các loại mức bánh Huế vốn rất cầu kỳ và tinh xảo. Mỗi tháng bà Lê Thị Dinh được trả 6 đồng tiền lương (có thể mua được 600 lon gạo).

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đức Từ Cung chuyển về cung An Định, sau đó về sống tại 147 Phan Đình Phùng (Huế), bà Lê Thị Dinh tiếp tục theo hầu.

Là cung nữ nhưng đồng thời cũng là con cháu hoàng tộc (cháu ngoại của Quận Công Ưng Quyến, em trai thứ ba của vua Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh), nên sau khi Đức Từ Cung qua đời, bà Lê Thị Dinh chuyển đến phủ Kiên Thái Vương để lo hương khói cho các vị vua Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hàm Nghi và Khải Định, từ năm 1997 thì thờ thêm vua Bảo Đại.

Chồng bà Dinh là ông Nguyễn Như Đào, từng là lái xe cho vua Bảo Đại, tập kết ra Bắc. Sau khi chồng tập kết, bà Dinh ở lại một mình đã một lòng nuôi hai người con trai là ông Nguyễn Như Trị cùng một người anh trai (đã mất do tai nạn).

Sau năm 1975, ông Đào đã trở về và có thêm một người vợ nữa sinh được thêm hai người con, ở riêng ở khu tập thể Xã Tắc (P.Thuận Hòa, TP.Huế). Tuy vậy, bà Dinh vẫn nuôi con và chăm lo phụng thờ hương khói cho các vua triều Nguyễn, ở phủ Kiên Thái Vương.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM