Luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết

Việc Bác Hồ về nước năm 1941 trực tiếp lãnh đạo cách mạng có ý nghĩa như thế nào đối với quá trình giải phóng dân tộc, thưa ông?
30 năm sau ngày ra đi tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941 (mồng 2 Tết Tân Tỵ), từ nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã trở về nước trực tiếp chỉ đạo sự nghiệp cách mạng, xây dựng căn cứ địa cách mạng tại Pác Bó – Cao Bằng. Đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng, mở ra bước ngoặt mới cho cách mạng Việt Nam. Bởi thời điểm trước khi Bác về nước, phong trào đấu tranh dân chủ giai đoạn 1936- 1939 đã kết thúc, Pháp quay ra đàn áp phong trào cách mạng ở các thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp hết sức gay gắt. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt ra trực tiếp và hết sức cấp thiết.
Những năm 1939-1941, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển mau chóng, khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 diễn ra ngày càng ác liệt. Tháng 6/1940, phát xít Đức tấn công nước Pháp và chỉ vài ngày sau, Chính phủ Pháp chấp nhận đầu hàng không điều kiện. Trước diễn biến này, Bác đã nhận định đây là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Bác quyết định phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ, nếu chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng.
Có thể nói, việc Bác về nước trực tiếp chỉ đạo sự nghiệp cách mạng có ý nghĩa động viên, cổ vũ rất lớn, khi mà phong trào cách mạng nghe tin Bác trở về thì lập tức phát triển mạnh. Nhân dân đoàn kết, quyết tâm đi theo Đảng, theo Bác, theo sự nghiệp cách mạng. Nó mở ra thời kỳ mới của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc giành độc lập.
 Sau khi Bác về nước, sự nghiệp giải phóng dân tộc diễn ra như thế nào?
Khi về nước, Bác đã triệu tập các đồng chí Trung ương (T.Ư) và tổ chức Hội nghị T.Ư 8 khóa I. Tại Hội nghị lần thứ 8 (tháng 5/1941), T.Ư quyết định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Khẩu hiệu khi đó đề ra là “Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết”, còn quyền lợi của giai cấp đặt dưới lợi ích dân tộc. Nghị quyết T.Ư 8 khóa I nêu rõ: “Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Quan điểm này đã quy tụ được khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chủ trương thứ hai của Bác là quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của Việt Minh và sẽ làm cờ Tổ quốc. Mặt trận Việt Minh chính thức ra đời với Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ cụ thể, nêu rõ những chính sách cơ bản về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, ngoại giao và các chính sách cụ thể đối với các tầng lớp nhân dân nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, “cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước là: Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do”.
Lợi ích quốc gia, dân tộc luôn trên hết - ảnh 1  PGS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng.
Hội nghị cũng thảo luận quyết định về hình thức đấu tranh dùng bạo lực cách mạng, phương pháp cách mạng là “cuộc cách mạng Đông Dương kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang”. Hội nghị quyết định phải xúc tiến công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, khi thời cơ đến “với lực lượng sẵn có ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”.
Từ những chủ trương đúng đắn trên, cách mạng Việt Nam đã liên tiếp giành được những thắng lợi to lớn. Đỉnh cao là Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, giành chính quyền trong cả nước. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Sự kiện lịch sử Bác Hồ về nước trực tiếp chỉ đạo sự nghiệp cách mạng có ý nghĩa, bài học quan trọng gì trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay?
Sự kiện Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam cho thấy tầm nhìn chiến lược của vị lãnh tụ thiên tài, không chỉ tạo ra bước ngoặt to lớn của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX mà còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là bài học về dự báo và nhận định, đánh giá đúng tình hình, xu thế vận động của cách mạng, từ đó kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, sách lược cách mạng phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra. Sự kiện này cũng để lại bài học to lớn là, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng cũng đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Những người cộng sản luôn đi tiên phong, người cộng sản luôn luôn sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì độc lập, dân tộc.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang hướng về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây chính là dịp để tiếp tục tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Qua đó, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM