Lý do không nên uống nhiều hơn một lít nước mỗi giờ

Uống quá nhiều nước có thể gây ngộ độc, thậm chí dẫn tới co giật, hôn mê.

Nước là thành phần không thể thiếu cho cơ thể. Chúng ta thường được khuyến cáo uống đủ 8 ly nước mỗi ngày. Tuy nhiên, tương tự mất nước, uống quá nhiều loại chất lỏng này cũng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng mà các chuyên gia thường gọi là nhiễm độc nước (hạ natri máu).

Uống bao nhiêu lít nước là quá nhiều?

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ hiện chưa có hướng dẫn chính thức về lượng nước một người cần uống mỗi ngày. Bởi lượng phù hợp tùy thuộc vào các yếu tố như trọng lượng cơ thể, mức độ hoạt động thể chất, khí hậu.

Dù vậy, nhiều nghiên cứu đã cố gắng tìm ra câu trả lời này một cách chính xác nhất có thể. Theo Mayo Clinic, năm 2004, Học viện Y khoa Quốc gia Mỹ khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi 19-30 nên uống khoảng 2,7 lít mỗi ngày. Trong khi đó, nam giới cùng độ tuổi không nên uống quá 3,7 lít mỗi ngày.

Những khuyến nghị này bao gồm chất lỏng từ nước, đồ uống khác và thực phẩm. Khoảng 20% ​​lượng chất lỏng hàng ngày chúng ta nạp vào cơ thể thường đến từ thức ăn và đồ uống khác không phải nước.

Uống quá nhiều nước trong một ngày có thể gây ngộ độc. Ảnh: Freepik.

Tuy nhiên, vận động viên, phụ nữ đang cho con bú, người lớn tuổi có thể cần uống nhiều nước hơn do lượng tiêu thụ, bài tiết qua mồ hôi lớn. Chúng ta có thể tính số lít nước cần uống mỗi ngày theo lượng calo bạn nạp vào cơ thể. Ví dụ, người ăn 2.000 calo nên uống tương ứng 2 lít nước.

Nếu vượt quá những con số trên, chúng ta có thể bị ngộ độc nước. Tình trạng thừa, nhiễm độc nước thường xảy ra khi một người uống nhiều nước trong khoảng thời gian ngắn, vượt quá lượng mà thận có thể đào thải qua nước tiểu.

Một nghiên cứu năm 2013 trên tạp chí Annals of Pediatric Endocrinology & Metabolism cho thấy thận có thể bài tiết khoảng 20 lít nước mỗi ngày. Mỗi giờ, thận chỉ có thể lọc không quá 0,8-1 lít nước.

Các tác giả của nghiên cứu trên khuyến cáo triệu chứng hạ natri máu có thể xuất hiện khi một người uống 3-4 lít nước trong thời gian ngắn. Nhiều người gặp tình trạng ngộ độc nước với nguyên nhân này.

Năm 2001, trong bài báo “Hạ natri máu liên quan mất nước ở các binh sĩ Mỹ” lưu trữ tại Thư viện Quốc gia nước này, nhóm tác giả mô tả một sĩ quan xuất hiện triệu chứng ngộ độc nước sau khi uống 1,9 lít nước trong vòng một giờ.

Bài báo khác năm 2002 với tiêu đề “Chết vì ngộ độc nước” cho biết 3 trường hợp tại Mỹ đã tử vong sau khi uống từ 5 đến 20 lít nước mỗi giờ. Những người này đều bị hạ natri máu và phù não.

Triệu chứng của người bị ngộ độc nước

Theo Giáo sư, tiến sĩ Tamara Hew-Butler, Đại học Oakland, Rochester, Michigan, Mỹ, ngộ độc nước còn được gọi là hạ natri máu. Natri là chất giúp duy trì sự cân bằng của chất lỏng bên trong và ngoài tế bào. Nếu natri bị hạ đột ngột, chất lỏng sẽ đi từ bên ngoài vào trong tế bào.

Khi mức natri giảm xuống dưới 135 mmol/l, nó khiến các tế bào não ngập trong nước. Kết quả, các tế bào này sưng phồng. Quá nhiều chất lỏng ở tế bào làm tăng áp lực trong hộp sọ. Điều này có thể ảnh hưởng não, gây rối loạn chức năng thần kinh.

ngo doc nuoc anh 2

Ngộ độc nước hay hạ natri máu có thể gây tử vong. Ảnh: Getty.

Theo Mayo Clinic, triệu chứng của người bị ngộ độc nước là đau đầu, buồn nôn, nôn. Ở mức độ nghiêm trọng, họ sẽ bị buồn ngủ, yếu cơ hoặc chuột rút, tăng huyết áp, nhìn đôi, hoang mang, mơ hồ, không xác định được thông tin, khó thở.

Tình trạng thừa nước phổ biến ở những vận động viên cần sức bền, người uống quá nhiều nước trước và sau khi luyện tập. Ngoài ra, thừa nước cũng dễ xảy ra ở người bị bệnh thận, gan hoặc suy tim do cơ thể họ có cơ chế tích nước nhiều hơn.

Cách tốt nhất để biết được điều này là lắng nghe và quan sát những điểm bất thường trong cơ thể. Giáo sư Tamara cho hay cơ thể con người được lập trình để chống lại tình trạng thừa nước. Đó là cảm giác khát. Nếu không cảm thấy khát, chúng ta không nên ép cơ thể uống thêm nước.

Ông cũng tiết lộ có thể xác định một người bị thừa nước hay không qua màu nước tiểu. Thông thường, nước tiểu của chúng ta có màu vàng rơm đến vàng nhạt. Nhiều người lo ngại nước tiểu sẫm màu là biểu hiện của các bệnh lý nghiêm trọng. Tuy nhiên, nước tiểu trong suốt, không màu cũng cho thấy cơ thể bạn đã đủ nước, thậm chí thừa, bạn không nên uống thêm.

Đi tiểu quá nhiều vào ban đêm cũng là dấu hiệu khác cho thấy cơ thể thừa nước. Cleveland Clinic cho hay hầu hết con người đi tiểu từ 6 đến 8 lần trong một ngày. Uống quá nhiều nước khiến tần suất này tăng lên.

TH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM