Mua nông sản online: Chấm dứt củ cải đổ sông, bắp cải thối đồng

Một gian hàng, một hình ảnh sản phẩm trên chợ mạng sẽ có giúp triệu người, ở khắp cả nước cùng tham gia giải cứu. Hiệu quả sẽ tức thì nếu cùng lúc hàng chục ngàn người đặt mua, hàng trăm tấn rau quả được giải phóng. Những gian hàng trên mạng sẽ là hướng mở cho nông sản không chỉ giải cứu trước mắt mà là hướng đi lâu dài bền vững. Thảm cảnh củ cải đổ sông, bắp cải thối đồng sẽ chấm dứt.
Khắp nơi báo ế, bỏ thối đầy đồng
Hàng trăm tấn nông sản ùn ứ ở Hải Dương phải nhờ “giải cứu”, hàng vạn tấn cam tại Hà Giang đang bế tắc đầu ra và dần thối hỏng, Mê Linh củ cải phải đổ xuống sông, nông dân Nam Định bán 1.000 đồng 3kg cà chua… Đó là hình ảnh ở những vùng chuyên canh lớn tại miền Bắc nước ta khi dịch Covid-19 một lần nữa xảy ra.
Hải Dương sau “lệnh” giãn cách xã hội toàn tỉnh bắt đầu từ ngày 16/2, khoảng gần 90.000 tấn nông sản, chủ yếu là các loại: cà rốt, hành, các loại rau xanh, ổi… vào kỳ thu hoạch nhưng gặp khó trong tiêu thụ.
Hải Dương ngay sau đó đã kêu gọi chung tay giải cứu nông sản cho bà con nông dân. Sở NN-PTNT tỉnh đứng ra kết nối với các doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức thiện nguyện chung tay tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, chỉ vòng chưa nửa tháng, đã có 27.000 tấn nông sản các loại được giải cứu với mức giá từ 4.000-7.000 đồng/kg tuỳ loại. Có khoảng 1 triệu con gà đồi được tiêu thụ, ngoài ra mỗi ngày cũng tiêu thụ được khoảng 100.000 trứng gia cầm.
Nhờ các hoạt động kết nối bằng công nghệ nêu trên, rất nhiều nông sản Hải Dương đã được mang ra Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác để tiêu thụ. Tuy nhiên, hàng loạt su hào, bắp cải, cà rốt, trứng gà… được mang ra vỉa hè la liệt nằm chờ “giải cứu” với giá rẻ như cho đã tạo nên một khung cảnh nhếch nhác, giá bán rất rẻ và tỉ lệ nông sản bị hỏng rất cao.
Lên mạng mua nông sản: Chấm dứt củ cải đổ sông, bắp cải thối đồng
Những ngày này, người nông dân trồng cam sành ở Hà Giang như đang ngồi trên đống lửa, bởi giá rớt thê thảm, chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg nhưng vẫn bế tắc đầu ra. Đáng lo hơn, cam trên cây đã chín đỏ và đang thối rụng đầy gốc, nếu không tiêu thụ được nông dân sẽ trắng tay.
Thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang, sản lượng cam toàn tỉnh vụ này ước khoảng 70.000 tấn, thời điểm hiện tại mới chỉ tiêu thụ được trên 20.000 tấn.
Cũng theo Sở NN-PTNT, cam Hà Giang đang gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ, tồn đọng một lượng lớn nguyên nhân do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong khi những ngày vừa qua thời tiết lại bất lợi với quả cam khiến loại quả này thối rụng.
Chuyện quả cam rớt giá chỉ còn 4.000 đồng/kg cũng đang sản xa tại tỉnh Tuyên Quang. Điều đáng nói là đây là năm thứ 2 liên tiếp giá cam rớt thê thảm. Theo Sở Nông NN-PTNT, tỉnh này có khoảng 8.600ha cam sành, sản lượng hơn 90.000 tấn/năm. Những năm trước, giá cam sành vào khoảng 8.000 – 10.000 đồng/kg, người trồng cam thu được 100 – 150 triệu đồng/ha, nhưng vụ cam này lại gặp khó khăn trong tiêu thụ.
Trong khi đó, cuối tháng 2 vừa qua, huyện Mê Linh (Hà Nội) cũng cho biết, có khoảng 600 tấn củ cải đến thời điểm thu hoạch, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tiêu thụ chậm.
Lên mạng mua nông sản: Chấm dứt củ cải đổ sông, bắp cải thối đồng
Thực tế, tại xã Tráng Việt (huyện Mê Linh), củ cải ế thối đầy đồng, người nông dân đem ô tô chở đổ bỏ xuống sông.
Tại thủ phủ trồng hoa Tây Tựu (Hà Nội), người nông dân cũng rớt nước mắt khi phải chặt bỏ hoa cúc hàng loạt, còn hoa ly thì bán giá rẻ chỉ bằng 1/2 so với thời điểm trong Tết.
Thời điểm hiện tại, người nông dân trồng ở thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định) không buồn thu hái dù cà chua chín đỏ ngoài ruộng, thậm chí nhiều gia đình còn chặt bỏ, để thối đầy đồng vì giá cà chua rớt thê thảm, còn 1.000 đồng/3kg. Nguyên nhân cũng bởi dịch Covid-19, nhiều địa phương thực hiện cách ly nên hàng hóa không thể lưu thông như trước.
Ở huyện Diễn Châu và huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), hàng trăm ha bắp cải đến kỳ thu hoạch cũng không có người mua, giá bắp cải giảm còn 2.000 đồng/kg, nông dân tại đây đang phải chặt bỏ thối đầy đồng.
Gian hàng trên mạng thay điểm giải cứu vỉa hè
Chia sẻ về câu chuyện nông sản rớt giá phải giải cứu, nhiều chuyên gia trong ngành nông nghiệp khẳng định, đây là vấn đề mà chúng ta thường xuyên thấy cách đây mấy năm. Còn vài năm trở lại đây, việc giải cứu đã giảm dần.
Đợt vừa qua do dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhất là ở tâm dịch Hải Dương. Song, tỉnh này phản ứng khá nhanh khi đề nghị các bộ ngành cùng địa phương khác vào cuộc hỗ trợ, họ cũng có đội phản ứng nhanh để giúp người dân kết nối tiêu thụ nông sản.
Song, các chuyên gia cũng cho rằng, giải cứu nông sản chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài cần phải có chuỗi liên kết, mở rộng thị trường, đưa nông sản vào chế biến sâu.
Lên mạng mua nông sản: Chấm dứt củ cải đổ sông, bắp cải thối đồng
Trao đổi với PV.VietNamNet, chuyên gia nghiên cứu thị trường Phạm Tất Thắng cho rằng, ngoài những giải pháp trên, chúng ta cần tính đến việc đưa nông sản của bà con nông dân lên các sản giao dịch thương mại điện tử.
Theo ông, người dân giờ hầu như ai cũng có điện thoại thông minh, thậm chí cả người nông dân cũng có. Thế nên, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử sẽ mở tiếp cận được nguồn khách hàng to lớn. Song, ông cho rằng, cần có một hệ thống logistics tốt để hỗ trợ người nông dân trong vấn đề bảo quản, vận chuyển.
Thực tế, năm 2020 khi dịch Covid-19 xảy ra, nhờ bán nông sản trên mạng xã hội, đưa nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử mà vợ chồng anh Phạm Văn Khang ở Tuy Đức (Đắk Nông) đã tiêu thụ được hết số lượng hạt mắc ca, chuối của gia đình mình, thậm chí có thời điểm còn “cháy hàng”.
Lên mạng mua nông sản: Chấm dứt củ cải đổ sông, bắp cải thối đồng
Để giải quyết một phần tình trạng trạng nông sản ế ẩm, bế tắc đầu ra, mà cụ thể là ở Hải Dương, Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) những ngày này chọn giải pháp ứng dụng công nghệ số để giúp các hộ nông dân bán nông sản cho người tiêu dùng thông qua sàn thương mại điện tử Vỏ Sò cũng như hệ thống logistics thông minh. Bằng cách này, Viettel Post nhận định sẽ đảm bảo được cả 2 yếu tố: giá tốt cho người nông dân và chất lượng cho người tiêu dùng.
Theo phương án đã được Viettel Post xây dựng, sau khi bà con nông dân đưa sản phẩm lên sàn Vỏ Sò, đơn vị sẽ gom tất cả các đơn hàng đó, ghép nông sản Hải Dương thành 1 tuyến, dùng xe ô tô vận chuyển theo lô và giao hàng tới tận tay người tiêu dùng.
Cán bộ của Chi nhánh Viettel Post Hải Dương đã trực tiếp đến tận vườn để hướng dẫn 15 người dân cách tạo gian hàng và đưa sản phẩm lên sàn Vỏ Sò. Việc hướng dẫn bà con nông dân Hải Dương sử dụng sàn thương mại điện tử, đồng thời hỗ trợ họ chụp ảnh, viết giới thiệu về các sản phẩm tiếp tục được Viettel Post triển khai trong ngày 4/3.
Đại diện Viettel Post cho biết, trong ngày 4/3 những gian hàng đầu tiên của bà con nông dân Hải Dương sẽ được tạo lập và đi vào hoạt động trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò.
Thời điểm hiện tại, các gian hàng bán nông sản Hải Dương trên sàn Vỏ Sò đã được mở, người dân có thể lên sàn mua trứng gà Cẩm Đông, gà đồi Chí Linh, ổi Thanh Hà, bắp cải, su hào chỉ bằng vài cú “gẩy tay” đơn giản. Đây đều là những nông sản đã được chứng nhận đủ tiêu chuẩn OCOP hoặc VietGap. 
Sau  voso.vn, còn nhiều trang thương mại điện tử đang vào cuộc để chuyển nông sản tươi  sống đến với người tiêu dùng, không chỉ hàng từ Hải Dương mà tất cả đặc sản mọi vùng miền sẽ có mặt ngày càng nhiều trên chợ mạng. Các bà nội trợ, mọi người dân hãy cùng lên mạng, chỉ cần 1 thao tác nhấp chuột đặt mua sẽ sắm đủ bữa ăn cho cả gia đình.
Việc mua hàng thật đơn giản, bạn chỉ cần vào trang thương mại điện tử (như voso.vn), chọn mặt hàng ưa thích, cung cấp địa chỉ giao hàng và thanh toán. Mọi việc còn lại đã có cả một ‘đội quân’ chuyên nghiệp lo hộ. Hàng sẽ đến nhà để chờ bán nấu bữa ăn ngon.
Đằng sau mỗi mặt hàng xuất hiện trên chợ mạng là cả một quy trình, hệ thống tuyển chọn, kiểm soát chất lượng, bảo quan và vận chuyển… đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, tươi ngon, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Tâm An
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM