Người làm nghề ướp trà sen Tây Hồ bận rộn mỗi khi vào mùa sen nở

Khi bắt đầu vào mùa sen, những người dân ở làng nghề ướp trà sen Quảng An lại trở nên bận rộn với công việc ướp trà sen thủ công đều đặn hàng năm. Trà sen không chỉ là bản sắc của Hà Nội mà còn trở thành một nét văn hoá truyền thống của người Việt.

Trà sen từ lâu đã trở thành một thức uống trang nhã, lịch sự lại thể hiện được nét tinh hoa trong văn hóa thưởng trà của người Việt. Trong đó, trà sen Tây Hồ – Hà Nội đã trở thành một thương hiệu ghi đậm dấu ấn từ lâu nay.

Cứ đến mùa sen nở là người làm nghề ướp trà sen ở phường Quảng An, Nhật Tân lại bắt đầu công việc ướp trà thủ đông đều đặn hàng năm.

Trà sen truyền thống Tây Hồ là loại trà ngon được ướp hương sống trong loài hoa sen trăm cánh cùng các hạt gạo sen. Việc ướp trà sen truyền thống được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Để có được ấm trà ngon, đượm vị, người nghệ nhân phải hết sức kiên nhẫn, tỉ mỉ, đặt hết tâm huyết và tình cảm vào từng hạt gạo sen, búp trà. 

Cần tới hơn 100 bông sen làm nguyên liệu cho trà sen Tây Hồ giá 50.000 đồng - Ảnh 1.

Vào mùa sen nay, vợ chồng anh Phi – chị Hương ở làng nghề ướp trà sen Tây Hồ, Quảng An đang khá bận rộn với công việc ướp trà sen truyền thống. Đều đặn buổi sáng, anh Phi lại chở sen từ đầm Trị, đầm Bảy về nhà, mỗi đợt khoảng vài trăm bông để làm trà sen.

Cần tới hơn 100 bông sen làm nguyên liệu cho trà sen Tây Hồ giá 50.000 đồng - Ảnh 2.

Sen dùng để ướp trà phải là loại sen Bách Diệp hồng ở Tây Hồ. Những bông hoa sen được hái từ sáng sớm để đảm bảo độ tươi và giữ được hương sen.

“Riêng làm trà sen, người nghệ nhân phải chọn hoa sen và lá trà thật cẩn thận. Sen Trắng, sen Cung Đình tuy rất thơm nhưng làm trà lại không bằng sen Bách Diệp Hồ Tây”, chị Thanh Hương, một người trẻ làm trà sen Tây Hồ, chia sẻ.

Lá sen cũng phải lựa “lá bánh tẻ”, có độ dày và độ dẻo vừa phải. Nếu lá to có thể gói được 6 búp trà, còn lá nhỏ hơn sẽ gói được 4 búp.

Cần tới hơn 100 bông sen làm nguyên liệu cho trà sen Tây Hồ giá 50.000 đồng - Ảnh 3.

Các công đoạn làm trà sen cũng rất cầu kì, tỉ mỉ. Để làm ra một kg trà sen, người nghệ nhân cần tới 100 – 120 bông sen dùng ướp trà. Trong đó, công đoạn khó nhất là lấy gạo sen, phải lấy thật nhanh, khéo léo để gạo sen trắng, không nát và giữ được mùi hương, sau đó phải sàng lọc kĩ để ướp trà.

Theo kinh nghiệm của chị Hương, lá trà và gạo sen được dải đều theo tỉ lệ 1:1, ví dụ một kg lá trà ủ cùng 55 – 60 bông gạo, đến lúc đưa trà vào hoa phải tương ứng 55 – 60 bông sen.

Trà sen sẽ được đem đi ủ trên chính những cánh sen trước đó đã tách bông, kiểu ủ như vậy vừa giữ được độ ấm cho trà, vừa dẫn được hương sen. Chị Hương cho biết, thường trà sen sẽ được ủ khoảng một ngày. Tuy nhiên, nếu thời tiết nóng thời gian ủ sẽ rút ngắn hơn còn nếu trời mát mẻ thời gian ủ sẽ nhiều hơn.

Cần tới hơn 100 bông sen làm nguyên liệu cho trà sen Tây Hồ giá 50.000 đồng - Ảnh 7.

Công đoạn tiếp theo, người nghệ nhân sẽ đong trà cho vào búp, sau đó gói một lớp lá sen, thắt kín bằng dây lạt. Bông sen sau khi ngậm trà sẽ cắm nước qua một đêm để cho hương sen thấm đều vào trà. Mỗi một búp sen như vậy sẽ pha được một ấm đầy.

Cần tới hơn 100 bông sen làm nguyên liệu cho trà sen Tây Hồ giá 50.000 đồng - Ảnh 8.

Ngoài trà búp ướp xổi thì trà khô cũng được bán nhiều trên thị trường. Tuy nhiên so với trà búp, giá trà khô rất đắt, mỗi một kg trà khô đã có giá từ 8 – 10 triệu đồng vì để làm loại trà này cần tới khoảng 1.000 bông sen.

Trà búp có giá mềm hơn rất nhiều, mỗi bông giá búp trên thị trường có giá giao động từ 30.000 – 60.000 đồng. Bên cạnh đó, giới trẻ hiện nay có xu hướng thích uống trà búp hơn, nước trà vẫn trong và xanh mà vị ngọt đượm.

Cần tới hơn 100 bông sen làm nguyên liệu cho trà sen Tây Hồ giá 50.000 đồng - Ảnh 9.

Theo lời chị Hương chia sẻ, nếu đúng vụ thì mỗi ngày nhà chị phải làm đều đặn ít nhất là 300 bông. Cũng vì có nhiều công đoạn và cần phải thật sự kiên nhẫn nên nếu có người pha lá, người vào chè, và người bọc lá thì làm sẽ nhanh hơn.

Công đoạn cuối cùng là đóng gói và hàn miệng túi. Sau khi đã niêm phong và dán nhãn mác thương hiệu, sản phẩm sẽ được đem bảo quản trong tủ đông. Trà sen có thể cất trữ trong tủ đông tới hai năm. Biện pháp bảo quản này sẽ giữ lại độ thơm ngon của trà.

Chị Hương cho biết, “Trà búp nếu ở ngoài tủ đông chỉ để được 4 – 5 tiếng rồi trà rất mau hỏng. Bên cạnh đó, túi trà dùng còn dở dang, sau sử dụng lại cũng sẽ không thơm như ban đầu”.

Cần tới hơn 100 bông sen làm nguyên liệu cho trà sen Tây Hồ giá 50.000 đồng - Ảnh 12.

Khách hàng chủ yếu tới mua trà sen là những người nội thành hoặc các tỉnh lân cận. Ngoài ra, trà sen truyền thống của làng nghề ướp trà Tây Hồ còn được vận chuyển ra Sài Gòn, Quảng Ngãi, Nha Trang hay Đà Nẵng nếu khách có nhu cầu biếu tặng.

Sản phẩm trên cũng được đem đi xuất khẩu sang các quốc gia khác nhưng chủ yếu là loại chè khô, có giá thành cao.

Cần tới hơn 100 bông sen làm nguyên liệu cho trà sen Tây Hồ giá 50.000 đồng - Ảnh 13.

“Tỉ mỉ, cẩn thận làm trà là vậy nhưng khách dùng trà quen rồi họ vẫn sẽ tìm đến vì trà ngon. Nếu trà không được nước, được hương nữa, người ta sẽ không quay lại mua”, chị Hương chia sẻ.

Trà sen khi pha sẽ lên nước trong và xanh, khi uống có vị chát của lá trà sau đó sẽ lưu lại vị ngọt dịu và hương thơm của sen.

Cần tới hơn 100 bông sen làm nguyên liệu cho trà sen Tây Hồ giá 50.000 đồng - Ảnh 14.

Một mùa vụ làm trà của vợ chồng chị Hương có thể kéo dài từ tháng rưỡi tới hai tháng. Một số gia đình khác thuộc làng nghề làm nhiều hơn thì có thể làm đến hết vụ.

“Đối với tôi, làm trà sen là để lưu giữ nét văn hóa truyền thống, và giá trị tinh hoa của làng nghề. Tôi cũng mong những việc mình làm hiện giờ có thể phần nào truyền cảm hứng cho thế hệ đời sau tiếp nối và giữ gìn”, chị Hương bày tỏ.

Tiểu Thu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM