Những bài tập thở cơ bản giúp cải thiện chức năng hô hấp cho F0

Theo Th.s, bác sĩ Vũ Tấn Thọ – Khoa Y, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ: Đối với cơ thể, việc trao đổi ôxy mang yếu tố quyết định sống còn, các bài tập thở luôn là những bài tập cơ bản nhất, giúp cải thiện tình trạng khó thở của những F0. Sau đây là một số cách, chúng ta có thể tập cải thiện khả năng hô hấp tại nhà.

Các bài tập thở cơ bản

Kiểu thở chúm môi hay còn gọi là thở mũi-miệng. Đây là kiểu tập thở cơ bản nhất giúp điều hòa ôxy, là nền tảng để phối hợp với các kiểu thở khác. Một nhịp thở thường có 3 thì: Thì hít vào, thì nín thở và thì thở ra.

Thì hít vào, hít bằng mũi cho đến khi cảm thấy vừa đủ lồng ngực hoặc bụng. Thì nín thở, chỉ áp dụng khi người bệnh không cảm thấy khó thở, mục đích giúp cho phổi có thời gian trao đổi ôxy tốt hơn. Thời gian nín thở tùy theo khả năng của mỗi người, có thể khởi đầu từ 3-5 giây, sau đó tăng dần đến 30-60 giây. Thì thở ra, chúm môi, thở miệng một cách từ từ đến khi không còn khí trong ngực, bụng.

Kiểu thở bụng: Mục đích nhằm tăng khả năng vận động của cơ hoành – cơ chủ đạo hô hấp, từ đó tăng thể tích hít vào. Kiểu thở này thường áp dụng ở tư thế ngồi, trường hợp người bệnh đang nằm, cần kê gối ở vùng gáy và khoeo chân. Kết hợp cùng kiểu thở chúm môi, hít vào bằng mũi sao cho ngực và bụng phình ra, tập nín thở, sau đó thở từ từ bằng miệng tương ứng ngực và bụng xẹp xuống. Có thể đặt tay lên bụng để cảm nhận sự di chuyển của thành bụng.

Kiểu thở ngực phối hợp động tác tay: Thường thực hiện khi đứng hoặc ngồi, giống như đang thực hiện một động tác thể dục. Việc phối hợp động tác tay sẽ giúp tăng và giảm thể tích lồng ngực được hiệu quả hơn, kèm theo đó là vận động cơ thể giúp dòng máu lưu thông. Thì hít vào bằng mũi, dang hai tay cao ngang đầu. Thì thở ra bằng miệng tương ứng khép tay sát vào người.

Kiểu thở với tư thế nằm sấp, đây là tư thế đặc biệt giúp người bệnh F0 tăng quá trình trao đổi ôxy ở phổi, cảm thấy dễ thở hơn mà không cần phải vận động. Tư thế nằm sấp trên giường phẳng, mặt nghiêng một bên, dùng ba gối chêm ở các vị trí: Đầu cổ, dưới khớp hông và cẳng bàn chân. Có thể thay đổi tư thế để tránh loét tì đè.

Tuy nhiên, không áp dụng tư thế nằm sấp đối với những trường hợp: Suy hô hấp với nhịp thở từ 35 lần/phút trở lên, khi cần đặt nội khí quản ngay, huyết động không ổn định, rối loạn nhịp tim, kích động hoặc rối loạn tri giác.

Một vài lưu ý đối với các bài tập thở cơ bản

Không cố gắng quá sức khi thực hiện mỗi động tác hít vào, nín thở, thở ra. Thời gian thở ra thường gấp đôi thời gian hít vào.

Luyện tập ít nhất 3 lần/ngày, mỗi lần tập từ 5-10 phút và tăng dần thời gian theo số ngày luyện tập.

Ghi nhớ thời gian cho từng thì hô hấp. Mỗi ngày hãy thử tăng thời gian cho mỗi thì hít vào, nín thở, thở ra để luyện tập các cơ hô hấp và tăng khả năng dãn nở của phổi.

Đối với trẻ nhỏ có thể cho bé tập thổi bong bóng hoặc chơi trò “thổi tắt nến”.

Tập trung suy nghĩ để kiểm soát động tác và cảm nhận theo hơi thở, giúp tăng hiệu quả hô hấp và thư giãn tâm trí sau thời gian làm việc căng thẳng.

Kiểu thở nâng cao có bốn thì: Hít vào – nín thở 1 – thở ra – nín thở 2 (từ 1 đến 2 giây) và thay thế thì nín thở 1 bằng cách duy trì động tác hít vào liên tục đến khi cần thở ra. Kiều thở này chỉ áp dụng khi đã thành thạo kiểu thở cơ bản và có thời gian luyện tập sau hơn 30 ngày.

An Nhiên/TH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM