Những loại trà tốt cho người bệnh hen suyễn

Hen suyễn là bệnh viêm mạn tính của đường hô hấp. Căn bệnh này khiến đường thở bị viêm, sưng phù và dễ bị co thắt khi gặp chất kích thích, các chất gây dị ứng. Do đó, người bệnh hen suyễn thường gặp phải các triệu chứng như khó thở, thở khò khè, ho, nặng ngực… rất khó chịu.
Dưới đây là 6 loại trà tốt cho người bị hen suyễn bạn có thể thử uống để giảm triệu chứng khó thở, nặng ngực…
Trà gừng
Gừng là một loại gia vị chứa nhiều dưỡng chất, các hợp chất có hoạt tính sinh học đặc biệt. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các hợp chất trong gừng như gingerol và shogaol có thể giúp làm giảm viêm đường thở, từ đó giúp làm giảm các triệu chứng hen suyễn.
Một nghiên cứu kéo dài 2 tháng trên 92 người bệnh hen suyễn cho thấy: Bổ sung 450mg chiết xuất gừng/ngày có thể giúp giảm tình trạng thở khò khè cho 20% người tham gia. Tình trạng nặng ngực cũng giảm bớt ở 52% người bệnh.
Bạn có thể tự pha trà gừng tại nhà, thêm chút chanh, mật ong hoặc quế cho dễ uống.
Trà xanh
Trà xanh có chứa nhiều dưỡng chất thực vật, đặc biệt là các chất chống oxy hóa có thể giúp giảm viêm phổi. Một nghiên cứu năm 2018 trên hơn 1.000 người cho thấy: Những người uống ít nhất 2 cốc (mỗi cốc 240ml) trà xanh mỗi ngày có chức năng phổi tốt hơn nhiều so với những người không có thói quen này.
Thêm vào đó, caffeine trong trà xanh có thể giúp thư giãn đường thở trong khoảng 4 tiếng, từ đó giúp tạm thời giảm nhẹ các triệu chứng khó thở, thở khò khè cho người bệnh hen suyễn.
Trà đen
Giống như trà xanh, trà đen cũng chứa caffeine giúp thư giãn đường thở, cải thiện chức năng phổi. Uống trà đen có thể giúp tạm thời giảm nhẹ các triệu chứng hen suyễn khó chịu.
Trà khuynh diệp (eucalyptus)
Lá khuynh diệp có chứa nhiều dưỡng chất thực vật, các chất chống oxy hóa mạnh mẽ như eucalyptol. Nhiều nghiên cứu cho thấy, eucalyptol có thể giúp giảm viêm, giảm sản sinh dịch nhầy và đặc biệt là giúp mở rộng các tiểu phế quản (các nhánh phế quản nhỏ) trong phổi.
Trong một nghiên cứu kéo dài 12 tuần, 32 người bị hen phế quản đã được cho dùng 600mg eucalyptol hoặc giả dược mỗi ngày. Kết quả cho thấy, những người dùng eucalyptol đã giảm được tới 36% các loại thuốc kiểm soát triệu chứng. Tỷ lệ này ở nhóm đối chứng chỉ là 7%.
Trà cam thảo
Từ lâu, rễ cam thảo đã được dùng nhiều trong y học cổ truyền, giúp khắc phục một số dạng bệnh tật, trong đó có hen suyễn.
Nhiều nghiên cứu trên động vật cho thấy, glycyrrhizin trong cam thảo có thể giúp làm giảm các triệu chứng bệnh hen suyễn, đặc biệt hiệu quả khi kết hợp với các thuốc điều trị thông thường như salbutamol (albuterol).
Tuy nhiên, việc uống quá nhiều trà cam thảo có thể dẫn tới một số tác dụng phụ khó chịu. Do đó, bạn không nên uống quá 1 cốc trà cam thảo (khoảng 240ml)/ngày.
Trà thảo bản bông vàng (mullein)
Đây là loại trà được làm từ lá cây thảo bản bông vàng (Verbasscum thapus). Loại thảo dược này từ lâu đã được sử dụng để khắc phục các bệnh đường hô hấp như viêm phế quản hay hen suyễn.
Nhiều nghiên cứu trên động vật và người cho thấy, thảo bản bông vàng có thể giúp giảm viêm, thư giãn các cơ trong đường hô hấp, từ đó giúp giảm các triệu chứng hen suyễn như ho, khó thở, thở khò khè…
Vi Bùi H+ (Theo Healthline)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM