Những thực phẩm giúp tăng cường nội tiết tố cho phụ nữ sau 30 tuổi

Estrogen là nội tiết tố đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì vẻ đẹp của người phụ nữ. Việc suy giảm lượng hormone này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe, sắc đẹp và sinh lý.
Thông thường, nồng độ estrogen sẽ tăng dần theo thời gian khi phụ nữ bước vào độ tuổi sinh sản, để giúp điều hòa kinh nguyệt. Sau đó, khi phụ nữ đến thời kỳ mãn kinh, hàm lượng hormone này sẽ suy giảm đáng kể, dẫn đến một số triệu chứng như dễ nổi nóng hay đổ mồ hôi đêm.
Đôi khi, lượng estrogen được sản sinh từ buồng trứng có thể không đủ để thực hiện tốt các nhiệm vụ của chúng. Lúc này, bạn sẽ cần bổ sung nhóm nội tiết tố nữ này từ bên ngoài. Theo nhiều chuyên gia, biện pháp bổ sung tốt nhất là thông qua thực phẩm tiêu thụ hàng ngày.
Dưới đây là 8 thực phẩm nên bổ sung để cân bằng nội tiết phụ nữ:
Hạt lanh
Trong nhiều năm gần đây, hạt lanh đã trở thành một trong những thực phẩm lành mạnh được ưa chuộng nhờ lượng protein và chất xơ dồi dào. Tuy nhiên, ít ai biết rằng hàm lượng phytoestrogen trong loại hạt trên cũng nhiều không kém.
Hạt lanh chứa rất nhiều lignan, một dạng phytoestrogen. Theo ước tính từ các chuyên gia dinh dưỡng, hàm lượng lignan trong hạt lanh có thể cao gấp 800 lần so với những loại thực vật khác.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu còn chứng minh lượng phytoestrogen trong hạt lanh đóng vai trò thiết yếu trong việc giảm thiểu nguy cơ phát sinh ung thư vú, đặc biệt ở phụ nữ sau mãn kinh.
Bông cải xanh
Bông cải xanh là một loại cây họ cải, có công dụng cân bằng hormone và tăng cường sức đề kháng. Cụ thể, trong thành phần rau chứa hàm lượng lớn phytonutrient nên giúp cân bằng nồng độ estrogen hiệu quả. Ngoài ra, bông cải xanh giàu canxi, có công dụng làm giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt, có lợi cho hệ thống xương khớp và phòng ngừa nhiều bệnh nguy hiểm.
Mè vừng
Vừng hay mè là những hạt nhỏ giàu chất xơ, thường được kết hợp nhiều trong các món Á nhằm tăng hương vị món ăn. Ở Việt Nam, hạt vừng vô cùng phổ biến.
Tuy vậy, ít người biết rằng hạt mè cũng nằm trong số những thực phẩm giàu estrogen. Theo kết quả từ một nghiên cứu, tác dụng của bột mè có thể ảnh hưởng tích cực đến nồng độ estrogen ở phụ nữ mãn kinh.
Cụ thể hơn, sau khi các tình nguyện viên dùng 50g bột mè mỗi ngày trong 35 ngày, khả năng hoạt động của estrogen đã tăng lên đáng kể so với trước đó. Đồng thời, chỉ số cholesterol trong máu của họ cũng có dấu hiệu cải thiện.
Bí đỏ
Trong thành phần bí đỏ chứa nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin E – một loại nguyên tố có thể kích thích tiết estrogen trong cơ thể. Phụ nữ nên ăn nhiều bí đỏ để giúp bảo dưỡng buồng trứng, làm đẹp da, làm chậm quá trình lão hóa và tăng cường khả năng miễn dịch.
Cải xoăn
Cải xoăn được đánh giá là một loại rau xanh giúp cân bằng hàm lượng hormone trong cơ thể. Hàm lượng phytoestrogen – một loại chất chống oxy hóa trong cải xoăn có công dụng cân bằng nồng độ cortisol, kiểm soát lượng đường trong máu, điều chỉnh quá trình trao đổi chất và giảm tình trạng viêm.
Rau bina
Theo Boldsky, nồng độ estrogen tăng cao là nguyên nhân hình thành mô ở vú, tử cung và tuyến yên, từ đó phát triển thành khối u ở vú và buồng trứng. Tương tự như rau cải xoăn, rau bina cũng chứa nhiều phytoestrogen, giúp gắn kết các thụ thể estrogen trong cơ thể một cách tự nhiên, do đó giúp phòng ngừa và điều trị nhiều bệnh nguy hiểm.
Qủa đào
Đào cũng được đánh giá là thực phẩm giàu estrogen với lượng lignan dồi dào. Bên cạnh đó, khi nhắc về giá trị dinh dưỡng của loại hoa quả này, bạn không thể không kể đến hàm lượng vitamin và khoáng chất có trong đó.
Theo phân tích của các chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn giàu lignan có khả năng giảm 15% nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ sau mãn kinh. Điều này có thể liên quan đến một tác dụng của lignan ảnh hưởng lên quá trình sản sinh estrogen. Vì vậy, ngoài hạt lanh, bạn cũng nên cân nhắc bổ sung đào vào chế độ ăn uống nhé.
Bột mì nguyên cám
Ngoài hạt lanh và đào, cám mì cũng là một nguồn cung cấp lignan dồi dào. Tuy nhiên, bạn cần cân nhắc việc bổ sung estrogen bằng cám mì vì lượng lớn chất xơ trong đây có nguy cơ gây giảm nồng độ hormone estrogen của người dùng.
Mặt khác, các chuyên gia cũng cần thêm nhiều bằng chứng khoa học về ảnh hưởng của cám mì đối với hàm lượng estrogen trong cơ thể người.
Hà Phương/TH
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM