Phát hiện sớm bệnh glôcôm để tránh hệ lụy

Bệnh glôcôm còn gọi là thiên đầu thống hay chứng tăng nhãn áp. Áp lực trong mắt (nhãn áp) tăng cao làm dây thần kinh thị giác kết nối mắt với não bị tổn thương.

Bệnh có thể dẫn đến mất thị lực (mù lòa) nếu không được phát hiện và điều trị sớm.

Ai dễ mắc bệnh glôcôm?

Tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi và ở mọi chủng tộc cũng có thể bị glôcôm. Thông thường những người lớn tuổi dễ bị bệnh glôcôm hơn ở trẻ em. Tuy nhiên, một số nhóm người có nguy cơ cao dễ mắc bệnh và cần được kiểm tra mắt thường xuyên là: những người trên 35 tuổi; tuổi càng cao, khả năng bị glôcôm càng lớn; những người ruột thịt của bệnh nhân glôcôm; người có tiền sử dùng steroid kéo dài (tra mắt hoặc toàn thân); những bệnh nhân có bệnh toàn thân như: đái tháo đường, tăng huyết áp…

Ngoài ra, những người có nhãn cầu nhỏ như bị viễn thị nặng, giác mạc nhỏ, tiền phòng nông hoặc những người dễ xúc cảm, hay lo âu là cơ địa thuận lợi để xuất hiện cơn glôcôm.

Khi có dấu hiệu mắc glôcôm, nhất thiết phải đi khám định kỳ để được các bác sĩ nhãn khoa tư vấn.

Dấu hiệu nhận biết và hệ lụy

Bệnh khởi phát đột ngột, có thể xảy ra sau một số yếu tố phát động như xúc động mạnh, dùng thuốc toàn thân, tại mắt có tác dụng hủy phó giao cảm hoặc cường alpha giao cảm….

Đột nhiên bệnh nhân thấy đau nhức mắt, nhức xung quanh hố mắt, nhức lan lên nửa đầu cùng bên. Kèm theo bệnh nhân nhìn thấy mờ nhiều, nhìn đèn có quầng xanh đỏ. Đôi khi bệnh nhân thấy sợ ánh sáng, chảy nước mắt nhưng không tiết rử mắt.

Mi mắt sưng nề, mắt đỏ theo kiểu cương tụ rìa, giác mạc phù nề, mờ đục, có bọng biểu mô, tiền phòng nông, đồng tử giãn méo mó, mất phản xạ với ánh sáng, thể thủy tinh phù nề, đục màu xanh lơ, có thể có các vết rạn bao trước, dịch kính phù nề. Đáy mắt trong cơn cấp diễn khó soi được do phù nề các môi trường trong suốt, những trường hợp soi được đáy mắt thấy gai thị hồng có thể có xuất huyết quanh gai.

Bệnh glôcôm xuất hiện âm thầm, tiến triển chậm trong thời gian dài, nhiều người bệnh không cảm thấy đau nhức mắt, một số trường hợp đôi khi thấy mắt căng tức nhẹ thoáng qua hoặc nhức quanh hốc mắt. Trong giai đoạn đầu, các triệu chứng xuất hiện ít và khó phát hiện. Theo thời gian, bệnh có thể tiến triển nặng lên gây suy giảm thị lực nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến mù lòa.

Khi có một hay cùng một lúc xuất hiện các triệu chứng trên, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để kiểm tra, chẩn đoán bệnh. Bác sĩ sẽ cho đo thị lực, nhãn áp, khám thần kinh thị giác, soi góc tiền phòng và cho làm các chẩn đoán hình ảnh như đo thị trường, chụp hình ảnh đánh giá lớp sợi thần kinh… để xác định bạn có những tổn thương do glôcôm hay không?

Vì bệnh glôcôm là bệnh gây giảm thị lực vĩnh viễn, do đó việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm (khi thần kinh thị giác chưa bị tổn thương nhiều) sẽ giúp người bệnh bảo tồn được thị lực tốt hơn.

Điều trị và phòng bệnh

Điều trị phẫu thuật được chỉ định cho mọi giai đoạn bệnh. Điều trị nội khoa chỉ được chỉ định tạm thời trong những trường hợp cấp cứu cũng như trong thời gian chờ đợi phẫu thuật, hoặc những trường hợp bệnh nhân có tình trạng bệnh toàn thân nặng không có khả năng điều trị phẫu thuật.

Mục đích của việc điều trị glôcôm là ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác. Bệnh nhân khi mắc bệnh glôcôm, nhất thiết phải đi khám định kỳ, được các bác sĩ nhãn khoa tư vấn, theo dõi thường xuyên theo một quy trình chặt chẽ nhằm kiểm soát được diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác.

Các bác sĩ khuyên, bệnh glôcôm có yếu tố di truyền, nên người bệnh và những người ruột thịt của người bệnh cần có kiến thức để phát hiện bệnh glôcôm sớm và đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để có phương pháp điều trị kịp thời.      

TH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM