Quê hương, cội nguồn để cân bằng cuộc sống

‘Bất cứ khi nào gặp điều gì đó trong cuộc đời của mình, việc đầu tiên là tìm mọi cách để trở về quê nhà gặp mọi người, hoặc chỉ cần nhìn thấy những con đường quê thôi thì như được tiếp thêm nghị lực, nguồn sống rất là bình yên, ấm áp’.

MC Thảo Vân của nhiều chương trình truyền hình nổi tiếng trong đó có Táo quân đã chia sẻ cảm xúc như vậy tại chủ đề Người quê ra tỉnh của Quán thanh xuân tháng 3/2021 vừa phát sóng trên VTV1 đêm 7/3.

Các nghệ sĩ khách mời cùng MC Diễm Quỳnh, Anh Tuấn của Quán thanh xuân

NSND Trọng Trinh quê Nghệ An, anh chia sẻ: Tôi sinh ra ở Nam Đàn, 18 tháng tuổi cha đưa ra Hà Nội. Tuổi thơ của anh ở miền quê nhiều hơn so với Hà Nội. Những năm 60 – 70 của thế kỷ trước là những năm tháng chiến tranh, Trọng Trinh phải đi sơ tán. Sau khi tôi về Hà Nội học, năm 1972 khi hiệp định Paris được ký kết.

Nhà tôi khi ấy cũng như hội vì gần ga Hàng Cỏ, mọi người đi học, đi làm hoặc đi các tỉnh khác đều về nhà tôi cả. Mẹ tôi thường nấu nồi cơm rất to. Ngày xưa hãnh diện lắm vì là…người thành phố. Khóa tôi học đa phần là người Hà Nội như Trung Anh, Lan Hương… Các bạn đến lớp áo quần rất đẹp còn tôi thì chỉ có một cái quần đẹp nhất để diện nên mặc cả tuần. Chính vì hoàn cảnh đó nên mình phải cố gắng để chinh phục tất cả các bạn diễn…nữ bằng cách học tốt, diễn tốt. Cho nên mỗi lần trả bài thì các bạn nữ rất thích kết hợp với mình bởi vì bao giờ cũng được điểm cao.

Trong khi đó, NSND Thanh Ngoan cho biết chị từ Thái Bình lên Hà Nội năm 13 tuổi. Như người ngày xưa vẫn nói, khi đó chị được “thoát ly”. Đặc biệt, NSND Thanh Ngoan kể: Anh Trần Lực (NSUT Trần Lực) trên tầng 2, Thanh Ngoan khi ấy mới vào cùng khoảng 37 học sinh khác ở tầng 1.

NSND Thanh Ngoan (bên trái): ‘Tôi ở tuổi 13 nhưng Trần Lực hơn 3-4 tuổi nên đang ở tuổi đẹp nhất. Chúng tôi có kỷ niệm là không dám nhìn thẳng vào mặt nhau mặc dù mình còn trẻ con. Mọi người đi qua chỉ dám nhìn cái bóng của nhau thôi, nhớ mùi hương của nhau thôi. Xưa con gái chúng tôi hay gội đầu bằng bồ kết cùng lá bưởi, nghe các anh chị lớn hơn bảo với nhau là thơm lắm. Chính anh Trần Lực và bạn anh ấy ở Hà Nội thường bảo rằng rất thích cái mùi quê này.

Có mặt tại chương trình, NSUT Trần Lực hóm hỉnh: Ngày xưa tôi nhìn thấy Thanh Ngoan đó là một cô gái bé xíu quàng khăn đỏ, mặc chiếc áo xanh và quần… tím. Nhờ năng khiếu đặc biệt về giọng hát nên Thanh Ngoan được thoát ly và đi học nghệ thuật. Tôi còn nói với các bạn “ơ con bé này nhỏ thế mà mồm to nhỉ?”. Thảo Vân là người dạy tiếng Anh cho tôi đầu tiên.

NSUT Trần Lực

Ca sĩ Phương Thanh lại kể: Tôi rời quê Thanh Hóa từ bé, khoảng 4-5 tuổi. Lúc ấy có một cơn bão, nhà cửa sập hết. Nhà có anh hai làm lái xe cho TTXVN thì được cấp một căn nhà chung cư trong Sài Gòn, vậy là cả nhà mới chia ra làm hai: mẹ, chị, em đi trước; bố và tôi đi chuyến sau. Bố tôi dẫn tôi đi từ quê ra đến ga Yên Thái, sau đó thảy lên cái cửa sổ của toa tàu. Khi đó 1-2 giờ sáng, trẻ con đông, tôi ban đầu cũng sợ nhưng rồi mệt quá, ngủ thiếp đi. Sau đó bố đi tìm tất cả các toa, may rồi thấy tôi. Chỉ sợ khi ấy bố không tìm thấy thì không biết Phương Thanh giờ ở đâu.

Ca sĩ Phương Thanh

Đặc biệt trong chương trình, MC Thảo Vân cho biết, khi còn nhỏ học ở Lạng Sơn hay tham gia các chương trình văn nghệ ở trường, cùng các chú bộ đội đóng quân ở các đơn vị tại Lạng Sơn. Sau đó được các chú ở nghệ thuật Quân khu 1 tìm về đến tận nhà, được mời về đoàn và đặc cách mang hàm thiếu úy.

Ấn tượng đầu tiên với Hà Nội của Thảo Vân là xích lô. Bố của một bạn dẫn xuống đi nhập học cho ngồi xích lô, cứ đi mãi đi mãi mới tới trường. “Những bữa cơm của người Hà Nội thì ăn cái gì cũng một tí, những miếng thịt thì mỏng dính còn người Lạng Sơn nhà mình thì miếng dày cộp. Đúng là người Hà Nội thanh lịch. Sau đấy được đến nhà một người bạn thì lần đầu tiên mới biết toilet có xí bệt và bạn phải hướng dẫn từng tí một sử dụng thế nào’ – Thảo Vân hóm hỉnh kể lại.

MC Thảo Vân: Tôi chia tay bạn bè và lên đường đến Đoàn nghệ thuật Quân khu 1 ở Thái Nguyên. Ở đến ngày thứ 10 thì thấy anh rể tự dưng xuất hiện, anh bảo đón về đi học Đại học. Khi đi lên Đoàn Quân khu 1 thì giấy báo trúng tuyển đại học mới gửi tới nhà. Lúc ấy anh rể là người quyết định lên đón tôi về học đại học chứ không theo nghệ thuật nữa. Vậy là tôi trở thành sinh viên của trường Sư phạm ngoại ngữ tại Hà Nội. Cả nhà chỉ có một mình tôi đi học đại học, nhà có 8 anh chị em.

Nữ MC của ‘Táo quân’ cho biết thêm: Bất cứ khi nào gặp điều gì đó phải gặp trong cuộc đời của mình, việc đầu tiên là tìm mọi cách để trở về quê nhà gặp mọi người, hoặc chỉ cần nhìn thấy những con đường quê thôi thì như được tiếp thêm nghị lực, nguồn sống rất là bình yên, ấm áp. Nói như vậy không có nghĩa những ngày ở Hà Nội không được như vậy, tuy nhiên đó là hai cảm xúc hoàn toàn khác nhau.

Nhà báo Quỳnh Hương

Nhà báo Quỳnh Hương từ Thái Nguyên lên Hà Nội đi học khi 18 tuổi. Trong suy nghĩ của chị, Hà Nội là một thế giới rất rộng lớn, mình như con cá nhỏ bơi ra biển lớn. Biểu tượng của sự xa hoa, phồn vinh và nhộn nhịp nhất ở khách sạn Dewoo. ‘Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một cái gì cao, to, rực rỡ như thế. Ấn tượng đầu tiên nữa là mùi của Hà Nội. Tôi bắt đầu ngửi được mùi của Hà Nội từ đoàn tàu hỏa từ Thái Nguyên về ga Long Biên, ở dưới phố Gầm Cầu thì có mùi bếp dầu mọi người xào nấu các món, trong khi ở quê tôi là đun củi và đun bằng lá cây. Ngửi mùi bếp dầu khiến tôi có gì đó bị ám ảnh, sau này mặc định cứ ngửi thấy mùi bếp dầu thì đấy là Hà Nội’.

Nhà báo Hồ Viết Thịnh quê Nghệ An lại chia sẻ cảm giác của một trai quê khi mới ra thành phố thấy Hà Nội cực kỳ ồn ào, như một vòng xoay chuyển động liên tục.

Nhà báo Hồ Viết Thịnh (người cầm micro): Ký ức nhớ nhất là những lần tôi bắt xe bus. Lúc đầu cứ đứng trên đường thấy xe bus chạy qua chạy lại mà không dừng lại. Có một bạn đứng gần liền bảo tôi phải đứng ở điểm chờ của xe bus thì xe mới dừng chứ không đứng vẫy như xe khách được đâu. Sau đó thì tôi lại đi bus nhầm tuyến, đi vòng vòng mãi từ trưa đến chiều tối mới về được đến nhà.

“Những sinh viên như chúng tôi khi ra Hà Nội là đói. Cái đói ở đây triền miên nên bố mẹ gửi tiền ở quê ra là bạn bè rủ nhau đi ăn…bù. Có lần hai đứa bạn đến nhà chơi, tôi kiểm tra tài sản thì chỉ còn 5 ngàn trong túi, 3 quả trứng và 1 gói mì tôm. Thế là tôi lấy 5 ngàn đi mua bó rau muống về luộc, trần gói mì tôm rồi vớt ra, đập 3 qua trứng ra rán cho vào cái chảo to để 4 người cùng ăn” – nam nhà báo hồi tưởng những ngày từ quê ra Hà Nội học đại học.

Những chia sẻ và các câu chuyện kể trên của các nghệ sĩ ở Quán thanh xuân tháng 3, dù có buồn có vui nhưng họ đã giúp khán giả nhận ra rằng, dường như quê hương cội nguồn có một sức mạnh bí ẩn nào đó, luôn là điểm tựa để mỗi người tìm về để thương yêu, cân bằng cuộc sống.

Quỳnh Hoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM