Robot hỗ trợ khử khuẩn tại bệnh viện dã chiến

Robot khử khuẩn bằng tia UV, có khả năng tự hành hoàn toàn, giúp giảm tải cho đội y tế tại bệnh viễn dã chiến ở Bắc Giang.
Mẫu robot này vừa được đưa đến Bắc Giang trong những ngày đầu tháng 6. Robot được thiết kế theo dạng tách rời, gồm một module xe tự hành (AGV), kết hợp cùng một module chuyên khử khuẩn có thể chứa đèn UVC, thiết bị phun dung dịch khử khuẩn, khoang chứa đồ. Khi công việc khử khuẩn được hoàn thành, phần AGV sẽ hỗ trợ vận chuyển hàng hóa, thuốc men, nhu yếu phẩm trong bệnh viện. Phiên bản dùng tại bệnh viện dã chiến ở Bắc Giang tập trung vào khử khuẩn bằng tia cực tím.
Robot khử khuẩn tại bệnh viện dã chiến ở Bắc Giang. Ảnh: Phenikaa

Robot khử khuẩn tại bệnh viện dã chiến ở Bắc Giang. Ảnh: Phenikaa

Theo Tiến sĩ Lê Anh Sơn, đại diện Phenikaa – đơn vị phát triển robot và tối ưu theo đề xuất của các bác sĩ đang trực tiếp chống dịch tại Bắc Giang, điểm nổi bật của sản phẩm này nằm ở khả năng vận hành đơn giản. Do các kỹ sư vận hành không thể đến vùng dịch, robot được thiết kế để các bác sĩ có thể sử dụng ngay, với một nút bật/tắt duy nhất.
Robot có trọng lượng 150 kg, cao 1,55 mét, sử dụng công nghệ định hướng bằng “Line từ” – tức là di chuyển theo các đường vạch sẵn. Tiến sĩ Sơn cho biết với yêu cầu của các bác sĩ, đơn vị quyết định chọn công nghệ line từ thay vì công nghệ quét laser để có độ ổn định cao và dễ dàng thực hiện. “Chỉ cần dán line từ lên những nơi cần khử khuẩn và bấm nút, robot sẽ hoạt động ngay”, ông Sơn nói.
Line từ được dán trên mặt sàn để dẫn hướng robot, theo một lộ trình được thiết kế bởi các bác sĩ có chuyên môn trong lĩnh vực khử khuẩn. Tốc độ di chuyển của robot là 0,5 mét/giây, đủ để vừa di chuyển vừa diệt khuẩn toàn bộ xung quanh. Thời lượng pin của máy đạt 4 tiếng khi vừa phát tia UV và phun sương.
Đường đi của robot theo đề xuất từ các bác sĩ.

Đường đi của robot theo đề xuất từ các bác sĩ.

Công nghệ diệt khuẩn chính được sử dụng là tia cực tím UVC – được hầu hết các bệnh viện hiện nay sử dụng để diệt khuẩn bề mặt. Bộ phát tia UVC trên robot có khả năng phát hiện người trong bán kính một mét, để tự ngắt tia cực tím, tránh tác động không tốt đến người xung quanh.
Điểm hạn chế của robot là chỉ di chuyển trong các khu vực có đường Line từ vạch sẵn. Ông Sơn cho biết, do bệnh viện ở Bắc Giang có quy mô lớn, lượng Line từ 250 mét ban đầu không đủ. Đơn vị triển khai phải gom từ nhiều nơi và có thêm 500 mét Line từ nữa để robot có thể đi khắp bệnh viện.
Việc sử dụng robot đã giúp giảm nhân lực khử khuẩn, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.
Thời gian qua, nhiều công nghệ đã được ứng dụng tại Bắc Giang phục vụ việc phòng, chống Covid-19, như bản đồ dịch tễ điện tử, công cụ đánh giá nguy cơ lây nhiễm, các ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần, khai báo y tế… Ở Việt Nam, từ năm 2020 đến nay, nhiều công nghệ tự động đã được phát triển để ứng dụng trong thời dịch, như robot phát hiện người không đeo khẩu trangnhận diện mặt ở “ATM gạo”, robot khử khuẩn… Một số mẫu robot khử khuẩn trước đây sử dụng sóng vô tuyến cho phép điều khiển từ xa, nhưng độ ổn định chưa cao và cần người vận hành.
Trên thế giới, khử khuẩn bằng robot đang là giải pháp được nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc, áp dụng nhằm hỗ trợ con người trong việc đối phó với Covid-19. Theo tạp chí Science Robotics, khi dịch bệnh leo thang, vai trò của robot ngày càng trở nên rõ ràng. Một trong những lĩnh vực mà robot tạo ra sự khác biệt là hỗ trợ khử trùng. “Thay vì khử trùng thủ công, đòi hỏi nhân công và làm tăng nguy cơ tiếp xúc dịch bệnh, robot sẽ giúp khử trùng hiệu quả hơn, nhanh và tiết kiệm chi phí hơn. Các loại robot với nhiều kích thước khác nhau có thể giúp khử trùng tại mọi khu vực và đặc biệt chúng có thể làm việc liên tục”, các chuyên gia của trang này kết luận.
Lưu Quý
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM