Về quê ngoại ăn Tết: Tư tưởng tiến bộ của nhiều gia đình Việt
Hiện nay, để vợ về quê ngoại ăn Tết không còn là điều gì quá mới mẻ và xa lạ. Tại nhiều gia đình, đây được coi là một tư tưởng tiến bộ nhận được nhiều sự ủng hộ.
Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng của dân tộc Việt Nam, là cơ hội để các thành viên trong gia đình quây quần, đoàn tụ. Nếu như trước đây, “thuyền theo lái, gái theo chồng”, con dâu về nhà chồng phải lo toan, gánh vác mọi công việc, đặc biệt là vào các dịp lễ Tết thì ngày nay, tư tưởng ấy đã trở nên thoải mái hơn rất nhiều.
Ngày nay, phụ nữ không còn phải nhất thiết tuân thủ theo quy tắc “mồng một tết nội, mồng hai tết ngoại” mà có thể được đón Tết trọn vẹn cùng gia đình bên ngoại.
Trả lời trên Gia đình xã hội trước đó, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất – Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý An Việt Sơn cho biết Tết đến là dịp các gia đình đoàn tụ, ai cũng mong muốn sẽ được ở bên những người thân ruột thịt của mình. Mong muốn được chia đều Tết cho bên nội – bên ngoại là rất chính đáng. Trước đây, quan niệm “lấy chồng phải theo chồng” nên không ít người chồng suy nghĩ Tết phải ở bên nhà nội còn bỏ mặc ông bà ngoại. Dẫu ông bà ngoại có buồn thì cũng chẳng dám trách bởi “con gái đã là con người ta”. Tuy nhiên bây giờ, quan niệm và cuộc sống cũng đã thay đổi, mọi người cần đã có nhìn nhận khác.
Theo chuyên gia, trước khi đưa ra quyết định ăn Tết bên nào, vợ chồng cần có sự bàn bạc, lên kế hoạch từ trước. Nếu điều kiện thuận lợi, cả hai có thể cùng chia thời gian hợp lý để về được cả nhà nội và ngoại, còn không có thể thổng nhất với nhau năm nay ăn Tết bên này thì sang năm về bên kia. Nhất là người chồng cần phải cân đối chứ không nên phân biệt nội, ngoại.
Hình minh họa.
Chỉ năm đầu tiên về làm dâu đón Tết cùng gia đình bên nội
Chia sẻ về câu chuyện của mình với PV, chị N.T. D. (30 tuổi, Bắc Ninh) cho biết mình lập gia đình năm 2015 và sinh luôn em bé. Do con nhỏ nên chỉ năm đầu tiên về làm dâu, chị đón Tết cùng ông bà nội. Sau khi con lớn, các năm về sau, chị vẫn được đón Tết tại nhà ngoại với sự ủng hộ từ chồng và bố mẹ chồng.
“Tôi may mắn gặp được gia đình nhà chồng rất tâm lý nên từ khi lấy chồng, chỉ năm đầu tiên tôi đón Tết cùng nhà nội”, chị D. chia sẻ.
Theo chị D., nhà đẻ của chị rất neo người, bố mất sớm, chỉ còn mình mẹ và 2 em. Hằng năm, những ngày cận Tết, chị sẽ lo liệu sắm sửa Tết, thực hiện các nghi thức cúng bái ở nhà nội trước, sau đó, chiều 30 sẽ về quê đón Tết cùng mẹ và các em.
Biết hoàn cảnh của gia đình bên ngoại nên chồng và bố mẹ chồng chị không những không trách móc mà còn khuyến khích, động viên con.
“Ông bà rất thoải mái để con dâu về ngoại ăn Tết bởi cả năm đã ở cùng nhau, việc lớn nhỏ trong nhà con dâu đều phụ giúp nên mấy ngày Tết nên ông bà muốn con được về đoàn viên với gia đình bên ngoại, cũng là cơ hội để cháu về thăm bà ngoại. Khi đó, ông bà nội ở trên này sẽ thoải mái đi du lịch, nghỉ dưỡng”, chị D. chia sẻ.
Chia nhau về quê ăn Tết
Chị N.N.T. (33 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) cũng hào hứng chia sẻ niềm vui khi năm nay, chị cùng các con được về ông bà ngoại đón Tết.
Gia đình hạnh phúc của chị T..
Chị T. quê ở Thanh Hóa, lấy chồng cùng quê cách nhà đẻ 60 km, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Cả hai vợ chồng chị T. đều công tác trong ngành y tế. Mặc dù có nhà riêng tại Hà Nội nhưng năm nào gia đình chị cũng về quê đón Tết cùng ông bà nội tại quê Thanh Hóa. Gần 10 năm theo chồng, trừ lúc con nhỏ mới sinh, đã 8 cái Tết chị T. không được đón năm mới cùng bố mẹ đẻ.
“Thuyền theo lái, gái theo chồng, mình về quê nội đón Tết cùng ông bà là việc đương nhiên. Nhưng nhiều khi nghĩ cũng tủi, vì nhà mình chỉ có hai chị em, em trai đi làm xa trong Nam nên ít về, ở nhà chỉ có 2 ông bà ngoại lủi thủi đón Tết”.
Năm nay, chị T. cùng các con được về đón Tết cùng ông bà ngoại khiến chị T. hào hứng, vui mừng khôn siết.
Về phần chồng, do đặc thù công việc tại Trung tâm cấp cứu 115 nên năm nào anh cũng phải trực chính Tết nên không đón năm mới cùng gia đình được. Nhưng anh là người rất tình cảm, hiểu và thương vợ cũng như rất biết cách sắp xếp để có thể hài hòa được đôi bên gia đình. Năm nay, hai vợ chồng thống nhất, chia nhau về nội, ngoại cho hợp lý. Sau khi trực Tết xong, chồng chị sẽ về ăn Tết với ông bà nội cho ấm cúng, sau đó sẽ sang bên ngoại chúc Tết và đón vợ và các con lên Hà Nội .
Về phần bố mẹ chồng, theo chị T. chia sẻ, ông bà cũng rất hiểu và thông cảm cho các con nên rất vui vẻ để con dâu về nhà ngoại ăn Tết.
Có thể thấy, không chỉ chị D. và gia đình chị T. mà hiện nay, tư tưởng về nhà ngoại ăn Tết đã trở nên thoáng hơn rất nhiều, miễn sao hai vợ chồng sắp xếp hợp lý vì dù sao, bên nội hay bên ngoại thì đó đều là gia đình, là nơi để chúng ta quây quần đoàn viên.
Thùy Dương