KHÔNG CHỦ QUAN VỚI BỆNH TIỂU ĐƯỜNG
Đái tháo đường (hay còn gọi là bệnh tiểu đường) là một trong những căn bệnh mạn tính phổ biến. Chính vì sự phổ biến ấy mà tổ chức IDF đã chọn ngày 14/11 hàng năm là Ngày Đái tháo đường thế giới.
Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường đang gia tăng nhanh chóng. Đáng chú ý, những năm gần đây, trẻ hóa bệnh nhân tiểu đường ngày càng gia tăng. Và để hiểu rõ hơn về căn bệnh này cũng như những biến chứng có thể gặp phải, mời quý vị cùng theo dõi ghi nhận ngay sau đây.
Khoa Khám bệnh, Bệnh viện đa khoa Đống Đa (TP.Hà Nội) đang quản lý hơn 2.600 bệnh nhân tiểu đường. 10% trong số đó ở độ tuổi từ 30 – 40.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Minh – Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, TP.Hà Nội
“Hiện nay việc trẻ hóa đối với người bệnh tiểu đường cũng đã tăng lên, cũng có thể do cách sinh hoạt lối sống, cũng như chế độ dinh dưỡng của người bệnh có những thay đổi so với những năm trước.”
Còn tại khoa Nội Tiết, Bệnh viện Thanh Nhàn (TP.Hà Nội), bệnh nhân này nhập viện do sốt xuất huyết nhưng phát hiện thêm bệnh tiểu đường.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Nam – Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thanh Nhàn, TP. Hà Nội
“Trẻ hóa do yếu tố tiềm ẩn gen nguy cơ thì không thể tránh được hoàn toàn, nhưng mà vấn đề những gia đình mà có thế hệ bố mẹ, họ hàng mắc tiểu đường thì các bạn trẻ chú ý vấn đề tập luyện, ăn uống và kiểm soát định kỳ để phát hiện ra sớm thì nguy cơ biến chứng ít xảy ra hơn.”
Tiểu đường là bệnh lý mạn tính thường gặp và là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 trong số các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam, sau tim mạch và ung thư. Bệnh gây những biến chứng nghiêm trọng.
Bác sĩ Huyền Trang – Phó Trưởng khoa Lão khoa, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, TP.Hà Nội
“Đa số bệnh nhân vào viện trong tình trạng đường huyết kém, bệnh nhân vào viện đường máu rất cao, có nhiều triệu chứng của tăng đường huyết. 1 số trường hợp có những biến chứng như mắt… hoặc có những bệnh nhân tai biến mạch máu não, bệnh lý về tim mạch ví dụ như đau thắt ngực, nặng hơn là nhồi máu cơ tim.”
Phát hiện sớm bệnh tiểu đường nhưng không tuân thủ điều trị đã gây ra những biến chứng không đáng có. Những trường hợp như vậy không hiếm gặp ở cả người trẻ và người cao tuổi.
Bác sĩ Lê Thị Phương Huệ – Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Thanh Nhàn, TP. Hà Nội
“Bệnh nhân không tuân thủ điều trị thì vết loét tái diễn, vi khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm trùng, bệnh nhân nhập viện nhiều lần, vừa nhiễm trùng bàn chân có tổn thương phổi trên phim.”
Các nghiên cứu cho thấy, người trẻ tuổi mắc bệnh tiểu đường, tỉ lệ biến chứng rất cao, thời gian dẫn đến biến chứng sớm và tiến triển nặng hơn. Những biến chứng nguy hiểm của tiểu đường có thể gặp như giảm thị lực, tăng huyết áp, tổn thương thần kinh ngoại biên gây tê bì tay chân, tổn thương thận dẫn đến suy thận, xơ vữa mạch máu gây nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não và có thể gây tử vong. Vì vậy việc tuân thủ điều trị, ăn uống theo chế độ của bác sỹ sẽ giúp bệnh nhân tiểu đường giảm, hạn chế nguy cơ biến chứng do bệnh gây ra./.
Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2.
Phạm Tuấn