Rau thì là giúp lợi sữa, dễ tiêu và tăng cường sinh lý

Bạn biết rồi đấy, trong khi ông trời còn đang phân vân chưa biết đặt tên gì cho hay thì loài cây ấy đã hồn nhiên reo lên với mọi người: “Tớ có tên rồi các bạn ạ, tên của tớ là “thì là”. Cái tên nghe cũng buồn cười đúng không nhỉ!
Câu chuyện về cái tên “thì là” dẫu chỉ là chuyện hoang đường nhưng lịch sử sử dụng của nó thì lại rất thực tế. Từ thời cổ đại, rau thì là đã có mặt ở các nền văn minh lớn, các quốc gia cổ đại như Ai Cập và Hy Lạp để làm rau gia vị. Ngày nay, loài rau nhỏ bé này đã trở nên phổ biến và mang lại nhiều giá trị không thể phủ nhận.
Vài nét về rau thì là
Thì là là một loại rau gia vị cao dưới 1 m và có vị hơi mặn nhưng cũng hơi ngọt. Toàn cây có mùi thơm nhẹ, dễ chịu và dễ phai hương. Cây thì là có tên khoa học là Anethum graveolens, thuộc họ Hoa tán.
Trong ẩm thực, rau thì là được kết hợp cùng các món ăn có tính lạnh hoặc có mùi tanh (như cá) nhằm khử mùi và giúp dễ tiêu. Thông thường, người ta dùng lá của cây thì là để làm thức ăn và dùng hạt để điều trị bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, toàn cây thì là đều ăn được và đều có thể dùng làm thuốc.
Tinh dầu thì là
Ngoài ra, hạt thì là (thực chất là quả) có chứa từ 3 – 4 % tinh dầu nên còn được dùng để chiết xuất tinh dầu. Đây là một trong những loại tinh dầu khá được ưa chuộng hiện nay, được ứng dụng vào nhiều mục đích khác nhau như xông hương, tắm gội, điều trị bệnh…
Công dụng làm thuốc của rau thì là
Cây thì là được biết đến là loại thực phẩm có tác dụng tốt đối với sức khỏe phụ nữ và trẻ em. Nước ép rau thì là không chỉ giúp kích thích kinh nguyệt, làm giảm đau bụng kinh mà còn kích thích quá trình tiêu hóa, giúp dễ tiêu và ngon miệng.
Thông thường, bạn có thể dùng khoảng 60 g rau thì là tươi, ép lấy nước hoặc kết hợp cùng rau cần tây (nếu kết hợp với rau cần tây thì giảm lượng cây thì là xuống còn khoảng 15 – 20 g, rau cần tây cũng dùng 20 g).
Cây thì là
Ngoài ra, với phụ nữ sau sinh, nếu muốn lợi sữa thì có thể bổ sung rau thì là vào thực đơn hàng ngày: mỗi ngày lấy một nắm rau tươi, nấu canh ăn (trong trường hợp sau sinh cảm thấy chán ăn, hay bị đầy hơi, bụng cồn cào, khó chịu thì cũng có thể dùng rau thì là với cách chế biến tương tự).
Nói tóm lại, trong ăn uống hàng ngày, cây thì là có ý nghĩa như một vị thuốc giúp:
  • Chống đầy hơi.
  • Hạ huyết áp.
  • Giảm ho đờm.
  • Giúp dễ ngủ.
  • Tăng cường ham muốn sinh lý.
  • Phòng ngừa xơ vữa động mạch, ngộ độc thực phẩm cũng như các rối loạn về tiêu hóa.
Cũng cần lưu ý, với trẻ em hay chán ăn, dễ nôn và đầy bụng, có thể dùng rau thì là để kích thích tiêu hóa nhưng phải giảm liều lượng xuống (lấy một nắm rau khoảng 30 g, đun lên lấy nước và chỉ dùng khoảng 5 – 10 ml nước này cho trẻ uống trước bữa ăn).
Công dụng của hạt và tinh dầu thì là
Theo y học cổ truyền, hạt thì là có vị cay, tính ấm và có tác dụng tương tự như rau thì là: kích thích tiêu hóa, giảm buồn nôn (lấy 3 – 6 g hạt, nhai rồi nuốt). Bên cạnh đó, hạt thì là còn giúp lợi sữa (dùng 4 – 8 g hạt pha trong 1 lít nước rồi uống nước). Lưu ý, nếu dùng tinh dầu thì chỉ dùng một lượng thật nhỏ từ 0, 25 – 1 g, nhỏ vào nước đường và uống.(2) (3).
Ngoài ra, nếu muốn giảm hôi miệng và hơi thở được thơm mát thì có thể nhai ăn từ 5 – 10 hạt thì là mỗi ngày (hoặc cũng có thể ngâm một lượng hạt như thế rồi chắt lấy nước uống). Ở Ấn Độ, người ta còn dùng tinh dầu thì là làm thuốc gây trung tiện, điều trị đầy hơi và sản xuất xà phòng thơm.
Lưu ý khi dùng cây thì là
  • Phân biệt: Cần phân biệt cây thì là với rau ngò rí vì hai loại này nhìn khá giống nhau.
  • Đối tượng cần tránh: Phụ nữ mang thai không nên dùng rau thì là thường xuyên vì cây thì là có chất kích thích co bóp tử cung.
  • Tương tác thuốc: Không nên dùng rau thì là cùng lúc với thuốc chống co giật, thuốc tránh thai… để tránh tương tác thuốc (5).
  • Tác dụng phụ: Những người có cơ địa mẫn cảm có thể xảy ra phản ứng dị ứng với rau thì là như nổi mề đay, ngứa và sưng…. Ngoài ra, việc lạm dụng cây thì là có thể gây ra những tác dụng không mong muốn như dậy thì sớm ở các bé gái (6)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM