Đã làm nghề bác sĩ là xác định dấn thân …

Là bác sĩ trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nặng tôi luôn xác định cho mình đã làm nghề là phải dấn thân, phải tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách của nghề. Và một khi đã lựa chọn tôi luôn sẵn sàng sống trọn với nghề của mình…

Những xúc cảm khó quên

So với ba đợt dịch bùng phát trước đây, đợt dịch lần thứ tư này số lượng bệnh nhân gia tăng rất nhanh, quy mô dịch bệnh cũng lớn hơn rất nhiều, dịch đã xuất hiện trên diện rộng 39 tỉnh và thành phố trong cả nước. Trong đó có các điểm nóng về dịch bệnh như Bắc Giang, Bắc Ninh…

Đặc biệt, đợt dịch này Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là nơi bị lây nhiễm, với nguồn bệnh xâm nhập từ ngoài cộng đồng vào. Bệnh viện vốn được coi là “thành trì” cuối cùng của dịch bệnh, nơi tiếp nhận hầu hết các bệnh nhân truyền nhiễm nặng của khu vực phía Bắc. Những bệnh nhân này nếu không mắc COVID-19 thì nguy cơ tử vong đã rất cao. Khi mắc thêm COVID-19 khiến bệnh cảnh trở nên nặng nề hơn, nguy cơ tử vong lại càng cao.

BS. Thân Mạnh Hùng

TS.BS. Thân Mạnh Hùng – Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Chưa đợt dịch nào số lượng bệnh nhân COVID-19 nặng nhiều như đợt dịch lần này. Riêng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện có tới hơn 220 bệnh nhân, trong đó có gần 30 ca phải thở máy, 30 ca thở oxy từ dòng cao đến oxy mặt nạ, oxy kính…

Vì mức độ, quy mô, tính chất của đợt dịch lần này như vậy nên các y, bác sĩ chúng tôi xác định tâm thế cho mình sẵn sàng với những diễn biến xấu của dịch bệnh. Số lượng bệnh nhân nhập viện sẽ tiếp tục gia tăng, bởi số lượng bệnh nhân ngoài cộng đồng tiếp tục tăng. Những điểm nóng như Bắc Giang đã có tới hơn 3000 bệnh nhân COVID-19. Như vậy sẽ có khoảng 150 bệnh nhân nặng. Tỉ lệ bệnh nhân nặng COVID-19 chiếm khoảng 5% tổng số bệnh nhân.

Trước diễn biến của dịch bệnh chúng tôi đã phải huy động mọi nguồn lực sẵn có của bệnh viện từ con người đến các hệ thống trang thiết bị, máy móc phục vụ cho công tác cứu chữa người bệnh; xác định tư tưởng phải đối mặt với những ca bệnh nặng, tiên lượng tử vong cao.

Chúng tôi thường nói với anh em đồng nghiệp cần sẵn sàng cho một cuộc chiến trường kỳ, không phải như một cuộc chạy đua nước rút nữa mà là một cuộc chạy marathon đường dài. Vì vậy cần phải biết phân phối nguồn lực, sức lực, điều quân hợp lý, xác định có thể phải cách ly, làm việc tại bệnh viện trong vòng 3 – 4 tháng ròng liên tục…

Mỗi đợt dịch đều để lại trong chúng tôi những cảm xúc đặc biệt khó tả. Những hình ảnh, những câu chuyện về các ca bệnh đã chiến thắng COVID-19 một cách thần kỳ. Như ca bệnh số 17 chúng tôi không chỉ là những người thầy thuốc cứu chữa bệnh nhân, điều trị bệnh cho bệnh nhân mà còn phải điều trị cả tâm lý nữa. Đó là một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời thầy thuốc của tôi.

Còn lần này là trường hợp của ba đồng nghiệp của chúng tôi. Trong ba đồng nghiệp này thì có hai đồng nghiệp còn rất trẻ, không có bệnh lý nền nhưng lại có tiến triển nặng.

Khi trực tiếp điều trị cho các đồng nghiệp tâm lý của chúng tôi khá căng thẳng và lo lắng nhiều vì nếu không cẩn thận có thể sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của những đồng nghiệp khác đang đồng hành cùng mình trong cuộc chiến đầy cam go với “giặc” COVID-19.

Đây không phải lần đầu tiên tôi xa nhà tham gia công tác chống dịch COVID-19 mà ngay từ tết năm ngoái, khi có ca bệnh COVID-19 tại bệnh viện tôi đã phải ở lại bệnh viện 3 tháng liền. Vì vậy có lẽ tôi đã quen với việc xa nhà, người thân trong gia đình tôi cũng đã quen với sự vắng mặt của tôi. Không thể nói là tôi không nhớ nhà, nhưng có lẽ nhờ những cuộc gọi facetime chớp nhoáng, nhìn thấy người thân đã giúp tôi vơi đi nỗi nhớ nhà. Mọi người trong gia đình qua điện thoại nhìn thấy tôi khỏe mạnh cũng yên tâm hơn…

Động lực để vượt qua và bước tiếp

TS.BS. Thân Mạnh Hùng (trái ảnh) trao đổi với đồng nghiệp về một trường hợp bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Nguyễn Á.

Cuộc chiến với “giặc” COVID – 19 lần này rất khốc liệt và đầy gian khổ do chủng đột biến của SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh hơn, gây bệnh cảnh cũng nặng nề hơn so với các chủng ban đầu.

Thế nhưng, ngay khi lựa chọn là bác sĩ truyền nhiễm tôi đã xác định cho mình phải dấn thân, tiếp xúc với những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm… Đây không phải lần đầu tiên tôi tham gia chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Từ năm 2009 khi mới bước chân vào nghề tôi cũng đã từng tham gia vụ dịch H1N1 đầu tiên ở Việt Nam, trực tiếp điều trị cho nhóm du học sinh du học ở các nước về, bản thân cũng bị nhiễm virus cúm H1N1 từ những bệnh nhân mà tôi điều trị.

Khi dịch COVID-19 xâm nhập lần đầu tiên vào Việt Nam đầu năm 2020, do chưa có nhiều thông tin về bệnh chúng tôi đã gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận phác đồ điều trị. Tuy nhiên, do đã có kinh nghiệm từ vụ dịch SARS năm 2003 nên chúng tôi đã có những ứng phó mà đến thời điểm này có thể nói là thành công. Còn hiện nay chúng tôi đã tự tin hơn, nắm được khá nhiều về cơ chế bệnh sinh của các chủng SARS-CoV-2, có nhiều kinh nghiệm trong điều trị, cách tiếp cận vấn đề thay đổi linh hoạt theo các biến chủng mới, hy vọng sẽ có kết quả tốt…

Động lực giúp chúng tôi tiếp tục chiến đấu trên con đường đã lựa chọn có được trước hết từ sự động viên tinh thần, tạo điều kiện của Ban lãnh đạo bệnh viện, của cấp trên trực tiếp, những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, và tạo điều kiện tốt nhất cho anh em chúng tôi làm việc.

Chúng tôi có thể tự tin chiến đấu với “giặc” COVID-19 nhờ được trang bị tương đối đầy đủ các vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác chống dịch, có đầy đủ các nhu yếu phẩm trong quá trình sinh hoạt và làm việc thời gian dài tại bệnh viện.

Động lực đến từ nhân dân, đã luôn chia sẻ động viên chúng tôi cả tinh thần lẫn vật chất khiến chúng tôi có thêm sức mạnh để chiến đấu với dịch bệnh.

Gia đình, người thân, bạn bè, tình cảm của họ, những lời động viên của họ đã giúp tôi có được “hậu phương” vững chắc để yên tâm chiến đấu với “giặc” COVID-19. 

Mai Hương – suckhoedoisong.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM