Doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group: Không chọn lớn nhất, mà chọn tuyệt vời nhất

Gắn bó, yêu và điên cuồng với “nghề hạnh phúc”, ông Phạm Hà tự tin sẽ mang đến hạnh phúc cho khách hàng bằng những trải nghiệm du lịch sang trọng khác biệt.

Phải vài lần hẹn, tôi mới gặp được ông Phạm Hà, nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch Lux Group – doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ du lịch hạng sang, tại văn phòng của Công ty.

Phòng làm việc của ông Hà nằm ở tầng 3 trong căn biệt thự khoảng 700 m2 trên đường Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội). Vì dịch bệnh, nên văn phòng khá vắng vẻ, nhưng khách ra vào văn phòng bước đi không dễ dàng, vì phải lách qua những bức tranh lớn nhỏ, chưa kể rất dễ vấp ngã vì mải ngắm rất nhiều bức tranh đủ loại kích cỡ treo trên tường. Bất kỳ ai đến đây đều có cảm giác như đang bước vào phòng triển lãm tranh, chứ không phải đến với văn phòng của một công ty du lịch hạng sang.

Kinh doanh luôn thể hiện bằng những con số, nhưng rốt cuộc, kinh doanh chính là tình người. Chúng tôi không chọn trở nên lớn nhất, mà chọn trở thành tuyệt vời nhất. Mỗi công ty thuộc Lux Group là một người tí hon vĩ đại, mang hạnh phúc đến với mọi người.

Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group

“Đó là bức tranh tôi rất thích. Thậm chí, có khách hàng ‘khóc lóc’ đòi mua với giá hơn 20.000 USD”, ông Hà chỉ tay về phía bức tranh khổ lớn treo đối diện bàn làm việc của mình. Đó là một góc khá tối, nhưng được trang trí ánh đèn rất huyền ảo, đủ để người xem thấy được từng nét vẽ.

“Bức đó rất hiếm. Nó được họa sĩ Phạm Lực sáng tác trên chất liệu bao tải, vẽ trên hầm Vĩnh Linh (Quảng Trị) vào năm 1973 về một người mẹ đang dạy 2 đứa con học”, ông giải thích thêm.

Vị Chủ tịch Lux Group đang sở hữu khoảng 500 bức tranh với nhiều thể loại của các họa sĩ “triệu USD” trong và ngoài nước. “Tôi thích sống trong một ngôi nhà thật đơn giản, nhưng phải ngập tranh”, ông Hà nói về sở thích sưu tập tranh, đồ cổ và các loại sách Đông, Tây, kim, cổ.

Những bức tranh được ông dày công sưu tập, thậm chí phải đấu giá rất cao mới có được. Có vài bức đáng giá cả căn biệt thự. Tranh không chỉ được ông trưng bày tràn ngập từ công ty tới nhà riêng, mà còn ở cả du thuyền 5 sao.

Cuối năm 2019, ông cho ra mắt Du thuyền Heritage Cruises Bình Chuẩn tại Cát Bà (Hải Phòng), được thiết kế dựa trên con tàu Bình Chuẩn của doanh nhân Bạch Thái Bưởi từ thế kỷ 20, thu hút sự chú ý của dư luận. Ông quyết định đặt tên con tàu như thế với kỳ vọng người Việt sẽ được sống dậy một ký ức lịch sử đầy kiêu hãnh về con tàu “made in Việt Nam” đầu tiên trong lịch sử. Đặc biệt, du khách sẽ rất ấn tượng với những bộ sưu tập tranh đậm đà bản sắc văn hóa, tinh thần Việt Nam trên du thuyền.

Gần 50 tuổi, nhìn bề ngoài, ông Phạm Hà có vẻ khá nhàn hạ, nhưng ông thừa nhận, mình đích thị là một gã đàn ông đúng nghĩa, “đa-zi-năng” và sở hữu nhiều ý tưởng sáng tạo rất điên rồ. Quê gốc ở Hải Dương, ông lên Hà Nội học, yêu lịch sử, yêu tiếng Pháp, làm giảng viên tiếng Pháp tại Trường đại học Luật Hà Nội, đi phiên dịch, hướng dẫn tour du lịch cho người Pháp, rồi góp sức nhỏ cùng đạo diễn Trần Anh Hùng làm bộ phim Mùa hè chiều thẳng đứng.

Và cuối cùng, vì đam mê du lịch và muốn là người đầu tiên cung cấp trải nghiệm du lịch độc đáo cho những du khách sang trọng đến Việt Nam, ông đã sáng lập Lux Group với một hệ sinh thái dịch vụ trọn gói, gồm: Công ty Lữ hành Lux Travel, hãng du thuyền Emperor Cruises, du thuyền Heritage Cruises với các tour trải nghiệm ở Nha Trang, Hạ Long, Cát Bà…

Hơn một năm qua, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới và cả Việt Nam, ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề. “Tôi rất buồn khi vừa nghe tin doanh nghiệp lữ hành inbound (chuyên cung cấp những chuyến du lịch được tổ chức cho khách nước ngoài đến Việt Nam – PV) có lịch sử hoạt động 25 năm của bạn tôi phá sản”, ông tâm sự.

Ông Hà cho biết, có đến 90% doanh nghiệp inbound  phải đóng cửa vì dịch bệnh.

Trong dòng chảy đó, Lux Group đã phải rất nỗ lực chuyển mình, tạo ra những ý tưởng mới, sản phẩm mới để duy trì hoạt động, tạo việc làm cho nhân viên, rồi mới tính đến những kế hoạch phát triển trong thời gian tới.

Khi nguồn khách quốc tế bị đứt gãy, Lux Group chuyển sang thu hút khách nội địa. Phân khúc khách hàng mà ông chọn chủ yếu là những người có điều kiện kinh tế, có thời gian, biết hưởng thụ và có gu. Lux Group sẽ mang đến cho họ những trải nghiệm ngạc nhiên, thú vị mà không thể tìm thấy trên Google…

Trong thời gian dịch bệnh, ý nghĩ thường trực trong đầu ông mỗi ngày là sống chậm lại một chút, nhưng làm được nhiều hơn. Từ đây, ông định hướng để Lux Group lập ra các phòng nội địa riêng, tạo các video thương mại, làm mới hình ảnh thương hiệu. Không những thế, các nhân viên của Lux Group cũng phải tạo nhận diện cá nhân, xây dựng thương hiệu cá nhân kết hợp với thương hiệu của doanh nghiệp để tạo niềm tin với khách hàng, thúc đẩy quảng bá và kinh doanh hiệu quả.

Mùa du lịch năm 2020, Lux Group giảm 50% giá dịch vụ để nhiều người Việt có thể trải nghiệm các dịch vụ mới và hình thành những xu hướng du lịch mới. Đơn cử, du lịch trên du thuyền trước đây hầu như chỉ dành cho khách nước ngoài, vì giá khá cao. Lux Group đã tạo cơ hội để nhiều người Việt biết đến du lịch nghỉ dưỡng trên du thuyền 5 sao và kỳ vọng sẽ tạo “trend” (xu hướng) cho năm 2021 với mức giá dịch vụ hợp lý.

Trải qua dịch bệnh, con người càng nhận thấy rõ hơn, sức khỏe và tinh thần rất quan trọng. Theo đó, những người yêu thích du lịch sẽ đi theo nhóm nhỏ, hộ gia đình, các nhóm tập yoga, thể thao và có xu hướng kết nối với thiên nhiên, rừng núi, biển cả… Nắm bắt xu hướng này, Lux Group vừa cho ra mắt các sản phẩm du lịch mới như tour du lịch chăm sóc sức khỏe toàn diện (wellness travel) với mục tiêu giúp du khách có thêm trải nghiệm, khỏe cả về tâm – thân – tuệ.

Dù doanh thu năm 2020 chỉ bằng 10% so với mức trung bình 220 tỷ đồng của những năm trước, nhưng ông Hà khá lạc quan vì các hoạt động của Lux Group vẫn có thể duy trì, đảm bảo giữ và nuôi sống được nhân viên.

Với ông, Covid-19 chỉ có thể làm chậm lại việc hiện thực hóa những ý tưởng trong kinh doanh, chứ không thể xóa đi mục tiêu và lý tưởng. Ông và Lux Group tựa như chiếc lò xo đang bị nén chờ ngày bật lên. Ông tin chắc rằng, du lịch sẽ trở thành nhu cầu tất yếu trong cuộc sống, nên không ngừng sáng tạo, làm mới mình, Ông đang chuẩn bị kế hoạch cho thời gian tới như phát triển thêm du thuyền ở Nha Trang, Phú Quốc; xây dựng khu nghỉ dưỡng trên núi ở Pù Luông (Thanh Hóa).

Tuy nhiên, khi đặt doanh nghiệp của mình trong sự vận động chung của toàn ngành du lịch, giọng ông trầm hẳn xuống. Ông cho rằng, du lịch Việt Nam phải phát triển theo hướng: tất cả là điểm đến, trải nghiệm và ký ức. Du lịch Hà Nội hiện vẫn “buồn và nhàm chán”, nên theo ông, nên phát triển theo hướng lấy sông, hồ làm trung tâm. Sông Hồng phải có bến du thuyền, Hồ Tây phải là trung tâm của các hoạt động, trên bến dưới thuyền, có nhiều điểm vui chơi, nhà hát, khu vực biểu diễn, phố đi bộ… Có như vậy, du khách mới quay lại nhiều lần, ở lâu hơn và tiêu tiền nhiều hơn.

“Trong nền kinh tế sáng tạo, cần sáng tạo, đừng ‘ăn mày’ di sản, mà phải nâng cao giá trị và phải biết kể chuyện”, Chủ tịch Lux Group nêu quan điểm và dẫn chứng bằng chương trình du lịch trải nghiệm “Đêm linh thiêng 2 – Sống như những đóa hoa” hồi tháng 10/2020 được tổ chức tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội).

“Đó là một đêm cảm xúc, thêm chút ngôn ngữ của ánh sáng, âm thanh và mùi vị, tác động vào ngũ giác của du khách để mỗi người có thể cảm nhận được sự ‘linh’ và ‘thiêng’ của những câu chuyện, với hình ảnh các bà, các mẹ, các chị hiện lên như những đóa hoa kiên cường trong bão táp”, ông Hà kể lại với vẹn nguyên cảm xúc.

Covid-19 là “cú đấm” chí mạng đối với ngành du lịch nói chung và cũng khiến Lux Group choáng váng, nhưng không dễ để ông Hà chuyển nghề. Thậm chí, khi được hỏi, nếu được chọn lại, ông có chọn gắn bó với ngành du lịch không, ông cười và bảo: “Tôi làm theo sở trường, không theo sở đoản. Tôi làm ‘nghề hạnh phúc’ và sẽ mang đến hạnh phúc cho nhiều người khác”.

Trong “vai” người lữ khách, ông Hà từng đặt chân đến hơn 70 quốc gia trên thế giới, trải nghiệm với nhiều cung bậc cảm xúc. Đó là lúc ông thoát khỏi “cái bóng” của mình để tiếp xúc với những con người, nền văn hóa, danh lam, thắng cảnh và lối sống khác biệt mà không phải ngày nào cũng có, vùng nào cũng giống nhau. Cũng từ đây, ông đã hình thành ý tưởng kinh doanh sản phẩm độc, lạ nhằm chiều lòng du khách.

Có một điều khá thú vị là, ông Hà rất khó tính trong kinh doanh, xây dựng sản phẩm, nhưng lại rất dễ tính trong cuộc sống đời thường. Đa tính cách trong một nhân cách, luôn tự do làm những điều mình thích, thế nên, ông không mấy quan tâm mình có bao nhiêu tài sản, hay tài sản biến động thế nào, mà chỉ thích sưu tập tranh và được sống với những giá trị bất biến theo thời gian.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM