Doanh nhân Trần Hùng Thiện, sáng lập, kiêm CEO Gcomm: Định vị thương hiệu Việt trên sân chơi của khối ngoại

Ông Trần Hùng Thiện đã chèo lái con thuyền GComm trong gần 10 năm qua, khẳng định tên tuổi của doanh nghiệp nghiên cứu thị trường nội địa hiếm hoi trong lĩnh vực vốn thuộc về khối ngoại.
Doanh nhân Trần Hùng Thiện, sáng lập, kiêm CEO Gcomm
Nắm bắt cơ hội
Năm 2020 là “phép thử” khả năng linh hoạt và chuyển đổi của doanh nghiệp. Covid-19 bùng phát, biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc được thực thi buộc các doanh nghiệp phải tăng cường tiếp cận khách hàng qua kênh trực tuyến.

“Tôi yêu mảnh đất nơi mình được sinh ra”

Ông định nghĩa thế nào về hạnh phúc?

Hạnh phúc là làm cho người thân của mình hạnh phúc.

Nếu chọn một vùng đất ở Việt Nam để gắn bó, ông sẽ chọn nơi nào?

Quảng Nam, quê tôi. Tôi yêu mảnh đất nơi mình được sinh ra và trải qua thời thơ ấu đầy kỷ niệm. Lúc nào tôi cũng muốn được trở về đó.

Môn thể thao mà ông yêu thích và thường khuyên bạn bè tập luyện?

Đó là bơi lội. Bơi lội giúp chúng ta rèn luyện sức khỏe, giảm căng thẳng. Thêm nữa, bơi lội giúp thở đều, rất tốt cho những người không đủ thời gian để thiền.

Doanh nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường cũng không ngoại lệ, thậm chí còn gặp nhiều khó khăn hơn, vì tiếp xúc là một trong những phương thức quan trọng để thu thập thông tin, phục vụ hoạt động nghiên cứu. Mặc dù vậy, GComm đã “sang số” khá… mượt mà, thậm chí, doanh thu 6 tháng cuối năm 2020 còn vượt 90% chỉ tiêu năm 2019.
“Đó là kết quả rất đáng khích lệ đối với chúng tôi, vì số ngày làm việc trong năm 2020 chỉ bằng hai phần ba so với năm 2019”, ông Thiện chia sẻ.
Mức tăng trưởng doanh thu này đến từ các hợp đồng nghiên cứu thị trường trực tuyến. Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, việc thuyết phục và chốt được hợp đồng với khách hàng không hề đơn giản. Những tháng đầu năm 2020, GComm cũng vấp phải nhiều thách thức trong việc chào hàng. Nhưng, bằng cách gia cố chất lượng dịch vụ, đầu tư chiều sâu, đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau tìm đến với GComm với số lượng ngày càng lớn.
Yêu cầu số một đối với sản phẩm nghiên cứu thị trường trực tuyến là tính tin cậy và minh bạch. Ông Thiện giải quyết bài toán này bằng cách rà soát ứng viên thông qua hệ thống sàng lọc riêng của Công ty, vốn là hệ thống phần mềm và ứng dụng di động được xây dựng bởi đội ngũ GComm.
Cách làm này giúp GComm giải quyết được bài toán thời gian, đồng thời xây dựng hệ thống dữ liệu về ứng viên chất lượng, phù hợp với nhiều ngành nghề phục vụ việc khảo sát.
“GComm là công ty nghiên cứu thị trường nội địa duy nhất tính đến thời điểm hiện tại đầu tư vào công nghệ để hỗ trợ việc khảo sát”, ông Thiện tự hào nói.
Trước đó, tháng 8/2019, GComm chính thức công bố thương vụ mua lại mảng tư vấn doanh nghiệp của CASK, bổ sung mảnh ghép quan trọng để tiến tới hoàn thiện hệ sinh thái GComm. Ông Thiện lý giải, nếu nghiên cứu thị trường chỉ dừng ở bản báo cáo hay thuyết trình, thì rất nhiều doanh nghiệp sẽ lúng túng trong việc vận hành.
CASK là đơn vị có nền tảng vững chắc trong đào tạo, tư vấn cùng mạng lưới chuyên gia trong ngành tiếp thị, bán hàng. Việc sáp nhập CASK vào hệ sinh thái sẽ giúp GComm đẩy mạnh mảng tư vấn.
Chia sẻ kế hoạch năm 2021, CEO GComm rỏ ra khá tự tin. Ông bảo, đã qua rồi thời các chủ doanh nghiệp dựa vào sự xốc vác, kiến thức và kinh nghiệm để đưa ra định hướng cho công ty. Sự thay đổi ngày càng nhanh của người tiêu dùng dưới sức ảnh hưởng của công nghệ đang khiến việc nghiên cứu thị trường trở nên có giá trị hơn, kể cả với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực tế cũng đã cho thấy, dù kinh tế tăng trưởng tích cực hay tiêu cực, doanh nghiệp luôn có nhu cầu nghiên cứu thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều biến động như hiện nay, một giải pháp linh hoạt về thời gian và chi phí đầu tư là điều được nhiều doanh nghiệp ưu tiên. GComm sẽ là người đồng hành, cùng doanh nghiệp đưa ra những giải pháp hiệu quả.
Trợ lực để doanh nghiệp Việt lớn mạnh
Sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Hawaii (Mỹ), năm 2002, ông Thiện đầu quân cho một công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu tại Việt Nam lúc bấy giờ – Nielsen.
Từ một trợ lý nghiên cứu thị trường, ông Thiện đã khẳng định năng lực và được giao đảm nhận vị trí Giám đốc cấp cao mảng nghiên cứu bán lẻ, rồi lại đột ngột rẽ ngang, bắt đầu hành trình mới với GComm vào năm 2011.
“Lúc đó, tôi thấy cần phải thử thách chính mình”, lý do khởi nghiệp được ông Thiện gói trong một câu đơn giản như vậy, nhưng quả thực, đó là một hành trình gian nan. Bởi, nghiên cứu thị trường xưa nay vốn là “sân chơi” độc quyền của các doanh nghiệp ngoại có nhiều thế mạnh và giàu tiềm lực, như Neilsen, Kantar, TNS…
Thật ra, một lý do quan trọng khác thôi thúc ông Thiện thành lập GComm là muốn giúp các doanh nghiệp nội địa có sự chuẩn bị tốt hơn để có thể “thi đấu” cả trên “sân nhà” và “sân khách” trong bối cảnh hội nhập.
“Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá tiết kiệm trong việc đầu tư cho thông tin và tôi muốn phần nào thay đổi thói quen này”, ông Thiện chia sẻ.
GComm được ghép từ hai chữ viết tắt, trong đó, “G” có nghĩa là “good” (tốt), “global” (toàn cầu) và đôi khi, có người dùng khái niệm “G Day” với ý nghĩa là “một ngày quan trọng để dốc tổng lực vào một trận đánh lớn”; “Comm” là viết tắt của “community” (cộng đồng). Đặt tên cho doanh nghiệp của mình là GComm, ông Thiện mong muốn xây dựng một cộng đồng gồm những chuyên gia giỏi, có năng lực tốt để hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng những giải pháp hiệu quả nhất.
Thời gian đầu vận hành GComm, giống như bao doanh nhân khởi nghiệp khác, ông Thiện cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Gần 10 năm kinh nghiệm nghiên cứu thị trường và làm việc trong môi trường doanh nghiệp đa quốc gia, nhưng khi “ra riêng”, mọi thứ với ông đều trở thành… mới mẻ. Bởi, không đơn thuần như lúc làm công tác nghiên cứu thị trường, ông còn phải gánh vác việc quản lý, điều hành, xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp…
Ngành nghiên cứu thị trường có một đặc trưng là, chất lượng sản phẩm phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng và kiến thức của nhân sự. Vì vậy, vấn đề nhân sự luôn là bài toán khiến các ông chủ “đau đầu”.
Không để tình trạng đội ngũ vừa yếu, vừa thiếu, ông Thiện đầu tư mạnh cho công tác đào đạo nhân sự. Sau khi ổn định lực lượng, ông “giữ chân” nhân sự bằng cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp luôn tôn trọng sự minh bạch và tin tưởng lẫn nhau.
“Đồng nghiệp của tôi là những người tôi tin tưởng tuyệt đối và ngược lại, họ không bao giờ nghi ngờ tôi về tính minh bạch. Chúng tôi có chung niềm đam mê, khát vọng và tầm nhìn là mang lại những giá trị tốt nhất cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Thiện trải lòng.
Sau gần 10 năm hoạt động, GComm đã xây dựng được cơ cấu doanh thu khá vững chắc. Trong đó, hơn 60% doanh thu đến từ nhóm khách hàng trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh (FMCG); 40% còn lại được chia đều cho 2 mảng mới là dịch vụ nghiên cứu thị trường cho các công ty có ứng dụng yếu tố công nghệ và nhóm tư vấn chiến lược.
GComm giúp các doanh nghiệp hiểu rõ người tiêu dùng để làm nền tảng phát triển ý tưởng sản phẩm mới hoặc ý tưởng truyền thông; đo lường sức khỏe thương hiệu; nghiên cứu kênh phân phối, hành vi của người mua hàng; đo lường chuẩn thực thi tại điểm bán…
Chiến lược đầu tư cho công tác đào tạo nhân sự của ông Thiện đã mang đến lợi thế cho GComm, đó là năng lực triển khai dự án với tốc độ nhanh, chất lượng ổn định. Đặc biệt, các báo cáo đề xuất của GComm luôn mang tính hành động và đem lại hiệu quả cao, nhưng giá thành dịch vụ lại rất cạnh tranh.
Mảng tư vấn chiến lược của GComm cũng đang đạt tốc độ tăng trưởng tốt vì nhu cầu “lột xác” của các doanh nghiệp Việt Nam ngày một lớn. Tệp khách hàng này chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã đạt được thành tựu nhất định, nhưng vẫn cần bước đột phá để củng cố nền tảng trước những biến động của thị trường trong tương lai.
Mong muốn sẻ chia
Mặc dù luôn bận rộn với công việc, nhưng ông Thiện vẫn dành thời gian làm thiện nguyện, thông qua Hear US Now – tổ chức trợ giúp người khiếm thính được trang bị kỹ năng Anh văn và vi tính.
Ngoài ra, ông còn tham gia công tác giảng dạy. Hiện ông là giảng viên phụ trách Chương trình Dự bị đại học quốc tế, kỹ năng mềm và nghiên cứu thị trường của Viện Nghiên cứu và đạo tạo Việt – Anh (Đại học Đà Nẵng).
Có một điều khá thú vị là, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cậu học sinh Trần Hùng Thiện đã ấp ủ giấc mơ làm thầy giáo. Năm 2005, giấc mơ ấy đã thành hiện thực. Công việc giảng dạy đến với ông Thiện như một cơ duyên, sau khi ông được bổ nhiệm vị trí Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường của Nielsen Việt Nam.
“Khi tham gia công tác giảng dạy, tôi có thể chia sẻ kiến thức cho học viên và ngược lại, cũng được học viên chia sẻ rất nhiều điều mà mình chưa biết”, ông Thiện cười và nói.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM