Xôi, bánh cá chép hút khách dịp Tết ông Công ông Táo
Thị trường đồ cúng ông Công ông Táo ở Hà Nội đang khá nhộn nhịp. Ngay cả “chợ” mạng cũng nóng, rao bán đủ loại vật phẩm cho ngày tết cổ truyền này. Năm nay, các loại xôi, thạch rau câu, bánh trôi hình cá chép được ưa chuộng, bán tràn lan trên mạng.
Chị Thu Trang (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết mấy ngày nay, chị phải làm hết công suất mới đủ bánh trôi cá chép giao cho khách. Hiện tại, nhà chị Trang đã nhận làm gần 1.000 con cá chép bánh trôi với đủ kích cỡ, hình thù.
“Mọi năm nhà tôi nhận làm xôi cá chép. Năm nay, ngoài xôi thì tôi còn nhận làm thêm bánh trôi cá chép vì thấy sản phẩm này được rất nhiều người tiêu dùng ưa thích vì mới lạ và đẹp mắt”, chị Trang cho hay.
Chị Trang cho biết, nguyên vật liệu làm bánh trôi cá chép cũng giống như bánh trôi truyền thống, chỉ khác ở khâu xử lý và pha chế bột. Bột là dùng bột nếp Thái, khi trộn bột phải dùng nước nóng từ 50 độ trở lên, sau khi nhào xong thì phải treo bột cho thật khô từ 5 – 7 tiếng. Giống như xôi cá chép, bánh trôi cá chép cũng có hai loại là loại không nhân và loại có nhân đậu xanh hoặc khoai môn hấp. Các nguyên liệu đều có nguồn gốc tự nhiên như màu đỏ được lấy từ bột gấc hay củ dền, màu vàng từ hoa dành dành, tinh bột nghệ, còn màu đen để làm mắt cá được lấy từ tinh than tre.
Sau khi hoàn thiện các công đoạn, bánh sẽ được bỏ vào tủ cấp đông và bán cho khách. Mọi người mua về chỉ cần hấp lên là có thể sử dụng.
Giá cho mỗi con cá chép là 15.000 đồng và thông thường sẽ bán theo set 3 con hoặc 5 con kèm theo nước đường. Nếu nhiệt độ phòng lý tưởng, bánh sẽ để được 2-3 ngày còn muốn bảo quản lâu hơn thì người mua nên cho vào ngăn mát tủ lạnh.
“Bánh được làm thủ công và không có chất bảo quản nên bánh không thể làm trước quá 1 ngày. Vì vậy để kịp giao hàng cho khách mấy hôm nay tôi phải làm suốt đêm và thuê thêm người phụ giúp”, chị Trang nói.
Tương tự, chị Mỹ Dung ở (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, nhà chị bắt đầu nhận bánh trôi, thạch cá chép từ ngày 15 tháng chạp và trả chậm nhất vào ngày 23 tháng chạp.
“Từ cách đây hơn 10 ngày, tôi bắt đầu rao bán rau câu mang hình cá chép để khách hàng biết và đặt từ sớm. Có như vậy chúng tôi mới có thể chuẩn bị đủ nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của khách”.
“Đến nay đã có hơn 800 đơn đặt hàng, để đảm bảo chất lượng chúng tôi buộc phải ngưng nhận đơn để tập trung chuẩn bị nguyên liệu và làm cá chép cho khách đã đặt”, chị Dung cho hay.
Ngoài bánh trôi, thạch cá chép các loại xôi, bánh tổ hình cá chép cũng vẫn được người tiêu dùng lựa chọn. Những con cá chép giả được làm nguyên liệu từ gạo nếp, đúc khuôn khá công phu với màu sắc đẹp, trang trí cầu kỳ bắt mắt. Chè cá chép là nhân đậu xanh, còn xôi cá chép làm nhân nấm thịt. Sau khi cúng, người mua có thể thưởng thức được luôn.
Bánh tổ cá chép thì thành phần chính là bột nếp ngào với nước đường vàng, rồi đem hấp chín, lúc ăn thì cắt miếng mỏng rồi chiên dầu, chiên xong bánh vừa dẻo vừa giòn mặt, ăn rất ngon.
Hiện các mặt hàng cá chép giả này được rao bán rất nhiều trên các trang bán hàng online với giá dao động từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng/sản phẩm. Cụ thể, xôi cá chép có thêm nhân làm bằng thịt xào nấm giá 110.000 đồng/con nặng khoảng 0,8kg, mâm cá đơn và thỏi vàng 170.000 đồng, mâm vàng 170.000 đồng, mâm song ngư 220.000 đồng…
Tuy vậy, không ít người vẫn băn khoăn về chất lượng cũng như nguyên liệu sản phẩm. Chị Lan Anh (Ba Đình, Hà Nội) thừa nhận, mặc dù được người bán quảng cáo là các con cá chép đều được làm cẩn thận với nguyên liệu sạch có thể ăn được nhưng do không rõ nguồn gốc, hạn sử dụng nên chị chỉ mua vì thấy đẹp chứ cũng không dám ăn.